Giảm dấu chân sinh thái trong sản xuất và tiêu dùng bia

ThienNhien.Net – Hạn chế sử dụng hóa chất, giảm lượng nước và năng lượng trong quá trình sản xuất, tăng cường tái chế vỏ lon bia, đồng thời tiết giảm tối đa khâu vận chuyển… là những giải pháp hiệu quả giúp giảm dấu chân sinh thái trong sản xuất và tiêu dùng bia.

Sản xuất thân thiện

Thành phần chính của bia là hạt ngũ cốc (thông thường là lúa mạch), hoa bia, men bia và nước, ngoài ra còn có một số phụ gia như ngô, gạo, chất tạo mùi, chất làm trong…

Sẽ thật tuyệt vời nếu một cốc bia được làm ra hoàn toàn bằng những nguyên liệu sạch, song thực tế, để có những hạt ngũ cốc chắc mẩy hay những bông hoa bia không bị sâu bệnh, người nông dân khi trồng cấy đã phải dùng một lượng phân bón, hóa chất đáng kể. Điều này gây ảnh hưởng dài hạn không chỉ tới môi trường tự nhiên mà ngay chính bản thân chất lượng các loại nông sản.

Sử dụng ít phân bón, hóa chất trong trồng trọt sẽ giúp tạo ra những mẻ bia “xanh” hơn (Ảnh minh họa: Holy City Sinner)
Sử dụng ít phân bón, hóa chất trong trồng trọt sẽ giúp tạo ra những mẻ bia “xanh” hơn (Ảnh minh họa: Holy City Sinner)

Cho nên, thay vì đặt lòng tin vào phân hóa học, thuốc trừ sâu, trừ cỏ, diệt nấm…, người nông dân có thể tập trung vào các giải pháp ít rủi ro hơn mà vẫn đem lại hiệu quả, chẳng hạn như lợi dụng thiên địch và ký sinh để kiểm soát côn trùng gây hại, chọn các giống cây trồng có khả năng chống chịu sâu bệnh, diệt cỏ dại tận gốc để làm chậm quá trình phát triển của chúng… Chọn lựa thời điểm phù hợp kết hợp bón, phun đúng cách cũng là những điều cần lưu ý nếu sử dụng phân bón, hóa chất.

Chưa kể, quá trình sản xuất bia còn tiêu tốn một lượng nước lớn vì thành phần chủ yếu của bia là nước (chiếm từ 80 – 90%). Để có được 1.000 lít bia, ước tính cần phải sử dụng tới 8.000 lít nước. Đặc biệt, nước dùng để sản xuất bia phải là nước sạch, nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng bia.

Nước được sử dụng trong đủ mọi công đoạn, bao gồm ngâm ủ hạt, lọc, luộc hèm bia, nấu hoa, làm lạnh, lò hơi và cả trong việc cọ rửa nguyên liệu, máy móc, thiết bị, vệ sinh nhà xưởng. Vì thế, không thể ép các nhà sản xuất bia phải cắt nước ở khâu này hay khâu khác mà cách tốt nhất là nâng cao ý thức tiết kiệm nước cho cán bộ, công nhân viên trong nhà máy, kêu gọi họ tận dụng triệt để lượng nước trong quá trình sản xuất bia.

Đồng thời, dấu chân sinh thái cũng sẽ nhỏ hơn nếu các hãng bia nỗ lực hạn chế việc sử dụng năng lượng và/hoặc tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhất là trong công đoạn nấu hoa – khâu tốn kém năng lượng nhất trong cả quy trình. Đây là lúc họ có thể nghĩ đến các phương pháp giảm năng lượng phổ biến hiện nay như dùng bộ gia nhiệt nhằm tận dụng hơi nước bốc ra từ nồi nấu hoa khi dịch bia sôi để quay lại gia nhiệt dịch, góp phần giảm bớt lượng dầu dùng đun sôi dịch bia, tận dụng lượng nước ngưng trong quá trình trao đổi nhiệt chuyển về cho lò hơi nhằm giảm lượng tiêu thụ dầu để đun nóng lò hơi, tận dụng nguồn khí biogas thải ra bể yếm khí trong quá trình xử lý nước thải để sử dụng cho lò hơi đốt khí…

Ngoài ra, việc lắp đặt hệ thống quang điện, phong điện hay điện địa nhiệt cũng sẽ giúp các nhà sản xuất vừa giảm được lượng tiêu thụ điện, vừa hạn chế được lượng khí thải có hại cho môi trường.

Tiêu dùng thân thiện

Người tiêu dùng được khuyến khích mua các loại bia được sản xuất tại địa phương hoặc nơi gần địa phương mình nhất vì điều này sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng cho khâu vận chuyển, từ đó giảm lượng phát thải từ các phương tiện vận chuyển, phân phối bia.

Thêm nữa, người tiêu dùng cũng nên có ý thức trả lại vỏ lon/chai bia khi sử dụng xong để tránh một lượng rác lớn bị thải ra môi trường. Đổi lại, nhà sản xuất cần đầu tư vào tái chế, tái sử dụng các vỏ lon/chai bia này nhằm giảm chi phí cho khâu đóng gói, đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường.

Cùng với đó, các hãng bia có thể nghĩ đến việc sản xuất bia đóng hộp thay cho chai thủy tinh. Đây là giải pháp đã được một số hãng bia lớn trên thế giới như Molson Coors, Anheuser-Busch… áp dụng. Bia đóng hộp thân thiện hơn đóng bằng chai thủy tinh, bởi trọng lượng của hộp nhẹ hơn thủy tinh và hộp dễ sắp xếp hơn giúp cho khâu phân phối, vận chuyển trở nên hiệu quả hơn.

Và để bia không chỉ thân thiện hơn với môi trường mà còn ít gây hại tới sức khỏe, người tiêu dùng không nên uống quá 0,5 lít/ngày đối với đàn ông và 0,33 lít/ngày đối với phụ nữ…