Cây quý hiếm tái sinh chậm ở những vùng rừng bị chặt phá

ThienNhien.Net – Đây là một trong những kết luận quan trọng được rút ra từ nghiên cứu vừa công bố trên Tạp chí Tropical Conservation Science (Khoa học Bảo tồn Rừng nhiệt đới) do ông Ngô Thế Long (Khoa Lâm nghiệp, Đại học Hùng Vương) và Dirk Hölscher (Khoa Lâm nghiệp và Sinh thái Rừng nhiệt đới, Đại học Göttingen, Đức) phối hợp thực hiện.

Nghiên cứu khẳng định các khu rừng nhiệt đới ở Việt Nam có mức độ đa dạng sinh học cao với nhiều loài đa dạng, song số lượng cá thể các loài còn tương đối ít. Phạm vi địa lý giới hạn, môi trường sống đặc trưng cao, quy mô cá thể nhỏ lẻ – tất cả đã góp phần vào sự khan hiếm tự nhiên của nhiều loài cây.

Đặc biệt, hoạt động khai thác gỗ chọn lọc của con người khiến các loài cây thuộc loại hiếm ngày càng trở nên hiếm hơn do môi trường sống của chúng bị thay đổi, sự cạnh tranh cân bằng giữa các loài cây cũng theo đó bị phá vỡ.

Tiến hành nghiên cứu tại VQG Xuân Sơn, nhóm nghiên cứu nhận thấy hoạt động trạng khai thác gỗ trước đó ở khu vực này đã và đang đặt các loài cây quý hiếm đứng trước nguy cơ cạn kiệt do bị giảm mật độ cây, kích thước, độ che phủ, sự đa dạng loài cũng như khả năng tái sinh của các loài cây.

Chú thích ảnh: Các lĩnh vực và loài trong nghiên cứu bao gồm: (a) rừng trên núi đá vôi, (b) rừng không bị đốn, (c) rừng bị đốn, (d) một cây tái sinh thuộc E.tonkinenense, (e) một cây tái sinh thuộc P.chinensis, (f) 2 cây tái sinh thuộc C.javanicum.
Các khu vực rừng và loài được nghiên cứu: (a) rừng trên núi đá vôi, (b) rừng không bị chặt phá, (c) rừng bị chặt phá, (d) một cây tái sinh thuộc loài E.tonkinenense, (e) một cây tái sinh thuộc loài P.chinensis, (f) 2 cây tái sinh thuộc loài C.javanicum (Ảnh: mongabay.com)

Các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu 05 loài cây có giá trị bảo tồn cao, gồm cây Nghiến (Excentrodendron tonkinense), Lát hoa (Cukrasia tabularis), Trai lí còn gọi là Rươi (Garcinia fagraeoides), Chò chỉ (Parashorea chinensis) và Sắng (Melientha suavis).

Cách thức nghiên cứu được thực hiện theo phương pháp ghi chép cụ thể các chỉ số đường kính ngang ngực, chiều cao, đặc tính loài, số lượng cây mở tán và độ che phủ của cây trong 20 ô rừng mẫu ngẫu nhiên thuộc cả khu vực từng bị chặt phá và khu vực chưa bị can thiệp. Tiếp đó, các chuyên gia đo đạc đất và các yếu tố địa hình ảnh hưởng đến sự phát triển của các loài cây như độ dốc, hướng, độ cao và độ sâu của đất.

Trong số 05 loài được lựa chọn thì có ba loài (Nghiến, Lát, Trai lí) mang đặc trưng của rừng núi đá vôi và cần điều kiện đặc biệt để phát triển, hai loài còn lại (Chò chỉ, Sắng) phân tán phổ biến hơn và không cho thấy bất kì xu hướng phát triển cụ thể nào.

Điểm phát hiện thú vị là những thích nghi hẹp và quý hiếm tuy có những dấu hiệu tái sinh ở những vùng rừng từng bị chặt phá, song tốc độ tái sinh của chúng chậm hơn nhiều so với những vùng rừng không bị chặt phá. Trong khi đó, hai loài cây phân tán phổ biến gồm Chò chỉ và Sắng xét ở cả khu vực từng bị chặt phá hay không thì đều tái sinh nhanh hơn so với các loài cây thích nghi hẹp, tất nhiên tốc độ tái sinh ở vùng bị chặt phá vẫn chậm hơn.

Lý giải sự khác biệt về tốc độ tái sinh hai nhóm loài nêu trên, các nhà nghiên cứu cho rằng chúng bị chi phối bởi một số yếu tố. Trước tiên, do các loài đặc trưng ưa sinh sống ở vùng rừng núi đá vôi trên cao, nơi còn nhiều lô rừng chưa bị chặt phá.

Thứ hai, nhiều loài cây có hạt phải nhờ các loài động vật phân tán giống nên hoạt động đốn hạ rừng khiến các loài động vật sợ hãi và thay đổi địa điểm sinh sống cũng như phát tán giống cây. Thứ ba, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng những đối tượng chặt phá rừng thường chọn những cây lớn, cây có hạt do đó hạn chế sự tái sinh của các loài cây.

Cũng theo các nhà nghiên cứu, nhiều khu vực rừng từng bị khai thác ở Xuân Sơn đang dần hồi phục và chúng sẽ còn tiếp tục được cải thiện khi vùng rừng này vẫn là rừng thuộc VQG.