Khu CNC Hòa Lạc: Đô thị sinh thái và thông minh

ThienNhien.Net – Nhân sự kiện khởi công dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc ngày 26/6 vừa qua, ông Phạm Đại Dương, Trưởng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc, đã trả lời phỏng vấn tạp chí Tia Sáng chung quanh chiến lược nhằm phát triển khu CNC này thành một thành phố khoa học và công nghệ có khả năng thu hút các phòng thí nghiệm, các trung tâm nghiên cứu với mức đầu tư lớn và sử dụng đất tiết kiệm.

Ông Phạm Đại Dương (Nguồn: Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc).
Ông Phạm Đại Dương (Nguồn: Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc).

Phát triển cơ sở hạ tầng: Giảm phụ thuộc vào đầu tư từ ngân sách

Xin ông cho biết dự án đầu tư cho cơ sở hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc được căn cứ trên những mục tiêu và tính toán chiến lược cụ thể ra sao?

Khu CNC Hòa Lạc được xây dựng với mục tiêu phát triển thành một thành phố khoa học và công nghệ, một đô thị sinh thái và thông minh. Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nơi đây sẽ bao gồm một chuỗi các hoạt động: từ đào tạo, ươm tạo đến nghiên cứu, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu và cuối cùng là sản xuất, cùng đầy đủ các dịch vụ hỗ trợ. Với Dự án phát triển cơ sở hạ tầng này, Khu CNC Hòa Lạc sẽ có một đồ án quy hoạch và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và hiện đại.

Tại buổi làm việc mới đây về việc hợp tác giữa Khu CNC Hòa Lạc với các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN, chúng tôi được nghe câu chuyện, sau khi chấm điểm cho Khu CNC Hòa Lạc 48, và Khu công nghiệp Yên Phong Bắc Ninh 50, Samsung đã lựa chọn Khu công nghiệp Yên Phong Bắc Ninh. Vậy đâu là các mặt hạn chế đáng kể nhất khiến Khu CNC Hòa Lạc bị các doanh nghiệp như Samsung trừ điểm?

Thời gian qua, khi cơ sở hạ tầng chưa được đồng bộ, Ban Quản lý chủ trương chưa đẩy mạnh hoạt động thu hút, xúc tiến đầu tư, để tránh tình trạng khi các nhà đầu tư đến tìm hiểu nhưng cơ sở hạ tầng lại không đáp ứng được yêu cầu. Điều này dễ gây ra “tác dụng ngược” cho hoạt động thu hút đầu tư của Khu CNC Hòa Lạc và rất khó để Ban Quản lý có thể thu hút trở lại các nhà đầu tư này khi hạ tầng hoàn thiện vào năm 2018.

Lý do thì có nhiều nhưng theo tôi chủ yếu là do hạ tầng chưa thực sự đồng bộ và chính sách đối với nhà đầu tư chưa ở mức ưu đãi cao nhất. Đặc biệt, chất lượng và sự đồng bộ của cơ sở hạ tầng là một trong những yếu tố quan trọng cho việc quyết định đầu tư của doanh nghiệp. Trong thời gian qua, khi cơ sở hạ tầng chưa được đồng bộ, Ban Quản lý chủ trương chưa đẩy mạnh hoạt động thu hút, xúc tiến đầu tư, để tránh tình trạng khi các nhà đầu tư đến tìm hiểu nhưng cơ sở hạ tầng lại không đáp ứng được yêu cầu. Điều này dễ gây ra “tác dụng ngược” cho hoạt động thu hút đầu tư của Khu CNC Hòa Lạc và rất khó để Ban Quản lý có thể thu hút trở lại các nhà đầu tư này, khi hạ tầng hoàn thiện vào năm 2018.

Tuy nhiên, hiện nay các vấn đề nêu trên đã cơ bản được giải quyết. Ngày 26/6/2015, Ban Quản lý đã khởi công xây dựng dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản để hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện tại và sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018. Các chính sách ưu đãi đầu tư đặc thù tại Khu CNC Hòa Lạc cũng đang được xây dựng, hoàn thiện và dự kiến trình Chính phủ ban hành vào cuối năm 2015.

Yêu cầu đặt ra của Khu CNC Hòa Lạc đối với các doanh nghiệp đến đầu tư khác với các khu công nghiệp thông thường ra sao?

Mục tiêu xây dựng Khu CNC Hòa Lạc không giống với các khu công nghiệp khác, đó là không chỉ tập trung vào thu hút sản xuất công nghiệp công nghệ cao, mà quan trọng hơn là giúp tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước. Chúng tôi tập trung thu hút các phòng thí nghiệm, các trung tâm nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ cao với mức đầu tư lớn và sử dụng đất tiết kiệm. Hiện nay, nhiều đơn vị nghiên cứu đã và đang đầu tư xây dựng tại đây như Trung tâm Vũ trụ Quốc gia, Trung tâm Nghiên cứu của Công ty Nissan Techno, Trung tâm Điều khiển vệ tinh nhỏ, Trung tâm Công nghệ cao về thông tin và truyền thông, Viện Nghiên cứu phát triển của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc (V-KIST),…

Do đó, đối với tập đoàn Samsung hay các tập đoàn quốc tế lớn khác đã và sẽ đầu tư vào Việt Nam, chúng tôi sẽ xây dựng chiến lược để thu hút các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm của các tập đoàn này đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc.

Ông có thể làm rõ hơn tính chất các khoản vay để thực hiện dự án đầu tư cho cơ sở hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc?

Dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc là dự án vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật Bản với lãi suất ưu đãi hơn mức lãi suất vay thương mại thông thường, thời gian ân hạn là 10 năm và thời gian trả nợ là từ 20 đến 30 năm. Trong quy mô của dự án, ngoài những hạng mục được ngân sách nhà nước cấp phát toàn bộ thì cũng có các hạng mục sẽ bàn giao nghĩa vụ trả nợ và trách nhiệm quản lý vận hành cho các đơn vị chuyên ngành – đó là các hạng mục điện, cấp nước và viễn thông.

Làm sao để những nghĩa vụ nợ này được thanh toán đầy đủ, đúng hạn?

Về khả năng trả nợ, đối với những hạng mục được ngân sách nhà nước cấp phát toàn bộ, Bộ Tài chính sẽ trực tiếp quản lý và thực hiện việc trả nợ và cân đối vào tổng đầu tư cho Khu CNC Hòa Lạc. Mặc dù vậy, để giảm tính phụ thuộc vào đầu tư từ ngân sách, Ban Quản lý cũng đang xây dựng cơ chế tài chính đặc thù để tạo nguồn thu ngân sách, từ đó phân bổ lại cho việc đầu tư phát triển và quản lý các hoạt động của Khu CNC Hòa Lạc.

Đối với những hạng mục sẽ được bàn giao để cho vay lại, các đơn vị chuyên ngành sẽ chịu trách nhiệm trả nợ và xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh. Việc trả nợ sẽ được Bộ Tài chính ủy quyền cho một đơn vị giám sát và quản lý để đảm bảo các khoản vay được thanh toán đúng hạn.

Không đặt mục tiêu lấp đầy mặt bằng bằng mọi giá

Ông kỳ vọng mức tăng trưởng đầu tư và giá trị xuất khẩu mà Khu CNC Hòa Lạc sẽ đạt được như thế nào sau khi các hạng mục hạ tầng cơ sở được hoàn thành vào năm 2018?

Mục tiêu xây dựng Khu CNC Hòa Lạc không giống với các khu công nghiệp khác, đó là không chỉ tập trung vào thu hút sản xuất công nghiệp công nghệ cao, mà quan trọng hơn là giúp tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước. Chúng tôi tập trung thu hút các phòng thí nghiệm, các trung tâm nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ cao với mức đầu tư lớn và sử dụng đất tiết kiệm.

Tính đến nay, với cơ sở hạ tầng hiện có đầu tư từ ngân sách nhà nước, Ban Quản lý đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 67 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 56.800 tỷ đồng trên diện tích đất 336 ha. Hiện có 33 dự án đang hoạt động, 10 dự án đang trong quá trình xây dựng, 22 dự án đang hoàn thiện thủ tục để triển khai… Trong năm 2014, tổng giá trị xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp tại Khu CNC Hòa Lạc đạt khoảng 228 triệu đô la. Tôi tin tưởng rằng, với đà phát triển như hiện nay, khi cơ sở hạ tầng hoàn thiện và đồng bộ vào cuối năm 2018, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư quyết định đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc và mang lại giá trị xuất khẩu cao hơn rất nhiều cho Khu CNC Hòa Lạc.

Cơ sở hạ tầng hoàn thiện sẽ tạo cho Khu CNC Hòa Lạc sức hấp dẫn, cạnh tranh, nhưng Ban Quản lý nhìn nhận như thế nào về những mặt thách thức, khó khăn khác mà Khu CNC phải tìm cách giải quyết, khắc phục trong thời gian tới?

Khi cơ sở hạ tầng đã hoàn thiện và đồng bộ, chính sách ưu đãi đầu tư đã hấp dẫn thì chúng tôi sẽ phải đối mặt với những thách thức to lớn và phần nhiều liên quan đến trách nhiệm của Ban Quản lý. Theo tôi, thách thức lớn nhất mà chúng tôi phải tập trung giải quyết trong thời gian tới là nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động tại Ban Quản lý và làm sao tạo dựng được thương hiệu của Khu CNC Hòa Lạc không chỉ ở trong nước mà còn cả trên thế giới.

Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho Khu CNC Hòa Lạc là rất lớn và mục tiêu xây dựng Khu CNC Hòa Lạc là phát triển về tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước. Do đó Ban Quản lý không đặt mục tiêu lấp đầy mặt bằng bằng mọi giá mà phải sử dụng đất có hiệu quả cũng như lựa chọn được nhà đầu tư thực sự có năng lực về công nghệ, tài chính,… đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc.

Giải pháp của chúng tôi là xây dựng các chiến lược phát triển Khu CNC Hòa Lạc theo từng giai đoạn. Giai đoạn trước năm 2015, chúng tôi tập trung chủ yếu vào công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng và hiện nay, chiến lược của chúng tôi là phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ. Song song với đó, Ban Quản lý cũng xây dựng các chương trình hành động cụ thể cho từng năm. Năm 2015, chúng tôi tập trung vào việc chuyên nghiệp hóa đội ngũ, cải thiện môi trường đầu tư và hoàn thiện cơ sở pháp lý. Từ năm 2016 trở đi, chúng tôi sẽ tập trung thu hút đầu tư, kết nối cung cầu về công nghệ cao cũng như phát triển các hoạt động ươm tạo, đào tạo.

Một vấn đề cơ bản để hình thành khu công nghệ cao là thu hút nguồn nhân lực trình độ chuyên môn cao phục vụ cho các doanh nghiệp, tổ chức KH&CN, và bản thân Ban quản lý. Khu CNC Hòa Lạc hiện đang thiếu những điều kiện gì để thu hút nguồn nhân lực này, và đâu là giải pháp mà Ban Quản lý sẽ triển khai để khắc phục vấn đề này?

Nguồn nhân lực trình độ chuyên môn cao là rất quan trọng đối với sự phát triển của Khu CNC Hòa Lạc. Trong Khu CNC Hòa Lạc, nhiều cơ sở đào tạo đã và đang trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển như Đại học FPT, Đại học KH&CN Hà Nội, Đại học Việt – Nhật,…. Tuy nhiên đó mới chỉ là các cơ sở vật chất cho phát triển nguồn nhân lực. Điều quan trọng hơn là cần có các chính sách để thu hút các nguồn nhân lực đến sử dụng cơ sở vật chất trên và sau đó xác định gắn bó với các doanh nghiệp, tổ chức KH&CN tại Khu CNC Hòa Lạc và bản thân Ban Quản lý. Hiện nay, chúng tôi đang đề xuất một số chính sách thu hút các nguồn nhân lực đó trong dự thảo Quyết định về cơ chế đặc thù cho Khu CNC Hòa Lạc để trình Chính phủ.

Trân trọng cảm ơn ông.

 

Dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc được thực hiện bằng vốn ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước, trong đó vốn vay cho giai đoạn xây dựng dự án trị giá trên 15,2 tỷ yên và vốn vay lần hai dự kiến khoảng 15 tỷ yên sẽ được ký kết trong năm tài chính 2016.

Quy mô dự án gồm năm gói thầu chính: Phát triển hạ tầng chính (gồm các hạng mục hệ thống đường, cầu cống, viễn thông, cấp nước, thoát nước, nước thải, cấp điện); Cải tạo hồ Tân Xã và bảo vệ suối Dứa Gai; Nhà máy xử lý nước thải; Trạm điện; và gói thầu Tư vấn giám sát. Tất cả các gói thầu sẽ được triển khai thực hiện trong năm 2015 và dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2018.

Liên danh nhà thầu gồm công ty Taisei (Nhật Bản), Tổng công ty Vinaconex và Tổng công ty xây dựng Trường Sơn đã được ký kết hợp đồng thực hiện gói thầu Phát triển hạ tầng chính.