Quảng Nam, Đà Nẵng”nóng” tình trạng khai thác đất, cát (Kỳ 1)

Bài 1: Điểm “nóng” trên sông Thu Bồn – Vu Gia

ThienNhien.Net – Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng, tình trạng buông lỏng quản lý, chưa quyết liệt vào cuộc của ngành chức năng liên quan đã để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn ngang nhiên diễn ra. Tại Quảng Nam, gần đây, khi hàng loạt các công trình trọng điểm thi công qua địa bàn đi vào giai đoạn nước rút, tình trạng khai thác cát trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn diễn ra phổ biến, phức tạp và khó kiểm soát, gây ra nhiều hệ lụy cần nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ. Còn tại Đà Nẵng, chuyện khai thác tài nguyên “nóng” đến nỗi đích thân Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố phải đến hiện trường theo dõi, chỉ đạo các ngành chức năng xử lý. P.V Báo Công an TP Đà Nẵng có chuyến thâm nhập thực tế và chuyển đến bạn đọc loạt bài dài kỳ về thực trạng này.

“Sa tặc” lộng hành

Tại Quảng Nam, mặc dù Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực quản lý hoạt động khoáng sản, song tại một số địa phương, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn ngang nhiên diễn ra… Việc khai thác cát trái phép diễn ra 3 năm nay ở đoạn gần hạ lưu sông Thu Bồn, từ TT Nam Phước xuôi về xã Duy Phước, với các điểm cầu Câu Lâu (thôn Đình An, TT Nam Phước), đoạn thôn Câu Lâu Đông (xã Duy Phước) là một ví dụ điển hình… Theo quan sát của chúng tôi, hiện tại khu vực này có nhiều điểm tập kết cát, sỏi, thuyền bè ngang nhiên đậu dọc bờ sông, chờ thời cơ để hút cát khiến một số đoạn bờ sông sụt lún, xói lở, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Mỗi ngày, hàng trăm mét khối cát (cả có phép lẫn trái phép) được vận chuyển đi khắp các công trình đang thi công tại Quảng Nam. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Mỗi ngày, hàng trăm mét khối cát (cả có phép lẫn trái phép) được vận chuyển đi khắp các công trình đang thi công tại Quảng Nam. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Ông Nguyễn Thế Hởi – Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) H. Duy Xuyên khẳng định, tình trạng khai thác cát trái phép trên hệ thống sông Thu Bồn – Vu Gia có xảy ra. Mặc dù các cơ quan chức năng của huyện và các xã ven sông đã tiến hành tổ chức nhiều đợt truy quét, đẩy đuổi, tuy nhiên, do lực lượng mỏng, thời gian truy quét, chốt chặn không thường xuyên; cộng với việc các đối tượng khai thác cát trái phép khá manh động, dùng phương tiện có công suất lớn hút cát trong khoảng thời gian từ 2 – 4 giờ sáng, khi bị truy đuổi cũng dễ dàng “cắt đuôi”. “Đó là chưa kể các đối tượng còn cắt cử người theo dõi động tĩnh từ phía cơ quan chức năng, khi nào lực lượng tổ chức ra quân thì đội quân cảnh giới sẽ lập tức báo cho cát tặc rút khỏi hiện trường” – ông Hởi nói.

Ông Hởi cho biết thêm, hiện nay tại Duy Xuyên có một số “điểm nóng” về khai thác cát trái phép như khu vực bờ kè xã Duy Phước, khu vực thôn Đình An (TT Nam Phước đến thôn Câu Lâu Đông, xã Duy Phước với chiều dài khoảng 2km). Các đối tượng khai thác cát trái phép không chỉ là người địa phương mà đến từ các nơi khác như Điện Bàn, TP Hội An… Đặc biệt, tại xã Duy Thu (H. Duy Xuyên), do người dân sống chủ yếu bằng nghề sông nước, họ sắm thuyền ngoài mục đích mưu sinh hằng ngày thì còn dùng để cho các doanh nghiệp thuê hút cát lậu(?). “Sở dĩ “cát tặc” các nơi tập trung về đây hút trộm như vậy là do khu vực này cát sạch, không nhiễm mặn, tốt cho việc xây dựng các công trình nên nhu cầu rất lớn. Hơn nữa, do hút trộm, không phải đóng một đồng tiền thuế nào cho Nhà nước, vì đây là khoản siêu lợi nhuận nên nhiều trường hợp liều lĩnh, manh động, khiến tình hình ANTT khá phức tạp” – ông Hởi cho biết thêm.

Cuối năm 2014, khi lực lượng chức năng tiến hành truy quét và bắt được 7 ghe của một doanh nghiệp tại Hội An, có một số ghe phản ứng bằng cách chạy về TP Hội An ẩn náu. Phối hợp với lực lượng chức năng, đoàn liên ngành đưa 2 ghe về neo tại xã Duy Phước để lập hồ sơ xử lý, thế nhưng vào buổi tối, chúng tổ chức khoảng 50 đối tượng đến khu vực tạm giữ cướp lại ghe vi phạm. Tuy nhiên, được sự phối hợp của các lực lượng tại Hội An, tổ truy quét sau đó đã đưa được 2 ghe trên về và tổ chức bán đấu giá, xử phạt nặng các trường hợp còn lại.

Một điểm tập kết cát trên sông Thu Bồn đoạn qua cầu Câu Lâu mà không ai dám chắc trong số cát tập kết ở đây không có cát khai thác trái phép. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Một điểm tập kết cát trên sông Thu Bồn đoạn qua cầu Câu Lâu mà không ai dám chắc trong số cát tập kết ở đây không có cát khai thác trái phép.
(Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Gian nan công tác quản lý

Ông Trần Thanh Hà – Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam cho rằng, rất khó để dẹp triệt để nạn khai thác cát, sỏi trái phép trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn nếu không có sự vào cuộc rốt ráo của ngành chức năng và sự phối hợp, đồng thuận từ người dân, chính quyền địa phương. Một mặt là do đối tượng lợi dụng địa bàn giáp ranh để hoạt động, mặt khác là các đối tượng lợi dụng sự lỏng lẻo, lỗ hổng trong quản lý phương tiện giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt là phương tiện ghe, thuyền của người dân. Ông Hà dẫn chứng, trong nhiều đợt kiểm tra cho thấy, hầu hết phương tiện khai thác cát, sỏi trên sông đều không có đăng kiểm, đăng ký kinh doanh.

Nguyên nhân này được phía Sở GTVT tỉnh Quảng Nam thừa nhận là do thiết kế của các phương tiện khai thác cát không nằm trong tiêu chuẩn quy định nào nên không thể đăng kiểm được. Trong khi đó, muốn tịch thu phương tiện thì cần phải có lực lượng liên ngành, nhiều vụ thanh tra giao thông không có công cụ hỗ trợ nên không thể xử lý tịch thu phương tiện được.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến thực trạng khó quản lý, bất cập đó là trong quá trình truy bắt các đối tượng khai thác cát trái phép, do ghe của lực lượng là ghe nhỏ, khi truy đuổi thì chạy theo không kịp. Vì vậy, các đối tượng có tư tưởng xem thường, càng khai thác mạnh hơn…

Để giải quyết tình trạng này, mới đây, sau đề xuất của UBND H. Duy Xuyên, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có chủ trương quy hoạch mở mỏ cát, tập trung tại một địa điểm để dễ quản lý, tuy nhiên khi đưa ra lấy ý kiến thì người dân không đồng thuận. Vì vậy, việc mở mỏ tạm thời gác lại. “Có thể vì thế mà cát tặc vẫn lộng hành, chẳng những gây mất ANTT, hụt khoản thuế của Nhà nước mà còn tốn nhiều tiền của để truy quét…” – ông Nguyễn Thế Hởi chia sẻ.

Hiện nay công trường xây dựng nhiều, nhu cầu về vật liệu lớn, tuy nhiên việc mở mỏ chưa thực hiện được, các phương tiện lưu thông trên hệ thống đường thủy qua địa bàn chưa kiểm soát được, toàn bộ hệ thống ghe khai thác cát chưa có giấy phép hành nghề; trong quá trình truy quét, phương tiện phục vụ, nhất là ban đêm trên môi trường sông nước còn nhiều hạn chế nên rất khó để kiểm soát, ngăn chặn. Vì vậy, giải pháp tận gốc là chuyển đổi nghề cho người dân. Hiện nay toàn bộ sông Thu Bồn bên bờ bắc được bồi lấp, nêu hút cát không có sự kiểm soát thì hậu quả sẽ làm sạt lở bờ sông. “Phải tiếp tục tuyên truyền nhân dân, làm việc với các xã có ghe, thuyền họp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và có giải pháp chuyển đổi ngành nghề; sớm tiến hành mở mỏ tập trung để dễ quản lý, giám sát” – ông Nguyễn Thế Hởi nêu giải pháp.

Được biết, trước mắt để ngăn chặn, hạ nhiệt tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Thu Bồn, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo H. Duy Xuyên lập tổ liên ngành chốt chặn 24/24 giờ tại “điểm nóng” xã Duy Phước.