Gia Lai: “Nóng” tình trạng đánh cá bằng xung điện trên Biển Hồ

ThienNhien.Net – Biển Hồ (còn gọi là hồ Tơ Nưng) là hồ nước lớn ở tỉnh Gia Lai, với diện tích 230ha, nằm trên địa bàn giữa TP Pleiku và huyện Chư Păh. Biển Hồ được ví như hòn ngọc của cả Tây Nguyên.

Nhưng nay, Biển Hồ đang bị xâm hại nghiêm trọng. Tình trạng rà cá bằng xung điện xảy ra liên tục làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và môi trường.

Rà cá bằng xung điện công khai ở lòng Biển Hồ 2. (Ảnh: Giáo dục & Thời đại)
Rà cá bằng xung điện công khai ở lòng Biển Hồ 2. (Ảnh: Giáo dục & Thời đại)

Nghề nguy hiểm 

Một nửa của Biển Hồ được đưa vào khai thác du lịch từ nhiều nằm nay và là nguồn cấp nước sinh hoạt cho cả TP Pleiku. Phần còn lại là nơi có nguồn lợi thủy sản phong phú, nuôi sống nhiều hộ dân tại địa phương.

Biển Hồ trước đây rất phong phú về nguồn lợi thủy sản, thế nhưng do hoạt động đánh bắt cá bằng xung điện phát triển tràn lan, nguồn lợi thuỷ sản đứng trước nguy cơ bị tận diệt.

Các xã Chư Jôr, Nghĩa Hương huyện Chư Păh, và xã Tân Sơn thuộc TP Pleiku được xem là điểm nóng về tình trạng người dân đánh bắt thủy sản bằng xung điện. Việc sử dụng bộ xung điện để đánh bắt cá đã xuất hiện từ lâu và đang trở thành công cụ mưu sinh của nhiều gia đình xung quanh khu vực Biển Hồ.

Tại khu vực lòng Biển Hồ 2, giữa ban ngày rất dễ bắt gặp các hộ dân dùng thiết bị xung điện để “săn” thủy sản. Việc rà bằng xung điện như quá đỗi bình thường ở đây, nên dù thấy người lạ các hộ dân vẫn không có chút e dè nào cả.

Anh Phiên – người dân tộc Bahnar ở làng Wet, xã Chư Jôr, huyện Chư Păh, một tay rà cá bằng xung điện lão luyện tại Biển Hồ – cho biết: Nhà đông anh em, nhưng không có đất sản xuất nên anh và mấy người em mới làm nghề này.

Đến nay, anh đã có thâm niên 10 năm rà cá bằng xung điện ở Biển Hồ. Mỗi ngày, anh rà được 3 đến 4 kg cá bán cho thương lái lấy tiền để mua gạo, thức ăn cho gia đình và chu cấp cho 2 em nhỏ đang đi học.

Ở xã Chư Jô đa số là hộ nghèo, ít đất canh tác nên phần lớn đều giống trường hợp của anh Phên, dùng những bộ xung điện nhỏ, giá khoảng 1 triệu đồng đi rà cá. Tuy bắt được ít cá, nhưng khi gặp tai nạn, mức độ nguy hiểm đến tình mạng nhỏ hơn.

Với những người có điều kiện kinh tế tốt hơn như những hộ ở thôn 3, xã Tân Sơn, thì đa số mua những bộ xung điện trị giá tới 5 đến 6 triệu đồng. Những bộ đồ nghề này bắt được nhiều cá, nhưng người sử dụng cũng chịu rủi ro lớn, có thể đe doạ đến tính mạng.

Giữa ban ngày dùng thuyền rà cá bằng xung điện công suất lớn. (Ảnh: Giáo dục & Thời đại)
Giữa ban ngày dùng thuyền rà cá bằng xung điện công suất lớn. (Ảnh: Giáo dục & Thời đại)

Khó quản lý

Đa số các thiết bị xung điện này do người dân mua hoặc tự chế, có thiết kế khá đơn giản, bao gồm một bình ắc-quy 12 V với bộ phận kích điện lên tới 220V. Khi đưa dòng điện xuống nước các loài sinh vật trong phạm vi bán kính từ 2 – 3m bị chết nổi.

Với cách đánh bắt này, vùng nước bị tác động trở thành “vùng nước chết”, các sinh vật, kể cả trứng, ấu trùng đều bị hủy diệt, phải mất nhiều năm mới hồi phục.

Thời gian mà người dân dùng xung điện nhiều nhất là vào ban đêm. Với một bộ xung điện, một chiếc thuyền và đèn chiếu sáng, mỗi thuyền sau một đêm đi rà cũng thu được đến cả gần chục kg các loại cá.

Chị Minh, ở thôn 3 xã Tân Sơn cho biết, có rất đông người tại địa phương mưu sinh bằng nghề dùng xung điện đánh cá. Cả gia đình chị sống nhờ vào bộ xung điện của chồng. Không những chỉ có cá và lươn, chồng chị còn rà được nhiều loại khác.

Dọc theo đoạn tỉnh lộ nối thôn 3, xã Tân Sơn với xã Chư Jôr hàng ngày đều có thể chứng kiến nhiều người mang xung điện đi rà cá mà không ai kiểm soát. Không những thế, ngày càng nhiều người dân các xã lân cận cũng đến Biển Hồ để rà cá.

Những người hành nghề bắt cá bằng xung điện đều là người dân địa phương, thuộc diện hộ nghèo nên mới kiếm sống bằng cách này. Đánh cá bằng xung điện là phương tiện mưu sinh duy nhất của nhiều gia đình.

Câu hỏi làm sao để vừa đảm bảo cuộc sống ổn định lâu dài cho người dân, vừa bảo vệ được sinh thái Biển Hồ, đã được đặt ra nhưng chưa có câu trả lời. Chính quyền địa phương biết nhưng chưa thấy có biện pháp hữu hiệu để chấm dứt. Nếu cứ để chuyện này kéo dài sẽ rất nguy hại cho môi trường, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

Việc dùng xung điện để đánh bắt cá đã nằm trong danh mục hành vi khai thác thủy sản bị cấm. Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 2-1-1998, nêu rõ: Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc để khai thác thủy sản ở tất cả các vùng nước.

Theo Điều 15 của Nghị định 103/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/11/2013, thì hành vi sử dụng công cụ xung điện để khai thác thủy sản bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.