Cảnh báo tình trạng phá rừng Amazon tại Brazil

ThienNhien.Net – Diện tích rừng Amazon bị phá hoại trong tháng 10 đã tăng lên mức báo động, gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là số liệu công bố mới nhất của nhóm Imazon, một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển bền vững hệ sinh thái.

Theo tổ chức trên, trong tháng 10, diện tích rừng Amazon bị chặt phá tại 9 bang của Brazil lên tới 244 km2, gấp hơn 5 lần so với con số chỉ khoảng 43 km2 trong cùng kỳ năm ngoái và bằng với diện tích của 24.000 sân bóng đá. Thống kê của nhóm Imazon cũng chỉ rõ khoảng 60% diện tích rừng bị tàn phá diễn ra tại khu vực do tư nhân kiểm soát hoặc do nông dân chiếm dụng bất hợp pháp.

Những mảng rừng bị san phẳng. (Ảnh: VTC News)
Những mảng rừng bị san phẳng. (Ảnh: VTC News)

Trước tình hình này, chính phủ Brazil đang tiến hành một loạt biện pháp nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành động phá rừng, trong đó có việc sử dụng công nghệ chụp ảnh từ vệ tinh. Cuối tháng 10, Brazil cũng đã đặt một khu vực giàu sinh thái thuộc rừng rậm nhiệt đới Amazon dưới sự bảo vệ của chính quyền liên bang nhằm tạo ra một khu bảo tồn lớn có tổng diện tích hơn 6.000 km2. Khu bảo tồn này gồm các phần rừng nguyên sinh và trước nay chưa có người sinh sống.

Nhóm Imazon đưa ra số liệu trên ngay trước thềm Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, dự kiến diễn ra tại thủ đô Lima của Peru từ ngày 1 – 12/12. Thu hẹp tỷ lệ mất rừng được coi là nhiệm vụ cốt lõi nhằm hạn chế các tác động của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Rừng rậm nhiệt đới Amazon thuộc lưu vực sông Amazon ở Nam Mỹ. Với diện tích gần 7 triệu km2, rừng Amazon trải dải trên lãnh thổ của 8 nước gồm Brazil, Peru, Bolivia, Ecuador, Colombia, Venezuela, Guyana và Suriname. Trong đó, 60% diện tích rừng nằm trên lãnh thổ của Brazil. Rừng rậm Amazon được coi là “lá phổi” của Trái đất và là “ngôi nhà sinh thái” của hàng nghìn loài động, thực vật. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nạn phá rừng, khai thác gỗ bất hợp pháp, khai thác mỏ, chăn nuôi gia súc và xây dựng đập thủy điện đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh sinh thái của khu rừng lớn nhất Nam Mỹ này./.