Hàng chục nghệ sĩ Việt Nam chung tay ký tên bảo vệ tê giác

ThienNhien.Net – Nằm trong khuôn khổ chiến dịch “Chấm dứt sử dụng sừng tê”, trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) kết hợp với tổ chức Cứu trợ Hoang dã (WildAid) đã công bố chiến dịch “Ký Tên Cứu Tê Giác”. Để hưởng ứng chiến dịch, lần đầu tiên, hàng chục nghệ sĩ, người nổi tiếng đến từ các lĩnh vực khác nhau của Việt Nam đã chụp hình với thông điệp “Cứu Tê Giác” và chia sẻ nó trên các mạng xã hội.

09042015_nghesikitenbaovetegiac3

Đây là một trong những hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người Việt Nam về tác dụng thực sự của sừng tê giác và kêu gọi cộng đồng cùng hành động bảo vệ các loài tê giác trên thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Ca sĩ Hoàng Bách cùng cậu con trai biệt danh là Tê Giác – cặp bố con đã gây rất nhiều cảm tình của khán giả trong chương trình truyền hình thực tế “Bố ơi, mình đi đâu thế?” đã chia sẻ trên trang cá nhân của mình về chương trình này: “Có 1 điều tuyệt vời mà tôi nghĩ, rất tốt cho con và cả tôi là cũng thông qua những hoạt động rộng rãi cùng con, tôi đã khám phá và hiểu thêm nhiều điều ở con và chính mình. Được cùng bố tham gia các hoạt động thiện nguyện hoặc vì cộng đồng là 1 phần thưởng đối với Tê Giác.”

Bố con "Tê Giác" cũng tích cực hưởng ứng phong trào. (Ảnh: Báo Lao động)
Bố con “Tê Giác” cũng tích cực hưởng ứng phong trào. (Ảnh: BTC cung cấp)

Cùng đồng hành với hai bố con ca sĩ Hoàng Bách ủng hộ chiến dịch còn có: Cô gái hát dân ca Phương Mỹ Chi, Nghệ sĩ múa Linh Nga, Diễn viên Hồng Ánh, Huỳnh Lập, Diễm My 9x; Ca sĩ Tóc Tiên, Hoàng Thùy Linh, Hà Okio, Lê Cát Trọng Lý, Nathan Lee, Trọng Khương, Trà My Idol; Nhà báo Trác Thúy Miêu cùng chồng Nguyễn Hậu; Người mẫu Lê Thúy, Xuân Lan, Hoàng Yến, Kelbin Lê, Thanh Thảo, Thùy Trang; Nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng; Ngọc Trinh, Xuân Tiến, Thủy Top, Mai Tiến Dũng.

Chiến dịch “Chấm dứt sử dụng sừng tê” thuộc chương trình “Không có người mua, không còn kẻ giết” được phối hợp thực hiện bởi Tổ chức WildAid, African Wildlife Foundation (Quỹ Hoang dã Phi Châu) và Trung tâm CHANGE. Chiến lược của chương trình là tăng cường nhận thức về vấn đề sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã của người dân thông qua truyền thông.

Chị "Bảy" háo hức tham gia ký tên cứu tê giác.  (Ảnh: Báo Lao động)
Chị “Bảy” háo hức tham gia ký tên cứu tê giác. (Ảnh: BTC cung cấp)

Hiện nay, Trung Quốc và Việt Nam được coi là hai thị trường tiêu thụ sừng tê lớn nhất trên thế giới. Theo thống kê, chỉ trong 40 năm qua, số lượng tê giác trên thế giới đã giảm tới 95%, chỉ còn 25.000 cá thể tê giác trong tự nhiên. Nam Phi là quốc gia sở hữu tới hơn 70% quần thể tê giác trên toàn thế giới. Tuy nhiên, chỉ riêng trong năm 2014, có tới 1.215 cá thể tê giác bị giết hại để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại các quốc gia châu Á trong đó có Việt Nam (tăng gần 100 lần so với năm 2007). Nạn thảm sát tê giác tại Nam Phi không có chiều hướng suy giảm mà thậm chí ngày càng khốc liệt hơn, cứ mỗi ngày Nam Phi lại mất đi hơn 3 cá thể tê giác.

Cá thể tê giác cuối cùng của Việt Nam đã bị giết để lấy sừng năm 2010. Các chuyên gia bảo tồn trên thế giới cảnh báo rằng các loài tê giác trên thế giới sẽ có thể bị tuyệt chủng trong 6 năm nữa nếu nạn thảm sát tê giác không được ngăn chặn kịp thời. Vì thế việc buôn bán, tiêu thụ sừng tê giác phi pháp tại Việt Nam cần được chấm dứt vừa để góp phần bảo vệ các loài tê giác, vừa để cải thiện hình ảnh của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.