Lò gạch ‘hun’ dân: Hà Nội, Vĩnh Phúc đổ trách nhiệm cho nhau

ThienNhien.Net – Trong khi cơ quan chức năng Vĩnh Phúc cho rằng các lò gạch gây ô nhiễm thuộc phần quản lý của Hà Nội thì lãnh đạo huyện của Hà Nội lại khẳng định nơi đây thuộc địa phận Vĩnh Phúc.

Sau khi VTC News phản ánh tình trạng hoạt động của các lò gạch thủ công gây ô nhiễm ở khu vực ven sông Hồng, thuộc xã Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ, Hà Nội); Liên Châu và Đại Tự (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc), UBND huyện Phúc Thọ đã tổ chức lực lượng chức năng kiểm tra và có thông tin phản hồi sự việc báo nêu.

Theo ông Khuất Duy Hùng – Phó phòng Quản lý đô thị, thuộc UBND huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội cho biết, sau khi có chủ trương về việc xóa bỏ lò gạch thủ công không đảm bảo quy định, UBND huyện Phúc Thọ đã tổ chức nhiều hội nghị thuyết phục các hộ dân chuyển đổi mô hình sản xuất hoặc áp dụng công nghệ xử lý khói lò thủ công Bách Khoa. Cho đến nay, huyện Phúc Thọ đã dỡ bỏ được 108 lò gạch thủ công.

Một lò gạch thủ công ở Phúc Thọ bị xóa bỏ (Ảnh: Nguyễn Dũng/VTC News)
Một lò gạch thủ công ở Phúc Thọ bị xóa bỏ (Ảnh: Nguyễn Dũng/VTC News)

Ông Hùng thừa nhận trên địa bàn huyện vẫn tồn tại một số lò gạch thủ công, nhưng số này đều dừng hoạt động nhiều tháng qua và đang chờ dỡ bỏ.

“Việc chưa dỡ bỏ hết lò thù công có một số nguyên nhân như suy thoái kinh tế làm số gạch đã sản xuất chưa tiêu thụ được, nhiều cơ sở chưa thu hồi vốn, UBND huyện chưa tìm ra nguồn kinh phí hỗ trợ việc dỡ bỏ lò (10 triệu đồng/lò), hỗ trợ cho 2500 lao động đang làm việc ở lò gạch thủ công (2,5 triệu đồng/người) với số tổng tiền gần 8 tỷ đồng…” – ông Hùng cho hay.

Vị đại diện UBND huyện Phúc Thọ cũng cho biết địa phương này hiện có 28 cặp lò gạch được hoạt động bởi những lò này đã áp dụng công nghệ cao, xử lý khói trước khi thải ra môi trường theo hồ sơ thiết kế.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc các lò gạch này có thường xuyên chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường hay không, ông Hùng cho biết, huyện chỉ đang quản lý được về mặt thủ tục, thực tế thì chưa nắm được thường xuyên do khó khăn về địa lý và nhân lực để kiểm tra, giám sát.

 Đối với các lò gạch thủ công gây ô nhiễm đang hoạt động trên khu vực sông Hồng, đại diện UBND huyện Phúc Thọ cho rằng phần này thuộc trách nhiệm quản lý của huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc (Ảnh: Nguyễn Dũng/VTC News)
Đối với các lò gạch thủ công gây ô nhiễm đang hoạt động trên khu vực sông Hồng, đại diện UBND huyện Phúc Thọ cho rằng phần này thuộc trách nhiệm quản lý của huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc (Ảnh: Nguyễn Dũng/VTC News)

Đối với các lò gạch thủ công gây ô nhiễm đang hoạt động trên khu vực sông Hồng, đại diện UBND huyện Phúc Thọ cho rằng phần này thuộc trách nhiệm quản lý của huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc.

Đưa phóng viên đi khảo sát thực tế tại khu bãi nổi nằm trên địa bàn xã Cẩm Đình nằm tiếp giáp huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc), ông Khuất Duy Hùng và lãnh đạo xã Cẩm Đình tiếp tục khẳng định trên địa bàn mình đã bị xóa bỏ, chỉ còn lại những lò gạch công nghệ cao.

Đối với lò gạch thủ công đang hoạt động, đại diện UBND huyện Phúc Thọ nói rằng đó là các lò gạch nằm trên địa phận huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc chứ không thuộc địa bàn mình quản lý.

Trước đó, phản ánh đến VTC News, người dân sinh sống trên địa bàn xã Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ, Hà Nội), xã Liên Châu và Đại Tự (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, trên địa bàn giáp ranh đang tồn tại gần 70 lò gạch thủ công hoạt động ngày đêm gây ô nhiễm môi trường.

Ông Lương phải dùng bạt vải che chắn khói bụi (Ảnh: Nguyễn Dũng/VTC News)
Ông Lương phải dùng bạt vải che chắn khói bụi (Ảnh: Nguyễn Dũng/VTC News)

Ông Đỗ Đình Lương (52 tuổi, người làng Tứ Kỳ, xã Đại Tự, huyện Yên Lạc) đối phó với ô nhiễm bằng cách dùng bạt vải che chắn; ban ngày cũng như ban đêm đều phải đóng kín cửa.

Việc nhiều lò gạch đốt lò cùng lúc đang tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp của nông dân trong vùng. Xung quanh lò gạch có hàng chục ha chuối, ngô, khoai bị chết khô do không chịu được khói. Ở khu dân cư, đặc biệt là các xã thuộc huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc người dân phải học cách sống chung với khói bụi bằng giải pháp dùng bạt che chắn tất cả cửa sổ, hiên nhà từ sáng đến tối.

Ngày 17/1, trả lời phóng viên VTC News, ông Nguyễn Văn Lộc – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc thừa nhận tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây đã diễn ra hàng chục năm nay, cơ quan này đã nhiều lần nhận được phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường từ các lò gạch thủ công và khai thác đất đá.

Tuy nhiên, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc lại cho rằng: “Phía bãi bồi đó chủ yếu là địa phận của huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội nên chúng tôi không có thẩm quyền tháo dỡ lò gạch mà chỉ có ý kiến với UBND TP Hà Nội để có biện pháp nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết được và rơi vào bế tắc”.

Trong khi các cơ quan chức năng hai bên đang “đổ” cho nhau về địa phận hoạt động và trách nhiệm quản lý của mình tại các lò gạch thủ công gây ô nhiễm và chưa có biện pháp xử lý mạnh tay thì người dân vẫn tiếp tục phải sống chung với khói bụi và rơi vào tình trạng không biết kêu ai để chấm dứt tình trạng ngày đêm bị hun khói.