Lãng phí do công nghệ khai khoáng lạc hậu

ThienNhien.Net – Ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên là vấn đề nhức nhối trong khai thác khoáng sản do công nghệ lạc hậu.

Giàu đào, nghèo bỏ

Mỏ Nà Diếu rộng gần 19 ha trên địa bàn xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) được tỉnh Bắc Kạn cấp phép Công ty TNHH Hoàng Ngân khai thác quặng chì – kẽm kèm vàng. Theo phản ánh của người dân tại đây, bể ngâm ủ hóa chất tách quặng được xây dựng thô sơ, chất thải đổ ra con suối gần đó, chưa kể đến các bể này thường bốc mùi khó chịu, gây ô nhiễm môi trường. Bà Triệu Thị Nga, Giám đốc Công ty Hoàng Ngân cho biết, vì mỏ được cấp khai thác theo tài liệu tìm kiếm đánh giá cũ, chưa có thăm dò nâng cấp trữ lượng chính xác nên từ tháng 7/2011 tới nay, công ty mới khai thác được 2.000 tấn quặng nghèo chì – kẽm dưới 5% kim loại…

Chất thải rắn thải ra từ khai thác chì kẽm ở mỏ Nà Diếu tại xã Thượng Quan bừa bộn cả một vùng rộng. (Ảnh: Báo Tin tức)
Chất thải rắn thải ra từ khai thác chì kẽm ở mỏ Nà Diếu tại xã Thượng Quan bừa bộn cả một vùng rộng. (Ảnh: Báo Tin tức)

Ông Trần Nguyên, Phó Giám đốc Sở TN&MT Bắc Kạn khẳng định hiện khoáng sản (KS) khai thác ở Bắc Kạn chỉ thuộc dạng thô, chế biến sâu chưa có, hoặc có cũng chưa thể tận thu hết được các loại KS đi kèm. Trong chì, kẽm nghèo có indi, candimi là những khoáng chất đi kèm có giá trị kinh tế rất cao, nhưng do chưa có công nghệ tuyển, tách nên để lãng phí.

Tình trạng trên cũng là thực tế tại nhiều địa phương hiện nay. Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Vụ trưởng, Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) nhận định: “Trừ một số loại KS có trữ lượng lớn như dầu khí, than đá, đồng… có công nghệ khai thác, chế biến tương đối hiện đại, còn lại phần lớn các mỏ KS nhỏ, phân tán được khai thác, chế biến bằng công nghệ thấp, hoạt động khai thác còn manh mún nhỏ lẻ”.

TS Nguyễn Đức Quý (Hội Tuyển khoáng Việt Nam) cho biết: Theo thống kê, có đến 80% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và rất nhỏ, dưới 50 lao động. Tại các mỏ, phương pháp khai thác, chế biến chủ yếu là “giàu đào, nghèo bỏ và dễ làm khó bỏ”, phá mỏ và hủy hoại môi trường.

Kết quả nghiên cứu mới đây của Viện Tư vấn phát triển (CODE) cho thấy, tổn thất tài nguyên trong quá trình khai thác còn rất cao như khai thác than hầm lò tổn thất là 40 – 60%, khai thác apatit 26 – 43%, quặng kim loại 15 – 30%… Tổn thất trong chế biến KS cũng rất cao. Chẳng hạn trong khai thác vàng, độ thu hồi quặng vàng trong chế biến chỉ đạt 30 – 40%, phần còn lại thải ra môi trường…

Bắt buộc phải đổi mới công nghệ

Theo các chuyên gia, nếu đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại trong khai thác KS sẽ góp phần hạn chế ô nhiễm, lãng phí và thất thoát tài nguyên như hiện nay. Do vậy, việc đầu tư và đổi mới công nghệ là rất cần thiết.

Chỉ có khoảng 0,01% tổng doanh thu của các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản dành cho đầu tư đổi mới công nghệ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần đầu tư mạnh hơn cho công tác điều tra, thăm dò để làm căn cứ cho việc khai thác một cách có hiệu quả, phải quy hoạch khai thác đối với từng mỏ, điểm mỏ. Coi trọng, đẩy mạnh việc áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn trong sản xuất để vừa nâng cao hiệu quả khai thác vừa cải thiện và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các mỏ, nhà máy hiện có cần cải tạo theo hướng thay thế dần các thiết bị cũ bằng các thiết bị mới, hiện đại hóa công nghệ từ khai thác đến chế biến. Đối với các mỏ mới, nhà máy tuyển mới và các công trình mới xây dựng thì áp dụng ngay từ đầu các thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại. Đồng thời, tiếp tục đầu tư xây dựng mới một số dự án KS cần thiết, chế biến và chế tạo sản phẩm KS có ưu thế về trữ lượng để tăng nguồn hàng xuất khẩu.

“Nếu có thể thì không chia cắt, phân lô thành các điểm mỏ dẫn đến tình trạng manh mún, kém hiệu quả. Doanh nghiệp nào khai thác gây ô nhiễm, thất thu thì có thể bắt buộc đóng cửa hoặc khắc phục ô nhiễm. Cần kiểm soát, giám sát kỹ từ khâu cấp phép đến thanh kiểm tra khai thác như thế nào, hiệu quả ra sao, tăng cường cả khâu hậu kiểm”, ông Nguyễn Ngọc Thành đề xuất.

“Cũng cần phải tránh sự di chuyển công nghệ bẩn và thiết bị lạc hậu của các nước phát triển hay hiện tượng núp bóng các nhà đầu tư trong nước để được cấp quyền khai thác, trốn thuế và vơ vét tài nguyên KS. Vấn đề công nghệ xuất phát từ chính con người, cần nâng cao nhận thức và đổi mới tư duy từ nhà quản lý đến doanh nghiệp về vấn đề này”, TS Nguyễn Đức Quý nhấn mạnh.