Quảng Bình: Tùy tiện chặn đường quốc gia thu phí môi trường rừng

ThienNhien.Net – Ngày 16-4, nhiều du khách và các công ty lữ hành phản ánh, Ban quản lý di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) đưa ra cách thu phí môi trường rừng hết sức vô lý với giá “cắt cổ” khiến nhiều người thấy rất phản cảm.

Cụ thể, tại thông báo số 182/TB-VQG do ông Hoàng Hải Vân, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng ký, yêu cầu: Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch hoặc tham quan các tuyến du lịch trong khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng với 2 mức 40.000 đồng và 80.000 đồng. Các tuyến phải chi trả gồm tuyến 1 từ trạm kiểm lâm km số 6 đi Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ (đường 20-Quyết Thắng) đi trạm kiểm lâm Trộ Mọong thu 40.000 đồng/lượt. Tuyến 2 từ trạm kiểm lâm km 6 đi trạm kiểm lâm U Bò, tuyến 3 từ trạm kiểm lâm Trộ Mọong đi trạm kiểm lâm U Bò, tuyến 4 từ trạm kiểm lâm số 6 đi trạm kiểm lâm 39, tuyến 5 từ trạm kiểm lâm Trộ Mọong đi trạm kiểm lâm 39. Các tuyến này đều thu 80.000 đồng/lượt.

Trạm kiểm lâm Trộ Mọong, một trong những điểm thu phí dịch vụ môi trường rừng nằm trên đường Hồ Chí Minh nhưng Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng không xin ý kiến của Cục Đường bộ và Sở GTVT tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng)
Trạm kiểm lâm Trộ Mọong, một trong những điểm thu phí dịch vụ môi trường rừng nằm trên đường Hồ Chí Minh nhưng Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng không xin ý kiến của Cục Đường bộ và Sở GTVT tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng)

Nhiều du khách phản ánh, khi đến một trong các trạm kiểm lâm trên họ đều bị các kiểm lâm hỏi như “thẩm vấn” và phải nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng mới được cho đi. Kiểm lâm viên của các trạm kiểm lâm trên ngoài việc bảo vệ rừng phải tiến hành rà soát khách khứa để “tận thu”, mặc dù việc thu tiền không nằm trong điều kiện hoạt động của lực lượng này. Mỗi trạm của các tuyến trên từ 10 đến hơn 20km là quá dày đặc.

Sở GTVT cho biết, việc chặn đường quốc gia và tỉnh lộ 20 để thu phí là việc làm sai quy định, phải thông qua ý kiến của Cục Đường bộ và cả sở GTVT.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết, đó không phải là chi trả môi trường rừng mà là đặt phí tự ý, tận thu. Muốn đặt phí dưới 40.000 đồng thì phải thông qua HĐND tỉnh, cao hơn thì phải xin ý kiến của Bộ Tài chính.

Ông Kỳ cũng cho biết thêm, các đơn vị kinh doanh du lịch đã chi trả phí môi trường rừng chiết khấu từ vé bán vào tham quan hang động cho du khách, số tiền này đưa vào ngân sách để phục vụ nhiều công tác khác. Việc đặt phí đối với du khách như thế là tự “ngăn sông cấm chợ”, làm mất hình ảnh du lịch địa phương cũng như hình ảnh di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Phiếu của Hạt Kiểm Lâm lập ra rất sơ sài, không con dấu, không có bất cứ cơ sở pháp lý nào thể hiện việc này nhưng vẫn lưu hành. Phiếu không có ý kiến đồng ý của Sở Tài chính nhưng vẫn tự ý sử dụng để thu tiền du khách (Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng)
Phiếu của Hạt Kiểm Lâm lập ra rất sơ sài, không con dấu, không có bất cứ cơ sở pháp lý nào thể hiện việc này nhưng vẫn lưu hành. Phiếu không có ý kiến đồng ý của Sở Tài chính nhưng vẫn tự ý sử dụng để thu tiền du khách (Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng)

Trong khi đó, lãnh đạo Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng cho rằng, chỉ thu đối với du khách nước ngoài và các công ty lữ hành có thỏa thuận. Ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng cho rằng việc này phù hợp với nghị định 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách chi trả phí môi trường rừng.

Tuy nhiên, một số du khách phản ánh, khi đi vào du lịch động Thiên Đường, việc mua vé đã bao gồm có phí môi trường rừng, nhưng trước đó trạm kiểm lâm phía ngoài đã buộc nộp phí 40.000 đồng, có khi biên lai ghi 80.000 đồng mới cho vào. Như vậy nhiều khách đã 2 lần phải trả cho phí này.

Văn bản do ông Hoàng Hải Vân ký ngày 7-4-2014 nhưng phải bắt thực hiện từ ngày 1-2-2014 (Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng)
Văn bản do ông Hoàng Hải Vân ký ngày 7-4-2014 nhưng phải bắt thực hiện từ ngày 1-2-2014 (Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng)

Mỗi ngày có hàng ngàn lượt khách phải qua lại các điểm trên để vào Thiên Đường và một số điểm tham quan khác.

Điều kỳ lạ là văn bản được ban hành 7-4-2014 nhưng ông Hoàng Hải Vân lại ghi rõ “áp dụng từ ngày 1-2-2014”, nghĩa là văn bản này chưa ký đã áp dụng trước hai tháng.