Tình trạng xâm hại rừng do dân di cư ngoài kế hoạch ở Ea Trang

ThienNhien.Net – Câu chuyện quản lý bảo vệ rừng ở huyện M’Drak, tỉnh Đắk Lắk mấy năm trở lại đây càng trở nên không đơn giản trước mức độ lấn chiếm, xâm canh đất rừng nhất là của các hộ dân di cư ngoài kế hoạch.

Cách UBND xã Ea Trang hơn 10 km, dọc theo con đường được Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp M’Drak mở ra để phục vụ khai thác, vận chuyển lâm sản, nhiều vạt rừng bị chặt, đốt phá trơ trụi, nham nhở. Không chỉ cây rừng bị đốn hạ mà cả phần thực bì cũng bị đốn dọn. Rừng xanh tự nhiên trở thành nương rẫy, một vài chỗ còn thấy lèo tèo vài cây lúa, cây mì, cây ngô do người dân xâm canh.

Kế sát ngay những vạt rừng trơ trụi ấy là thôn Ea Bra, được thành lập năm 2010 với 91 hộ, 524 khẩu, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông từ hai tỉnh Lào Cai, Hà Giang vào. Khi chúng tôi đến thôn thì cũng đã gần quá trưa nhưng rất nhiều gia đình cửa đóng then cài, phần lớn chỉ có đám trẻ con ở nhà. Đi lòng vòng một hồi rồi chúng tôi cũng tìm được nhà ông trưởng thôn Thào Thanh Cậu. Ông Cậu cho hay, lúc đầu toàn thôn chỉ có mươi, mười lăm gia đình nhưng rồi họ hàng, anh em dắt díu nhau từ quê vào nên số hộ trong thôn đã tăng lên con số 91 hộ. Cả thôn có 19,8 ha ruộng nước chủ yếu là khai hoang, hiện còn 30-35 hộ không có ruộng nên tình trạng phá rừng làm rẫy càng phức tạp. Với 7 năm làm trưởng thôn lâm thời và 3 năm làm chính thức, ông cũng phối hợp với chính quyền địa phương, cán bộ kiểm lâm tổ chức tuyên truyền vận động nhưng do nhiều hộ không có đất canh tác để sản xuất, sinh sống nên việc tuyên truyền, vận động rất khó khăn.

Nhức nhối tình trạng phá rừng làm nương rẫy ở M’Drak (Ảnh: Báo Đắk Lawsk)
Nhức nhối tình trạng phá rừng làm nương rẫy ở M’Drak (Ảnh: Báo Đắk Lawsk)

Áp lực mưu sinh dẫn đến tình trạng phá rừng làm nương rẫy càng diễn biến phức tạp khi do phong tục tập quán, hầu hết các gia đình trong thôn Ea Bra này đều đông con. Trung bình, mỗi gia đình có 5-6 con; ngoài 40 tuổi, nhiều người đã lên chức ông, chức bà. Ông Thào A Tờ, 65 tuổi cho hay: Ở ngoài Lào Cai, gia đình ông rất nghèo khổ do sản xuất khó khăn, có khi phải tận dụng cả khe đá để trồng ngô. Năm 2004 vợ chồng ông cùng 6 đứa con vào đây, vẫn biết phá rừng là sai nhưng nếu không phá thì không có đất trồng lúa, trồng sắn. Ông cũng mong được nhận khoán rừng để có thêm nguồn mưu sinh.

Còn ở góc độ của cơ quan quản lý, ông Ngô Văn Đức, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp M’Drak cho biết: Công ty đang quản lý 25.740,64 ha. Tình hình quản lý bảo vệ rừng trong thời gian gần đây có những diễn biến phức tạp. Tình trạng chặt phá, lấn chiếm rừng và đất rừng có chiều hướng gia tăng, các đối tượng thường phá rừng vào chiều tối hoặc sáng sớm. Rừng do Công ty quản lý bảo vệ nằm rải rác ở 5 xã và đan xen trong khu dân cư, đặc biệt lực lượng dân di cư ngoài kế hoạch vào, lại ở trong lòng rừng nên quản lý càng khó khăn hơn, trong khi đó cán bộ trực tiếp tham gia quản lý bảo vệ rừng thì mỏng. Từ năm 2008 đến nay, Công ty phối hợp với các lực lượng đã phát hiện, ngăn chặn được trên 310 vụ trong đó chặt phá lấn chiếm đất rừng trái phép 279 vụ với diện tích 230,24 ha; khai thác vận chuyển gỗ trái phép 33 vụ với khối lượng 7,01 m3 gỗ các loại và 70 cưa máy các loại. Tính riêng đối với diện tích rừng tự nhiên, 4 năm trở lại đây 42 ha rừng đã bị chặt phá làm nương rẫy, trong đó ở khu vực thôn Ea Bra chiếm 15-17 ha.

Cây rừng bị chặt phá rồi đốt để nhường chỗ cho cây lúa (Ảnh: Báo Đắk Lắk)
Cây rừng bị chặt phá rồi đốt để nhường chỗ cho cây lúa (Ảnh: Báo Đắk Lắk)

Để giải quyết tình trạng chặt phá, lấn chiếm rừng, đất rừng làm nương rẫy, anh Y Thu Niê, cán bộ kiểm lâm địa bàn xã Ea Trang bày tỏ quan điểm: “Về lâu dài phải có quy hoạch, đưa dân ra khỏi rừng thì mới hạn chế được tình trạng phá rừng làm nương rẫy”. Trao đổi về giải pháp này, ông Y Nguôl Byă, Chủ tịch UBND xã Ea Trang chia sẻ: Toàn xã có 1.056 hộ, 5115 khẩu, trong đó dân di cư ngoài kế hoạch là 169 hộ, 841 khẩu. Trước tình trạng dân di cư ngoài kế hoạch phá rừng làm nương rẫy, riêng đối với thôn Ea Bra, UBND xã đã 2 lần thực hiện việc đưa người dân ra khỏi rừng nhưng do địa hình của xã chủ yếu là đồi núi, quỹ đất thiếu đặc biệt là đất sản xuất nên họ lại quay trở lại. Xã chỉ còn biết tuyên truyền, vận động nhưng có nhiều đối tượng vẫn lén lút vào chặt phá. Còn về phía Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp M’Drak, ông Ngô Văn Đức cho biết: Thời gian tới Công ty sẽ đề xuất với chính quyền địa phương quy hoạch vùng dân cư, tăng cường quản lý dân cư để ngăn chặn tình trạng phá rừng làm nương rẫy. Trước khi tổ chức việc di dời dân, nhất là ở những vùng dân cư đang sống sát rừng, sắp tới Công ty cũng dự kiến thành lập trạm quản lý bảo vệ rừng tại thôn Ea Bra để tăng cường công tác quản lý bảo vệ.