Dự kiến tăng gấp đôi mức hỗ trợ cho người trồng rừng

ThienNhien.net – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo Nghị định về chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách xóa đói, giảm nghèo và hỗ trợ đồng bào dân tộc giai đoạn từ nay tới năm 2020.

Trồng rừng tại Ba Bể, Bắc Kạn. (Ảnh: tongcucnongnghiep.gov.vn)
Trồng rừng tại Ba Bể, Bắc Kạn. (Ảnh: tongcucnongnghiep.gov.vn)

Nghị định này quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ, khoanh nuôi, trồng rừng, lâm sản ngoài gỗ và phát triển sản xuất gắn với xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo dự thảo Nghị định, đối tượng là hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, cư trú tại các xã khó khăn vùng dân tộc và miền núi và cộng đồng dân cư thôn (có từ 70% hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số trở lên) có tham gia bảo vệ, phát triển rừng.

Các hộ gia đình này sẽ được Nhà nước hỗ trợ khoán bảo vệ rừng với mức 400.000 đồng/ha/năm (quy định hiện hành là 200.000 đồng) khi nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng chưa giao, chưa cho thuê do UBND cấp xã đang quản lý.

Nhà nước hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh rừng theo 2 mức tác động: 1 triệu đồng/ha/năm cho thời gian 6 năm đối với khoanh nuôi đơn giản; và mức 2 triệu đồng/ha/năm cho 3 năm đầu và 1 triệu đồng/ha cho 3 năm tiếp theo.

Dự thảo Nghị định cũng quy định trợ cấp gạo hoặc tiền mặt tương ứng đối với trồng rừng trên diện tích đất nương rẫy chuyển đổi. Mức hỗ trợ là 700kg gạo/ha/năm, tổng diện tích hỗ trợ không quá 3 ha và thời gian hỗ trợ không quá 7 năm.

Nhà nước cũng hỗ trợ trồng rừng sản xuất lấy gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Nếu rừng trồng có loại cây khai thác chính sau 10 năm tuổi được hưởng mức 10 triệu đồng/ha; cây khai thác chính dưới 10 năm tuổi được hưởng mức 6 triệu đồng/ha. Ngoài hỗ trợ trực tiếp, Nhà nước cũng hỗ trợ gián tiếp thông qua ngân hàng bằng việc cấp bù 100% lãi suất đối với trồng rừng sản xuất và chăn nuôi.

Tại cuộc họp cho ý kiến về dự thảo Nghị định, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, bảo vệ, phát triển rừng là một trong những giải pháp để giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên dự thảo nên quy định đối tượng thụ hưởng chính sách là tất cả người dân sống trên địa bàn miền núi có tham gia bảo vệ rừng mà không nhất thiết phải là đồng bào dân tộc thiểu số.