Dân vàng mắt ven đôi bờ sông Bứa

ThienNhien.Net – Những ngày tháng yên bình của người dân đôi bờ sông Bứa (Tam Nông, Phú Thọ) đã đi vào dĩ vãng kể từ khi xuất hiện hai công ty khai thác cát sỏi là Trung Thành và Sông Vàng.

Những bờ bãi trù mật dần biến mất. (Ảnh: nongnghiep.vn)
Những bờ bãi trù mật dần biến mất. (Ảnh: nongnghiep.vn)

Đất đai trù mật trôi tuột xuống lòng sông, ô nhiễm môi trường hiển hiện, các giếng khơi trở nên cạn khô và trật tự an ninh hết sức lộn xộn…

Giếng nước cạn khô, trâu bò khát cháy

Chỉ cho tôi chiếc giếng sâu hoăm hoắm cả chục mét đang bị cạn khô, vợ chồng ông Bùi Kim Long ở khu 5, xã Tề Lễ (Tam Nông, Phú Thọ) than thở: Chỉ sau 2 ngày Cty TNHH Sông Vàng khai thác cát trở lại chiếc giếng đã hết nước khiến cho chúng tôi ngày nào cũng phải đi xin. Trong xóm nhiều nhà cũng bị như thế nên nước thành của hiếm.

Giữa mùa hè nóng nực 37-38 độ C mà mỗi ngày chỉ có 2-3 gánh nước để dùng cho tất cả nhu cầu ăn uống, tắm giặt, chăn nuôi. Nước rửa rau phải hứng để dành cho lợn uống.

Nước rửa tay, rửa mặt xong không được đổ đi mà để lắng cặn lại cho trong rồi dùng tiếp, cuối ngày mới bỏ.

Đến cả con trâu, con bò cũng bị thiếu nước uống vì tiếng là gần sông nhưng bờ bãi lở hết, dốc đứng và lầy thụt không thể lùa xuống được.

Ông Long bên chiếc giếng cạn tới đáy. (Ảnh: nongnghiep.vn)
Ông Long bên chiếc giếng cạn tới đáy. (Ảnh: nongnghiep.vn)

Ông Bùi Ngọc Sơn – Phó khu 5 bảo mình đã sống ở đây mấy chục năm rồi nhưng tình trạng giếng cạn nước chỉ diễn ra vài năm gần đây khi xảy ra nạn hút cát trên sông Bứa mà gay gắt nhất là hơn một tháng nay.

Nhiều cái giếng khơi trong khu vực đã bị rút sạch nước như giếng nhà ông Nguyễn Văn Thắng, Bùi Kim Long, Nguyễn Văn Đà, Nguyễn Văn Thúy… Cuộc sống đảo lộn, dân tình nháo nhác.

Tôi lại về gặp ông Nguyễn Văn Nhận – bố của nạn nhân Nguyễn Công Thức – người từng bị gài bẫy nhận tiền của doanh nghiệp hút cát bồi thường cho chính mảnh đất khai hoang nhà mình sạt lở xuống sông để rồi bị bắt giam trên công an huyện.

Nếu không có sức ép từ công luận phẫn nộ, từ ngàn người dân Tề Lễ một lòng một dạ phản đối có lẽ anh còn phải ngồi trong nhà đá dài dài. Thức đang đi làm thuê, vắng nhà biền biệt chỉ còn có ông bố ở nhà.

Ông Nhận bảo chẳng muốn nhắc tới chuyện của thằng con mình năm cũ để cho đau lòng thêm.

Tôi lại về gặp ông Nguyễn Quang Bộ – Chủ tịch UBND xã Tề Lễ – “tù nhân” bất đắc dĩ trong cuộc tuần hành phản đối của non một ngàn người năm 2014.

Vụ ấy ông Bộ đã được người dân mời đi bộ cùng trên con đường dài 20 cây số từ xã diễu hành lên huyện để thể hiện tính dân chủ giữa chính quyền và nhân dân, để người dân còn có thể đặt niềm tin vào cán bộ.

Hỏi ý kiến về chuyện hút cát, ông đằng thẳng: Không chấp thuận bởi đã khai thác cát là sẽ gây lở bờ sông, là sẽ gây mất an ninh trật tự, là có thể sẽ còn xảy ra những cuộc diễu hành đông người mới.

Thuyền đang bơm cát lên bãi. (Ảnh: nongnghiep.vn)
Thuyền đang bơm cát lên bãi. (Ảnh: nongnghiep.vn)
Một bãi tập kết cát trên sông. (Ảnh: nongnghiep.vn)
Một bãi tập kết cát trên sông. (Ảnh: nongnghiep.vn)

Đại hội tới đây, chắc chắn chúng tôi sẽ bị mất uy tín, mất điểm trước dân nếu cứ để chuyện này tiếp diễn thậm chí một số người đã bảo thẳng với tôi rằng: Hay là mấy ông chính quyền ăn đầy mồm rồi nên mới bao che cho nạn hút cát?

Vừa qua, Tề Lễ tiến hành thăm dò ý kiến người dân về chuyện hút cát theo chỉ đạo của ngành TN-MT thì cả 9 khu dân cư đều không đồng ý bởi gây mất trật tự, gây lở đất, gây tắc dòng, bởi cát từ trong làng chảy ngầm ra sông khiến tụt cả nước ngầm, tụt cả thành giếng.

Ngược lên xã Quang Húc – thủ phủ của nghề nuôi cá lồng đặc sản trên sông như lăng, điêu hồng, tôi gặp anh Vũ Văn Hợp chủ của 35 lồng với số vốn đầu tư trên 1 tỉ.

Anh Hợp khẳng định nạn hút cát trên sông sẽ gây ô nhiễm nước và tràn dầu thải. Trước đây khi Cty TNHH Trung Thành còn hút cát ở khu vực này những người nuôi cá như anh đã phải dùng nylon để quây ngăn dầu thải, phải mỏi miệng kiến nghị mãi họ mới chịu di đi xa một chút.

“Tôi chỉ mong sao không còn nạn hút cát nữa. Năm ngoái lũ ống xảy ra khiến cá chết hàng loạt đã vét cạn sạch vốn, năm nay tái đầu tư toàn là nhờ vay mượn mà ô nhiễm môi trường nữa thì chỉ có con đường phá sản mà thôi”.

Đình chỉ rồi mà vẫn cứ làm?

Tròn một năm trước, khi Cty TNHH Sông Vàng vi phạm những quy định về khai thác khoáng sản trên sông Bứa, đưa tiền đền bù cho người dân có đất bị sạt lở rồi báo công an bắt đã gây cuộc tuần hành phản đối rầm rộ lên huyện.

Sau đó đích thân Chủ tịch huyện Tam Nông tổ chức hai cuộc đối thoại với dân để tháo “ngòi nổ” dư luận, hàng loạt các vi phạm của Cty TNHH Sông Vàng đã bị vạch trần như: Khai thác không đúng thiết kế (theo thiết kế dùng bơm hút cát nhưng thực tế dùng cả tàu cuốc để múc), gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến sản xuất, môi trường và đời sống…

Khu nuôi cá lồng ở Quang Húc. (Ảnh: nongnghiep.vn)
Khu nuôi cá lồng ở Quang Húc. (Ảnh: nongnghiep.vn)

Huyện quyết liệt đề nghị tỉnh xem xét thu hồi giấy phép khai thác cát trên sông Bứa của cả Cty TNHH Sông Vàng và Cty TNHH Trung Thành (cùng một lỗi vi phạm).

Chẳng hiểu tại sao, đình chỉ được một thời gian, giờ nạn hút cát lại tiếp diễn với quy mô không kém phần rầm rộ. Ven đôi bờ sông Bứa giờ chỉ là những bãi sông lở loét như một người si đa vào giai đoạn cuối. Lòng sông đục ngầu, dầu nổi váng, thỉnh thoảng lại có đôi ba bãi thải đá cuội to tướng nằm chình ình xé đôi dòng chảy.

Trao đổi với NNVN, ông Bùi Đình Thi – Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho hay: “Quan điểm của huyện là ủng hộ việc khai thác cát sỏi nếu doanh nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật và văn bản của UBND tỉnh, không gây sạt lở bờ sông và đất canh tác của dân, không gây ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến gần 180 lồng cá đang nuôi theo Dự án cá lồng trên sông Bứa đã được tỉnh phê duyệt đồng thời phải đảm bảo an ninh trật tự…”.

Cũng theo ông Thi, thẩm quyền cấp phép khai thác cát sỏi thuộc về UBND tỉnh, UBND huyện chỉ kiểm tra việc thực hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm và kiến nghị với tỉnh thu hồi giấy phép nếu doanh nghiệp vi phạm.

Đối với Cty TNHH Sông Vàng, UBND tỉnh đã có văn bản số 1727 ngày 6/5/2014 và văn bản số 2562 ngày 23/6/2014 trong đó ghi rõ phải tạm dừng hoạt động.

Mới đây nhất, tại buổi kiểm tra đột xuất Cty này vào ngày 3/4/2015, Sở TN-MT Phú Thọ cũng đã lập biên bản vi phạm và yêu cầu đơn vị phải tạm dừng theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh, đề nghị thu hồi giấy phép khai thác cát sỏi trên địa bàn xã Tề Lễ.

Đối với Cty Trung Thành huyện cũng kiến nghị phải thu hồi giấy phép khoáng sản trên địa bàn xã Quang Húc vì chồng lấn với dự án nuôi trồng thủy sản đã được phê duyệt trước đó.

Bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân là thế nhưng UBND huyện Tam Nông đã bị phía doanh nghiệp kiến nghị rằng yêu cầu dừng hoạt động khai thác cát sỏi của huyện là không có cơ sở vì UBND tỉnh và Sở TN-MT đã cho phép hoạt động trở lại.

Sự thật thì sao? Trước hết hai văn bản của UBND tỉnh về việc tạm dừng khai thác cát sỏi năm 2014 vẫn có hiệu lực và hiện chưa có văn bản nào cho phép khai thác trở lại, ông Chủ tịch huyện Tam Nông khẳng định. Thứ đến thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản là của UBND tỉnh nên chỉ có UBND tỉnh mới có quyền đồng ý hay không đồng ý cho doanh nghiệp khai thác tiếp.