Ô nhiễm nước mặt vùng Đồng bằng sông Hồng

ThienNhien.Net – Hiện các lưu vực sông khu vực miền Bắc nói chung và vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng đã và đang chịu áp lực mạnh mẽ của quá trình gia tăng dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa. Các khu đô thị, khu dân cư và khu công nghiệp tập trung được hình thành và phát triển mạnh dọc theo các lưu vực sông. Trong số các nguồn thải phát sinh thì nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn, với tổng lượng các chất ô nhiễm rất cao.

Do đặc điểm điều kiện tự nhiên và tình hình phát triển kinh tế-xã hội thuận lợi, nên tổng số dân khu vực miền Bắc đã lên tới khoảng trên 31 triệu người. Trong đó dân số đô thị lên gần 8,1 triệu, tăng nhanh gấp 3 lần mức tăng dân số cả nước.

Hiện nay, không chỉ ở thành thị, mà ngay cả ở khu vực nông thôn, lượng nước thải cũng chiếm tỷ lệ rất lớn và tăng nhanh qua các năm. Hầu hết nước thải sinh hoạt của các thành phố đều chưa qua xử lý, trực tiếp đổ vào các kênh mương và chảy thẳng ra sông, gây ô nhiễm môi trường nước mặt. Phần lớn các đô thị đều chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung, hoặc đã xây dựng nhưng chưa đi vào hoạt động hay hoạt động không hiệu quả.

Một khúc sông nhìn từ cầu Long Biên xuất hiện những màu xanh do nhiều tảo (Ảnh: Infonet)
Một khúc sông nhìn từ cầu Long Biên xuất hiện những màu xanh do nhiều tảo (Ảnh: Infonet)

Trong lưu vực sông Nhuệ-Đáy, thành phố Hà Nội đóng góp 48,8% tổng các nguồn chất thải. Tổng lượng nước thải từ các nguồn khác nhau của thành phố này khoảng 670.000m3, trong đó có tới hơn 620.000m3 chưa được xử lý xả thẳng vào hệ thống thoát nước. Lượng nước thải còn lại chỉ được xử lý sơ bộ hoặc trong các bể tự hoại, các bể lắng trong các tuyến thoát nước chung.

Nước thải có chất dịch đen gồm các chất thải rất nguy hiểm đối với môi sinh, như lignin, sufua hữu cơ, axit béo, các chất hữu cơ mạch vòng có chứa Clo. Trong khi cả thành phố chỉ có 4 trạm xử lý nước thải tập trung, 1 trạm xử lý nhỏ trong Khu đô thị mới Mỹ Đình với công suất thiết kế 50.000m3/ngày đêm, nhưng hầu hết các trạm đều có tỷ lệ xử lý còn thấp so với yêu cầu.

Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp ở Đồng bằng sông Hồng đã có quá trình lịch sử lâu dài, hình thành nên các trung tâm công nghiệp phân bố chủ yếu ở các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh…Tuy vậy, đến nay vẫn còn tình trạng nhiều khu công nghiệp, nhiều nhà máy lớn xả thải chưa qua xử lý xuống hệ thống sông hồ xung quanh, gây ô nhiễm nguồn nước tại nhiều đoạn sông trên lưu vực.

Đồng bằng sông Hồng là khu vực phát triển trọng điểm của các tỉnh phía Bắc, do vậy cũng là nơi tập trung nhiều bệnh viện tuyến Trung ương, nhiều trung tâm y tế lớn. Đặc biệt, hầu hết các cơ sở y tế với quy mô nhỏ thuộc tuyến địa phương ở đây chưa đầu tư xây dựng hệ thống nước thải. Với lượng nước thải lớn, tổng lượng chất ô nhiễm trong nước thải y tế cao chưa được xử lý, hoặc xử lý không triệt để là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nguồn nước mặt.

Đồng bằng sông Hồng cũng là khu vực tập trung nhiều làng nghề nhất trong cả nước, với gần 900 làng nghề, chiếm xấp xỉ 60% tổng số làng nghề cả nước. Các làng nghề với quy trình sản xuất thủ công, lạc hậu, quy mô nhỏ lẻ, phân tán, phần lớn không có các công trình xử lý nước thải…đã và đang làm cho chất lượng môi trường nước tại nhiều làng nghề suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và trở nên rất bức xúc.

Chỉ tính riêng hơn 880 hộ nấu rượu tại Vân Hà-Bắc Giang, luôn nuôi từ 15.000-20.000 con lợn. Mỗi ngày phát sinh khoảng 1.500m3 nước thải, gần 100m3 rác chủ yếu là phân gia súc, đều đổ trực tiếp ra hệ thống cống rãnh, ao hồ, làm cho hàm lượng các chất ô nhiễm vượt các quy định cho phép nhiều lần, như amoni vượt từ 34,5-96,2 lần; BOD5 từ 7,5-10,1 lần…