Phát huy vai trò của tôn giáo trong ứng phó biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – “Phát huy vai trò của các tôn giáo ở Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu” là nội dung hội nghị trao đổi, thảo luận với lãnh đạo các tôn giáo ở Việt Nam, nhằm tăng cường năng lực ứng phó của con người trước tình trạng biến đổi khí hậu và hợp tác hiệu quả với cộng đồng quốc tế để bảo vệ khí hậu toàn cầu.

(Ảnh minh họa: Mạnh Linh/TTXVN)
(Ảnh minh họa: Mạnh Linh/TTXVN)

Hội nghị do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NAV/NCA Việt Nam) tổ chức ngày 25/5.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe tổng quan về tình hình biến đổi khí hậu; giới thiệu tổng quan về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu; các chiến lược hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu của quốc tế/ NCA tại Việt Nam; những tư liệu bằng băng hình video về “Tác động của biến đổi khí hậu trên thế giới và tại Việt Nam”; giới thiệu “các mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu”; phát triển mạng lưới hợp tác giữa các tôn giáo và các cơ quan liên quan của nhà nước, mặt trận và các đoàn thể trong ứng phó với biến đổi khí hậu; tìm hiểu các danh lam, thắng cảnh và đời sống tôn giáo của con người xứ Huế.

Ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra ngày càng gay gắt và nghiêm trọng, biểu hiện rõ nhất là sự nóng lên của trái đất, là băng tan, nước biển dâng cao, là các hiện tượng thời tiết bất thường và cực đoan như mưa đá trái quy luật, bão lũ, sóng thần, động đất, hạn hán và giá rét kéo dài…, gây khó khăn cho sản suất và đời sống, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm và xuất hiện hàng loạt dịch bệnh trên người, gia súc, gia cầm.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất từ biến đổi khí hậu trong vòng 50 năm qua. Thống kê cho thấy, những năm gần đây, các loại thiên tai bão, lũ, lụt, lũ quét, sạt lở đất, úng, hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác đã làm chết và mất tích hơn 9.000 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước chiếm khoảng 1,5% GDP/năm.

Dự báo đến năm 2015, Việt Nam sẽ có khoảng 135.000 hộ dân phải tái định cư vì lý do môi trường. Đến năm 2050, tại Đồng bằng sông Cửu Long có thể có tới 1 triệu người phải di dời do những yếu tố lũ lụt và hạn hán lặp đi lặp lại nhiều lần.

Trước tình hình trên, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã sớm đưa ra những chủ trương, chính sách, huy động nhiều nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể, Việt Nam đã sớm tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc ký ngày 11/12/1997 tại Kyoto (Nhật Bản) về việc cắt giảm khí thải nhà kính; Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó đối với biến đổi khí hậu; ban hành Nghị quyết 08/NQ-CP, về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24 về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” của Ban Chấp hành Trung ương; thành lập Ủy ban Quốc gia về ứng phó vối biến đổi khí hậu do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch và Hội đồng tư vấn cho Chính phủ và Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu…

Mục tiêu đến năm 2020, về cơ bản, Việt Nam chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh.

Đến năm 2050, Việt Nam chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững tài nguyên; bảo đảm chất lượng môi trường sống và cân bằng sinh thái, phấn đấu đạt các chỉ tiêu về môi trường tương đương với mức hiện nay của các nước công nghiệp phát triển trong khu vực.