“Bất hòa” giữa nước và lửa ở VQG Tràm Chim

ThienNhien.Net – Vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp, mang nét đặc trưng, điển hình của vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười xưa còn sót lại. Hiện vườn được chia thành năm khu quản lý, mỗi khu được bao quanh bởi hệ thống kênh rạch với tổng chiều dài khoảng 60 km. Mặc dù được bảo vệ khá nghiêm ngặt, nhưng những năm vừa qua vẫn xảy ra nhiều vụ cháy, có vụ thiêu rụi hàng trăm ha đồng cỏ và rừng tràm.

“Kỵ nhau” như nước với lửa

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc vườn quốc gia (VQG) Tràm Chim cho biết, từ năm 2009, được sự chấp thuận của UBND tỉnh Đồng Tháp, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-VN) phối hợp cùng VQG đã triển khai dự án “Tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học và cải thiện sinh kế địa phương với sự tham gia của cộng đồng trên cơ sở quản lý hợp lý tài nguyên thiên nhiên tại VQG Tràm Chim”. Dự án do công ty Coca-Cola Việt Nam tài trợ.

Mục tiêu của dự án là tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học thông qua việc quản lý nước -lửa thích hợp và cải thiện sinh kế của địa phương bằng cách để cộng đồng tham gia vào các hoạt động du lịch sinh thái kết hợp với bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và văn hóa địa phương.

Từ khi triển khai, dự án đã nghiên cứu và xây dựng mực nước cần quản lý cho từng khu trong suốt cả năm, dựa theo phương pháp cân bằng nước, hiện trạng và đặc tính chịu khô, chịu ngập của thực vật, hiện trạng hạ tầng và cao độ khác biệt trong từng khu.

Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu đánh giá mới đây của trường ĐH Cần Thơ về công tác quản lý nước – lửa ở VQG Tràm Chim thời gian vừa qua, đang có nhiều vấn đề cần quan tâm do sự chênh lệch cao của mực nước giữa các tháng trong năm, làm ảnh hưởng đến các quần xã thực vật, nhất là liên quan đến các vụ cháy rừng.

Và hệ quả thực tế đã xảy ra: trong khoảng thời gian năm năm từ 2009-2013, ở VQG đã xảy ra tổng cộng 24 vụ cháy, thiêu rụi gần 300 ha đồng cỏ và hơn 130 ha rừng tràm, trong đó hai khu A1 và A5 mỗi khu xảy ra đến chín vụ cháy, cháy lớn ở khu A5 vào năm 2009 và khu A1 vào 2010; các khu còn lại cũng xảy ra từ một đến ba lần cháy.

Theo Tiến sĩ Dương Văn Nỉ, Khoa Môi trường trường ĐH Cần Thơ, ở giai đoạn trên, mực nước tại hai khu A1 và A5 thấp hơn nhiều so với mực nước đề nghị, nên “xảy ra cháy lớn ở khu A1 năm 2010 không phải do mực nước thấp, mà nguyên nhân là do các chất hữu cơ tích lũy (thực bì) giữ mực nước cao trong những năm trước đó”.

Tiến sĩ Dương Văn Nỉ cho biết thêm, trong thời gian từ 2009 – 2013, đã có sự thay đổi lớn về diện tích của các quần xã thực vật trong VQG Tràm Chim. Thay đổi lớn nhất là quần xã tràm. Năm 2009 chỉ có 1.900 ha nhưng đến năm 2013 đã tăng lên hơn 2.200 ha, và một phần nhỏ quần xã lúa ma, từ 27 ha đến nay đã tăng lên 37 ha. Trong khi quần xã tràm và lúa ma tăng thì ngườc lại, quần xã cỏ ống đã giảm từ 451 ha xuống còn 269 ha. Quần xã có diện tích giảm đáng kể nhất là quần xã cỏ năng. Nếu như thời điểm năm 2009 toàn VQG có hơn 1.100 ha thì đến năm 2013 diện tích đồng cỏ năng chỉ còn khoảng 600 ha. “Vì vậy, để duy trì đa dạng sinh học trong VQG Tràm Chim, diện tích tràm phải được kiểm soát… do tốc độ xâm lấn của quần xã tràm rất nhanh và rất mạnh, hơn cả tốc độ xâm lấn của quần xã cây mai dương, nếu không kiểm soát được thì trong tương lai, diện tích đồng cỏ năng sẽ liên tục giảm”.

Sếu đầu đỏ ở VQG Tràm Chim (Ảnh: nld.com.vn)
Sếu đầu đỏ ở VQG Tràm Chim (Ảnh: nld.com.vn)

Sếu đầu đỏ bị “vạ lây”

Kết quả nghiên cứu đánh giá của trường ĐH Cần Thơ cũng cho thấy, do giữ mực nước cao làm cho loài cỏ năng không thể tạo củ. Trong khi đó các loài khác như tràm, cỏ chỉ, rau dừa lại xâm lấn mạnh, tạo ra thảm thực vật vừa dày, vừa xốp làm cho sếu đầu đỏ không thể đáp xuống và kiếm ăn được. Điều này có thể là nguyên nhân dẫn đến sự giảm sút cá thể sếu đầu đỏ về Tràm Chim.

Giám đốc VQG Tràm Chim Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong giai đoạn 1990-2000 số lượng cá thể sếu về Tràm Chim mỗi năm luôn nhiều hơn 200 con, nhưng từ năm 2000 đến nay số lượng sếu về ngày càng thấp dần, đến năm 2013 chỉ có 15 con quay về Tràm Chim.

Kết quả nghiên cứu của nhóm tiến sĩ Dương Văn Nỉ và cộng sự cho thấy, trong khoảng thời gian 12 năm (2000-2012) có một số thay đổi về hệ sinh thái ở Tràm Chim do việc thực hiện quản lý mực nước. Cũng trong thời gian này, số lượng sếu về Tràm Chim luôn biến động. Cụ thể năm 2000 có 167 con, năm 2001 chỉ về 48 con, nhưng năm 2004 lại tăng lên 159 con. Cho đến năm 2012 giảm còn 52 con, và năm 2013 vừa qua chỉ về 15 con. “Điều đó cho thấy sự thay đổi này có liên quan đến việc quản lý nước – lửa, tức là năm nào giữ mực nước thấp và có xảy ra cháy đồng cỏ thì số lượng Sếu về sẽ tăng lên ở những năm tiếp theo”.

Tiến sĩ Dương Văn Nỉ phân tích thêm, số lượng sếu về Tràm Chim trước năm 2000 luôn cao hơn sau năm 2000 thì không liên quan nhiều đến việc quản lý nước, vì trước năm 2000 chưa có sự can thiệp nào đến hệ sinh thái tự nhiên của Tràm Chim, mà đây có thể là sự giảm sút tổng đàn sếu tại đồng bằng sông Cửu Long.

Số liệu tổng hợp của các nhà khoa học cho thấy, trước đây, đàn sếu đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm dao động từ 500-800 con, chúng kiếm ăn ở hai khu vực chính là vùng Kiên Lương – Hà Tiên và Tràm Chim – Láng Sen. Thông thường vào đầu mùa khô, chúng đến các khu vực bên Campuchia gần biên giới Việt Nam như Tà Keo, rồi bay sang Kiên Lương – Hà Tiên, sau đó mới đến Tràm Chim, chúng sẽ ở đây cho đến hết mùa khô mới bay về khu vực miền bắc của Campuchia.

Theo ghi nhận của các nhà khoa học, đàn sếu về đến tỉnh Tà-Keo giảm không đáng kể, dao động trong khoảng 300-500 con. Trong năm 2011-2013 chúng mở rộng vùng kiếm ăn bên Campuchia như ở khu vực A-lung Ring gần Hà Tiên. Điều đó có thể khẳng định rằng, việc chuyển đổi đất canh tác từ trồng trọt sang nuôi trồng thủy sản (tôm) ở khu vực Kiên Lương – Hà Tiên và tình trạng giảm sút diện tích quần xã cỏ năng tại VQG Tràm Chim là những nguyên nhân trực tiếp làm cho số lượng sếu đầu đỏ về khu vực đồng bằng sông Cửu Long giảm đáng kể từ năm 2000 đến nay.

Đề xuất chiến lược quản lý nước – lửa

Tiến sĩ Dương Văn Nỉ cho biết, qua nghiên cứu cho thấy, trong giai đoạn 2009-2011 số lượng các lần cháy ở VQG Tràm Chim cao hơn so với các năm trước nhưng với cường độ thấp hơn do việc tích tụ các sinh khối hữu cơ giữa hai lần cháy ít hơn. Tuy nhiên, trong năm 2012 do việc giữ nước ở mức cao trong toàn bộ VQG nên các sinh khối hữu cơ lại được tích tụ, và cháy lại xảy ra. Mặc dù trong năm 2013 việc này đã được điều chỉnh nhưng kết quả cho thấy hệ sinh thái ở đây rất nhạy cảm, nhất là đối với các đồng cỏ, lượng hữu cơ tích tụ tăng rất nhanh trong một thời gian ngắn. Do đó, chỉ quản lý mực nước thôi là chưa đủ hiệu quả để giảm quá trình tích tụ sinh khối trên đồng cỏ, mà cần áp dụng thêm biện pháp đốt chủ động, chu kỳ đốt có thể là từ 2-3 năm tùy theo tốc độ tích tụ sinh khối từng khu.

Cụ thể, theo Tiến sĩ Dương Văn Nỉ, tiếp tục quan trắc mực nước ở nhiều vị trí trên các quần xã lúa ma, cỏ năng, cỏ mồm, cỏ ống và theo dõi tích tụ sinh khối hàng năm; chủ động đốt theo chu kỳ ở các đồng cỏ có hàm lượng chất hữu cơ tích tụ cao; kiểm soát sự xâm lấn của quần xã tràm ra đồng cỏ. Đối với khu A2, có thể chấp nhận giữ khu này như một hệ sinh thái ẩm ướt quanh năm, vì điều kiện khắc phục để trở thành hệ sinh thái khô-ngập rất tốn kém, khó khả thi và sẽ làm tăng nguy cơ cháy hủy diệt vì lớp hữu cơ tích tụ quá dày. Như vậy, trọng tâm bảo tồn khu này là đa dạng sinh học nhóm thủy sinh, nhưng ưu tiên là nhóm cá chứ không phải rừng tràm. Do đó, có thể thu hoạch tràm hiện nay, nếu không tràm cũng sẽ chết do thời giam giữ mưc nước cao như hiện nay. Thu hoạch tràm vừa có thêm nguồn kinh phí để đầu tư gia cố hệ thống đê bao, cống đập và xây dựng các trạm bơm bổ sung.

Riêng ở khu A3, là bãi ăn chính của sếu, ngoài việc áp dụng biện pháp đốt cỏ chủ động, cần thường xuyên theo dõi và quan trắc quần xã cỏ năng, nhất là khả năng tạo củ. Có như vậy mới tạo môi trường tốt thu hút đàn sếu về.

Tiến sĩ Dương Văn Nỉ còn cho biết thêm, dựa trên những thành công của việc cắt đê trong năm 2009, đã cải thiện đáng kể dòng chảy, cải thiện độ pH của đất, đa dạng sinh học và chất lượng nước…nên nhóm nghiên cứu đề xuất thêm ba vị trí cắt đê mới trong khu A1. Những đoạn cắt mới này sẽ cải thiện thêm môi trường nước và đa dạng sinh học không chỉ cho khu A1 mà cho cả VQG Tràm Chim.

Tọa lạc trên địa bàn huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, diện tích hơn 7.500 ha, vườn quốc gia Tràm Chim được đánh giá là nơi tính đa dạng sinh học cao, mang nét đặc trưng, điển hình của vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười xưa còn sót lại. Tháng 5 năm 2012, vườn quốc gia Tràm Chim được công nhận là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới. Hiện vườn được chia thành năm khu quản lý, mỗi khu được bao quanh bởi hệ thống kênh rạch với tổng chiều dài khoảng 60 km.