Ứng phó với biến đổi khí hậu: Đừng xem nhẹ liên kết vùng

ThienNhien.Net – Do biến đổi khí hậu là vấn đề mới nên việc đề cập đến liên kết vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu còn ít. Chỉ có 33% số người được hỏi cho là vấn đề liên kết vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu đã được đề cập trong các cuộc họp tại địa phương, 67% số người cho là vấn đề này chưa được đề cập.

Thông tin này được đưa ra tại hội thảo Xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu ở vùng Đồng bằng sông Hồng, diễn ra tại Ninh Bình ngày 7/9.

Đây là một trong những hoạt động của đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước “Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu ở Việt Nam,” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu do Viện Địa lý nhân văn (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) thực hiện. Đề tài này được thực hiện từ năm 2013 đến năm 2015.

Ảnh minh họa: Lê Huy Hải/TTXVN
Ảnh minh họa: Lê Huy Hải/TTXVN

Đề cập đến cơ sở lý luận về liên kết vùng trong ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, tiến sỹ Nguyễn Song Tùng, Viện Địa lý nhân văn – Chủ nhiệm đề tài, khẳng định liên kết kinh tế-xã hội là nền tảng và tiền đề cho các liên kết trong bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thực tế cho thấy Đồng bằng sông Hồng ngày càng phát triển, trình độ hợp tác giữa các địa phương trong vùng vì thế cũng ngày càng được chuyển hóa thành các hình thức liên kết phong phú, đa ngành và đa lĩnh vực.

Trong những năm qua, Đồng bằng sông Hồng chưa thực hiện tốt vai trò là một đầu tàu kinh tế, liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng và với các địa phương khác của miền Bắc và cả nước.

Các chính sách phát triển vùng hiện nay chưa đồng bộ, chưa phát huy được vai trò mềm dẻo và linh hoạt của kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, các chính sách còn chồng chéo giữa quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch xây dựng và các loại quy hoạch khác, gây lãng phí nguồn lực; chưa ăn khớp về nhận thức vị trí, vai trò của mỗi quy hoạch, cả nội dung, phương pháp tiếp cận và sự khớp nối, phối hợp giữa các quy hoạch.

Vùng Đồng bằng sông Hồng là châu thổ màu mỡ rất thuận lợi cho phát triển nông-ngư nghiệp toàn diện. Do nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nên các tỉnh trong vùng thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ lụt và hạn hán, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản.

Tình trạng xâm nhập mặn do nước biển dâng cao làm mất đất canh tác; các đợt rét đậm, rét hại cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng, vật nuôi.

Thêm vào đó, nhiệt độ tăng; chế độ dòng chảy, độ mặn của nước giảm; cường độ và lượng mưa lớn vào mùa mưa đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng của các loài thủy, hải sản.

Nhiều sinh vật nước lợ và ven bờ, đặc biệt là loài nhuyễn thể hai vỏ (nghêu, ngao, sò…) bị chết hàng loạt do không chống chịu nổi với sự thay đổi của nồng độ muối.

Tỉnh Ninh Bình được đánh giá là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất trong lĩnh vực nông-ngư nghiệp của toàn vùng. Năm 2008, đợt rét đậm rét hại bất thường kéo dài tới 38 ngày đã gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản của tỉnh. Ước tính tổng thiệt hại do rét đậm, rét hại năm 2008 đối với sản xuất nông nghiệp, thủy sản của tỉnh là trên 212 tỷ đồng. Đầu năm 2013, tại nhiều địa phương của tỉnh cũng xảy ra hiện tượng chết hàng loạt ở cả ngao giống và ngao thương phẩm (tỷ lệ chết lên tới 70-80%).

Bên cạnh đó, theo thống kê thiệt hại của thành phố Hải Phòng, cơn bão số 2 vào tháng 6/2013 đã phá hủy nhiều cơ sở vật chất của khu vực du lịch Đồ Sơn. Đoạn đê kè dài 40m tại bãi tắm khu 1 bị phá vỡ, nhiều nơi ở Đồ Sơn còn xảy ra ngập úng. Bãi tắm khu 2 cũng bị bão tàn phá, nhiều đoạn đường và vỉa hè bị hư hỏng nặng.

Tháng 9/2014, Đồ Sơn cũng bị ngập nặng do ảnh hưởng của cơn bão số 3, quận Đồ Sơn và huyện đảo Cát Hải xuất hiện những đợt sóng biển cao 4-5m đánh vào các bờ kè, nước tràn vào các phố phường gây ra tình trạng ngập cục bộ, đá dưới biển và đá kè bị nước biển đánh vỡ văng vào nhiều nhà hàng, khách sạn gây vỡ cửa kính, hư hỏng nhiều thiết bị, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch.

Sự thay đổi nhiệt độ, lượng mưa, nước biển dâng, xâm nhập mặn và các yếu tố thiên tai bất thường khác đã ảnh hưởng đến đa dạng sinh học nhiều nơi ở vùng Đồng bằng sông Hồng.

Nghiên cứu trường hợp tỉnh Quảng Ninh do Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu-Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện cho thấy biến đổi khí hậu đã gây ra những tổn thương đối với hệ sinh thái cả trên cạn và dưới nước của khu vực này.

Khu vực Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và nhiều lưu vực gần cửa biển đang bị tác động rất rõ rệt khi nhiệt độ tăng lên. Hàm lượng O2 trong nước giảm mạnh vào ban đêm do sự tiêu thụ quá mức của các loài thực vật thủy sinh, hoặc quá trình phân hợp chất hữu cơ, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của loài sinh vật (có thể bị chết hoặc chậm lớn).

Tại Hội thảo, các chuyên gia và các nhà quản lý đã nêu ra những bất cập trong liên kết vùng ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, qua đó đề xuất một số kiến nghị cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Hồng.

Xây dựng chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu mang tính tổng hợp, bền vững, liên vùng trong thời gian tới cần tập trung vào việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành, trong đó có cơ sở dữ liệu về khí hậu, khí tượng, thời tiết, thủy văn, địa chất địa hình… của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Việc xây dựng Quy chế thí điểm liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2015-2020 cần tập trung vào liên kết trong đầu tư xây dựng, phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ; liên kết vùng trong phát triển du lịch, hình thành các vùng chuyên canh nông nghiệp dựa trên thế mạnh của vùng cây dược liệu, thuốc, nguyên liệu giấy, nông sản đặc sản thông qua xây dựng chuỗi giá trị; liên kết vùng trong quản lý tài nguyên nước, tài nguyên rừng, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu.

Cùng với thành lập cơ quan chuyên trách chỉ đạo về ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và liên kết vùng, cần xây dựng cơ chế bắt buộc cũng như kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện liên kết ở các địa phương, ban hành bộ tiêu chí phê duyệt và đánh giá đối với các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu có tính liên vùng.

Đặc biệt, cần thiết lập mạng lưới trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong ứng phó với biến đổi khí hậu giữa các địa phương trong vùng với nhau.