Số phận 65 doanh nghiệp sẽ ra sao khi đóng cửa rừng?

ThienNhien.Net – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, trong năm 2014 sẽ kiên quyết đóng cửa rừng, không cho khai thác nữa. Thủ tướng yêu cầu cầu chuyển đổi 65 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ rừng tự nhiên sang mô hình hoạt động khác.

Phát biểu kết luận tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ về nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết hiện nay cả nước có tổng cộng 10,5 triệu héc ta rừng tự nhiên. Trong đó có 2 triệu héc ta rừng đặc dụng, 4 triệu héc ta rừng phòng hộ, đây là diện tích cấm khai thác, còn lại 4,5 triệu héc ta rừng tự nhiên nhưng cho khai thác có kế hoạch (gắn với 65 doanh nghiệp với tổng số lao động là 3.000 người).

Theo tính toán, việc đóng cửa rừng sẽ giảm thu khoảng hơn 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ quan điểm, trong năm 2014 sẽ kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên, không cho khai thác nữa và đề nghị các địa phương nhất quán việc này trong năm 2014.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan tập trung chuyển đổi 65 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ rừng tự nhiên sang mô hình các đơn vị công ích sự nghiệp có thu, sắp xếp và bố trí công việc, giải quyết chính sách cho 3.000 lao động đang làm việc tài 65 công ty này.

65 doanh nghiệp sẽ phải chuyển đổi mô hình hoạt động khi đóng cửa rừng (Ảnh minh họa: VnMedia)
65 doanh nghiệp sẽ phải chuyển đổi mô hình hoạt động khi đóng cửa rừng (Ảnh minh họa: VnMedia) 

Theo Thủ tướng: “Việc bố trí lại 65 doanh nghiệp chỉ làm giảm thu 220 tỷ đồng, đây là số tiền không lớn và chỉ sắp xếp khoảng 3.000 lao động thì chúng ta đều có thể làm được. Như Vinashin trước đây có hơn 10.000 lao động dôi dư mà chúng ta còn sắp xếp được”.

Trước đó, chủ trì cuộc họp hồi tháng 10/2012 của Ban Chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ – phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đặc biệt nhấn mạnh tới nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên, chấn chỉnh vấn đề khai thác gỗ. Đây cũng là vấn đề được nhiều ý kiến tại cuộc họp đề cập đến.

Trước thực tế diện tích rừng giàu, có trữ lượng gỗ chỉ chiếm lượng khá nhỏ, trong khi khi rừng nghèo, rừng non phục hồi và rừng hỗn giao chiếm tới 80%; Công tác quản lý rừng khá lỏng lẻo, rừng tự nhiên bị khai thác quá lớn, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước đã thực hiện một loạt các chỉ đạo cần thiết nhằm chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xây dựng một Đề án riêng đưa ra những phương án phù hợp về khai thác gỗ rừng tự nhiện giai đoạn 2013-2020.

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã cho ý kiến chỉ đạo việc tổng kết Nghị quyết 28 về quản lý nông, lâm trường quốc doanh, xây dựng Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của kiểm lâm giai đoạn đến năm 2020…