Thủy điện gây ngập lụt hạ du?

ThienNhien.Net – Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm thời gian qua là lũ lụt tại miền Trung làm hơn 40 người dân thiệt mạng, không ít ý kiến cho rằng có nguyên nhân do thủy điện xả lũ.

Sáng 25/11, Bộ Công Thương đã có cuộc làm việc với các nhà đầu tư thủy điện vừa và nhỏ; các bộ, ngành và 8 tỉnh khu vực miền Trung nơi có nhiều dự án thủy điện.

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm thời gian qua là lũ lụt tại miền Trung làm hơn 40 người dân thiệt mạng, không ít ý kiến cho rằng có nguyên nhân do thủy điện xả lũ.

Về vấn đề này, báo cáo của EVN và của các địa phương khẳng định: Việc vận hành các hồ chứa thủy điện lớn ở khu vực miền Trung đã được thực hiện theo đúng quy trình vận hành liên hồ chứa và quy trình vận hành của từng hồ đã được phê duyệt. Việc xả lũ của những thủy điện này không gây thêm lũ cho hạ du, mà đã góp phần cắt giảm đỉnh lũ từ thượng nguồn.

Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương Bùi Minh Tăng cho biết: Đợt lũ vừa qua ở miền Trung diễn biến bất thường. Trận lũ ngày 15/11 chỉ diễn ra trên hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định với cường độ nhanh; vùng hạ du mưa nhỏ, vùng thượng nguồn mưa lớn, có nơi 2.300mm, phổ biến 500-1.000mm.

Với địa hình dốc, cường độ mưa nhanh, cao, khi lũ về vào ban đêm gây khó khăn cho việc di dời của bà con dù trước đó 1,5 ngày, thông tin cảnh báo mưa lũ đã được phát đi từ Trung tâm Phòng chống bão lụt. Trước những ý kiến cho biết không nhận được thông tin cảnh báo, ông Tăng đề nghị xem xét lại hệ thống thông tin đến tận thôn xóm để người dân nhanh chóng tiếp nhận.

Đại diện tỉnh Quảng Ngãi – địa phương có 15 người thiệt mạng, 62 người bị thương – cho biết: Đa số người thiệt mạng do chủ quan, bởi tai nạn không xảy ra ở nơi có lũ lớn mà chủ yếu sau khi nước rút. Đại diện tỉnh Quảng Ngãi cũng đề nghị cần duy trì hệ thống cảnh báo bằng kẻng, hệ thống loa phát thanh cho bà con tránh lũ, bởi khi nước lũ lên, điện mất, điện thoại không hoạt động, trong khi các ngả đường tê liệt.

Cũng về vấn đề này, đại diện tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng: Chúng ta đang sống trong thời kỳ biến đổi khí hậu, những tính toán thoát lũ trước đây không còn phù hợp, nay các dòng chảy đánh vào vùng dân cư mà trước đây vốn ổn định.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chủ trì cuộc họp (Ảnh VGP/Quỳnh Hoa)
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chủ trì cuộc họp (Ảnh VGP/Quỳnh Hoa)

Kiểm soát chặt chẽ lũ vùng hạ du

Đưa ra các giải pháp đảm bảo đời sống người dân hạ du khu vực miền Trung-Tây Nguyên, đại diện Cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) cho biết: Bộ đã thành lập phương án lũ lụt cho vùng hạ du với việc xây dựng bản đồ ngập úng tương ứng với các trường hợp lũ lụt do mưa lớn, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, tăng cường năng lực dự báo.

Còn đại diện Bộ TNMT cho hay, Bộ sẽ sớm ban hành quy trình các liên hồ chứa, tăng mật độ các trạm quan trắc dự báo. Đồng thời đề nghị các chủ hồ cũng cần nâng cao khả năng dự báo của mình bởi ngành Thủy văn không thể đảm đương trách nhiệm thông báo mực nước của từng hồ. Ngoài ra người chỉ huy của các hồ cũng phải đảm bảo năng lực và quyết đoán, bởi trong thực tế đã có trường hợp dự báo được đỉnh lũ về nhưng chủ hồ vẫn phân vân có xả hay không.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Bộ sẽ tiếp tục rà soát và điều chỉnh bổ sung quy trình vận hành hồ chứa phù hợp với thực tế, theo đó, quy trình vận hành các hồ đơn sẽ được làm ngay, với các hồ chứa dưới 1 triệu m3 giao cho ngành Tài nguyên môi trường địa phương rà soát chỉnh sửa.

Bộ trưởng Hoàng cũng đề nghị Bộ TNMT phối hợp chặt chẽ điều hành các hồ đặc biệt trong mùa kiệt, đảm bảo nguồn nước phục vụ cho đời sống nhân dân và cho sản xuất vùng hạ du. Tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc, góp phần làm tốt hơn công tác dự báo. Đồng thời, ông đề nghị Bộ Xây dựng có hướng dẫn đầy đủ xung quanh đảm bảo chất lượng công trình thủy điện, đặc biệt vấn đề an toàn đập.

Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư rà soát lại các quy trình, thực hiện hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ trong vấn đề bảo đảm tái định cư cho người dân, hỗ trợ cùng địa phương đầu tư hệ thống thông tin cảnh báo sớm đến người dân tránh lũ.

Dừng dự án thủy điện không đủ năng lực

Về quy hoạch hệ thống thủy điện, Bộ trưởng cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung sửa đổi quy hoạch thủy điện đảm bảo hiệu quả tổng hợp KTXH. Theo đó, các dự án đã cấp phép chưa triển khai nếu không đủ năng lực quản lý tài chính, vận hành sẽ bị thu hồi. Với các dự án đã hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành hoặc chuẩn bị vận hành nhưng chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu của pháp luật như vấn đề quy trình vận hành, cắm mốc an toàn đập, Cục Điều tiết Điện lực sẽ không cho phép phát điện.

Cũng về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Thủy điện (Tổng Cục năng lượng) Đỗ Đức Quân cho biết: Cả nước hiện đang vận hành 268 dự án thủy điện, đang thi công xây dựng 205 dự án. Trong đó khu vực miền Trung-Tây Nguyên có 118 dự án đã vận hành, đang thi công 75 dự án. Việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển KTXH…

Ông Quân cho biết thêm, hạn chế của các dự án thủy điện chủ yếu đến từ các thủy điện nhỏ. Những dự án này thường lựa chọn chủ đầu tư thiếu chặt chẽ, nhiều nhà đầu tư yếu cả về năng lực tài chính và năng lực quản lý dự án. Công tác quản lý chất lượng công trình này cũng chưa được thực hiện đầy đủ, đặc biệt việc quản lý an toàn đập chưa tuân thủ nghiêm túc theo quy định của pháp luật…