Hạn hán ở miền Trung – Tây Nguyên sẽ kéo dài và khắc nghiệt hơn

ThienNhien.Net – Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn của nhân loại hiện nay. Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng, các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, bão, lũ…

Điển hình là tình trạng hạn hán nghiêm trọng đã và đang diễn ra tại các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ, trong đó Ninh Thuận và Bình Thuận là hai tỉnh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Xâm thực nghiêm trọng tại bờ biển thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)
Xâm thực nghiêm trọng tại bờ biển thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này. Sau đây là nội dung phỏng vấn:

– Các chuyên gia quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt là vấn đề nước biển dâng. Ông cho biết cụ thể những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với phát triển kinh tế-xã hội?

Ông Nguyễn Văn Tuệ: Ở Việt Nam, trong những năm qua, biểu hiện của biến đổi khí hậu đã rõ nét với nhiều tác động tiêu cực và nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội của nhân dân.

Thiên tai như bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất… làm tăng số người thiệt mạng; nhiệt độ tăng, các đợt rét đậm, rét hại kéo dài gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng; hạn hán, xâm nhập mặn gây thiếu nước sinh hoạt, về lâu dài có thể phát sinh các vấn đề xã hội như di dân, xung đột sử dụng nguồn nước khan hiếm…

Theo ước tính, trong hơn 30 năm qua, bình quân mỗi năm thiên tai làm chết và mất tích khoảng 500 người, bị thương hàng nghìn người, thiệt hại về kinh tế khoảng 1,5% GDP. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2013 ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng, gấp trên 2 lần so với năm 2012.

Cũng theo Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, vào cuối thế kỷ XXI, nếu mực nước biển dâng cao một mét thì khoảng 39% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển bị ngập, Thành phố Hồ Chí Minh bị ngập trên 20% diện tích; khoảng 10-12% dân số cả nước bị ảnh hưởng trực tiếp và tổng tổn thất sẽ khoảng 10% GDP.

– Để ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện những biện pháp gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tuệ: Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng, triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Để phát huy những kết quả đạt được, nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nhiều giải pháp trọng tâm đã, đang và sẽ được thực hiện trong đó có việc tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; chủ động trong công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Các biện pháp phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng tiếp tục được đẩy mạnh.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh; ưu tiên phân bổ nguồn lực thực hiện các Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, về tăng trưởng xanh; rà soát, tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu vào các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ngành và địa phương.

Các ngành chức năng tăng cường quản lý, bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái; chú trọng giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu mang tính liên ngành, liên vùng, mang lại lợi ích kép, đa mục tiêu, vừa tăng cường sức chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu, vừa đảm bảo sinh kế của cộng đồng, cũng như tăng cường hợp tác quốc tế, đa dạng hóa nguồn lực hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

– Trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả biến đổi khí hậu, cộng đồng đóng vai trò hết sức quan trọng. Theo ông, cần làm gì để nâng cao ý thức và hành động của cộng đồng trong công tác này?

Ông Nguyễn Văn Tuệ: Ở Việt Nam, công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai dựa vào cộng đồng đã được Chính phủ quan tâm triển khai với phương châm “4 tại chỗ” và “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có nhiều diễn biến phức tạp, các hiện tượng thiên tai, bão, lũ ngày càng bất thường, trái quy luật và trên thực tế có nhiều trường hợp “nước xa không cứu được lửa gần,” dựa vào cộng đồng, lấy cộng đồng làm trung tâm, phát huy vai trò của cộng đồng tiếp tục là một giải pháp quan trọng đảm bảo tính chủ động, khả năng ứng phó với tình hình một cách linh hoạt và kịp thời.

Để nâng cao ý thức, hiệu quả hành động và phát huy vai trò của cộng đồng cần phải có những yếu tố nhất định do Nhà nước tạo ra.

Nhà nước cần tiếp tục truyền thông nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực cho cộng đồng về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai; tổng kết thực tiễn để hoàn thiện, phát triển phương châm “4 tại chỗ” phù hợp; tạo hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, phát huy tri thức bản địa trong phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

– Ứng phó với biến đổi khí hậu là hành động mang tính quốc tế. Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức quốc tế, các quốc gia khác như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tuệ: Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu. Ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi nỗ lực chung của tất cả các quốc gia. Việt Nam luôn tham gia có trách nhiệm các hoạt động và quá trình đàm phán về biến đổi khí hậu trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC); đồng thời tích cực, chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hiện nay, Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia tiến trình đàm phán xây dựng Thỏa thuận toàn cầu mới về biến đổi khí hậu để có thể thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21).

Trong khuôn khổ hợp tác song phương, Việt Nam tích cực hợp tác với Nhật Bản thực hiện cơ chế Tín chỉ chung (JCM); hợp tác với các nước và Ngân hàng Thế giới xây dựng Đối tác Thị trường cacbon (PMR), hợp tác với Na Uy để các hoạt động phát triển rừng, bảo vệ và quản lý rừng bền vững (REDD+); hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế khác của Đức, Đan Mạch, Nhật Bản như GIZ, DANIDA, JICA, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) để triển khai các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia…

Ở khuôn khổ hợp tác đa phương, Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu được triển khai từ năm 2009 đến nay đã tạo ra Diễn đàn chính sách rộng lớn, với sự tham gia của 6 nhà tài trợ và các đối tác phát triển cùng 10 bộ, ngành phía Việt Nam để thảo luận, xây dựng các hành động chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đã có trên 200 hành động chính sách được xây dựng và triển khai thực hiện, là cơ sở quan trọng giúp Việt Nam triển khai chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, thúc đẩy giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, ít cacbon của thế giới.

– Hiện nay, hạn hán đang xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này trong thời gian tới? Trên thế giới đã có nhiều nước sử dụng mưa nhân tạo chống hạn hán hiệu quả, vậy Việt Nam có kế hoạch sử dụng mưa nhân tạo không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tuệ: Sau lũ lụt, hạn hán được xếp vào loại thiên tai thường xuyên xảy ra ở Việt Nam. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các đợt hạn nặng đã xuất hiện nhiều nơi trên lãnh thổ; hạn hán sẽ tiếp tục tăng lên trong thế kỷ 21, với tốc độ cao ở các khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ như Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận…

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán có khả năng xuất hiện với tần suất và mức độ khắc nghiệt hơn, số ngày khô hạn có khả năng kéo dài hơn.

Công tác phòng, chống hạn hán trong thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, chưa thực sự hiệu quả, có nơi gần như bị động hoàn toàn. Các hoạt động phòng chống có lúc có nơi mới chỉ tập trung vào cứu trợ khẩn cấp, khắc phục thiệt hại khi hạn hán đã xảy ra.

Để ứng phó hiệu quả hơn với hạn hán trong dài hạn, những giải pháp đồng bộ, mang tính chiến lược là hết sức quan trọng.

Cần tiếp tục thúc đẩy hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo cơ sở pháp lý triển khai các hoạt động phòng ngừa rủi ro, tác động của hạn hán, tăng cường sự tham gia của các bên và thúc đẩy sự phối hợp liên bộ, liên ngành trong ứng phó với hạn hán; nghiên cứu áp dụng các giải pháp sử dụng hợp lý tài nguyên nước; tăng cường thông tin khoa học, xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo sớm cung cấp thông tin đầu vào trong quá trình hoạch định chính sách.

Một số quốc gia trên thế giới đã và đang áp dụng mưa nhân tạo để chống hạn hán. Tuy nhiên, đây là vấn đề không đơn giản. Có hai điều kiện cơ bản gồm các phương tiện, công nghệ phù hợp và quan trắc, nghiên cứu xác định điều kiện khí tượng thích hợp để tạo ra mưa nhân tạo.

Việt Nam hiện tại về cơ bản là chưa có cả hai điều kiện này. Nếu muốn gây mưa nhân tạo chắc chắn phải có sự hỗ trợ từ bên ngoài và chi phí khá tốn kém, chưa kể còn có thể có rủi ro và những vấn đề liên quan đến bảo vệ an ninh, quốc phòng.

Dự thảo Luật khí tượng thủy văn đang trình Quốc hội xem xét, thông qua cũng có một chương riêng quy định về tác động vào thời tiết, trong đó có gây mưa nhân tạo. Đây là cơ sở pháp lý để nghiên cứu và thực hiện tác động vào thời tiết trong thời gian tới ở Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông!