Tiết kiệm năng lượng phải thiết thực hơn nữa

ThienNhien.Net – Mới đây, Bộ Công thương khởi động hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất (GTĐ) 2015 với chủ đề “Tiết kiệm năng lượng-ứng phó biến đổi khí hậu” với sự hỗ trợ của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam. Từ sáu tỉnh, thành phố tham gia hưởng ứng Chiến dịch GTĐ năm 2009, đến nay, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã đồng loạt cam kết và có hành động hưởng ứng Chiến dịch. Sau Chiến dịch GTĐ, hiệu ứng về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường còn kéo dài, lan tỏa suốt cả năm. Năm 2014, trong một giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch GTĐ, công suất điện toàn hệ thống điện quốc gia giảm được 431MW, cả nước tiết kiệm 431 nghìn kW giờ điện, tương đương khoảng 650 triệu đồng. Sự kiện này đã tạo ra những thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động của người dân về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng.

"Lễ hội Tắt đèn" hưởng ứng Giờ Trái Đất 2014 tại Quảng trường Nhà hát lớn (Hoàn Kiếm). (Ảnh: khampha.vn)
“Lễ hội Tắt đèn” hưởng ứng Giờ Trái Đất tại Quảng trường Nhà hát lớn (Hoàn Kiếm). (Ảnh: khampha.vn)

Con số này tuy không phải là lớn, song mang nhiều ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh năng lượng ngày càng trở nên sống còn đối với con người. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 50 năm trở lại đây, nhiệt độ trung bình năm của Việt Nam đã tăng lên 0,5 0 C và mực nước biển cũng tăng khoảng 20cm. Nếu mực nước biển dâng 1m, sẽ có khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, hơn 10% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng có nguy cơ bị ngập. Gần 35% dân số thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và hơn 9% dân số vùng đồng bằng sông Hồng bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất GDP cả nước vào khoảng 10%.

Lợi ích từ Chiến dịch GTĐ là quá rõ ràng, song, để Chiến dịch tạo được hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong xã hội, người dân, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa, không chỉ tập trung vào các đối tượng hộ gia đình, công chức, sinh viên, học sinh mà cần hướng tới những đối tượng tiêu thụ điện năng lớn là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; không chỉ giới hạn trong Chiến dịch GTĐ mà suốt cả năm, đúng với thông điệp “60+” (không chỉ là 60 phút mà hơn thế nữa). Cần có sự chung tay, vào cuộc tích cực của các bộ, ngành liên quan với những giải pháp thực hiện thiết thực, hiệu quả hơn. Bản thân trong thời gian diễn ra sự kiện tắt đèn của Chiến dịch GTĐ, mặc dù tắt điện và mọi người (chủ yếu là sinh viên) thường hay thắp nến “lung linh”, song chính điều này lại phản tác dụng bởi, nến lại là thủ phạm tạo ra khí thải đi-ô-xít các-bon (CO2 ) cao hơn rất nhiều lần so mức phát thải từ hoạt động sản xuất điện năng.

Giờ đây, mục tiêu của Chiến dịch GTĐ năm nay rõ ràng đã lớn hơn rất nhiều, đó là ứng phó biến đổi khí hậu, không còn giới hạn trong lĩnh vực điện năng, hay đơn giản chỉ là tắt vài bóng điện nữa, bởi bóng đèn chỉ là thiết bị tiêu thụ điện năng thấp nhất, trong khi các thiết bị khác như điều hòa, máy sưởi, bình đun nước nóng, bàn là… có mức tiêu thụ điện năng rất lớn nhưng người sử dụng thường hay lãng quên, hoặc ít chú ý. Đó còn là lĩnh vực giao thông, sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch nhất và là một trong những tác nhân xả khí thải, gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất. Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Giôn Ni-enxen đã khẳng định trong lễ khởi động Chiến dịch GTĐ vừa qua: Tiết kiệm năng lượng nằm ngay trong ý thức của mỗi người, thể hiện qua những hành động nhỏ nhất, đời thường nhất.