Có dung túng vi phạm về môi trường!

ThienNhien.Net – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bà Lê Thị Nga, khẳng định như vậy đối với nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng pháp luật bảo vệ môi trường trước khi Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) được Quốc hội đưa ra thảo luận trong tuần này.

Phóng viên: Hàng loạt vụ vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường xảy ra trong thời gian dài nhưng chẳng thấy cơ sở nào bị đóng cửa, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm hình sự, thưa bà?

– Bà Lê Thị Nga: Thực trạng vi phạm pháp luật về môi trường là đáng báo động vì đã gây ra nhiều hậu quả. Điển hình như các vụ Vedan, TungKuang Hải Dương, Nicotex Thanh Thái (Thanh Hóa), một số công trình thủy điện vừa và nhỏ gây động đất kích thích, vỡ đập, xả lũ làm biến đổi dòng chảy, tàn phá rừng miền Trung, Tây Nguyên… Để xảy ra tình trạng này là do Luật Bảo vệ Môi trường đã không được chấp hành nghiêm, trước hết là ở những người thực thi công vụ.

Pháp luật về cơ bản chẳng có gì vướng, vấn đề là cơ quan chức năng các địa phương không áp dụng. Nhiều nơi cho rằng những vụ vi phạm pháp luật về môi trường không xử lý được là do không có trách nhiệm của pháp nhân. Thực tế, nếu có trách nhiệm hình sự của pháp nhân thì cuối cùng cũng chỉ đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động và bồi thường. Như thế cũng không bỏ tù được pháp nhân mà hình phạt nặng nhất cũng chỉ là đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động rồi bồi thường.

Những vụ vừa qua, chưa có cơ sở nào bị đình chỉ hoạt động, kể cả sai phạm nghiêm trọng như Vedan. Còn theo luật định thì trách nhiệm hành chính của pháp nhân không thay thế cho trách nhiệm hình sự của những cá nhân có lỗi và làm sai trong pháp nhân đó.

Bà có thể dẫn ví dụ cụ thể pháp luật không được thực hiện nghiêm dẫn đến doanh nghiệp “vô can”?

– Đối với trường hợp nhiều doanh nghiệp vi phạm xả thải ra một dòng sông còn khó “phân chia” trách nhiệm, chứ sai phạm hiển nhiên như Công ty Nicotex Thanh Thái đủ căn cứ khởi tố hình sự. Luật Bảo vệ Môi trường hiện hành đã quy định cụ thể vi phạm “đặc biệt nghiêm trọng” là sử dụng hóa chất độc hại gấp 5-10 lần so với quy định nhưng Nicotex Thanh Thái vi phạm tới 9.000 lần thì tại sao không khởi tố? Chí ít là cũng khởi tố vụ án.

Chắc chắn những vụ vi phạm với thủ đoạn tinh vi, có tổ chức, một người không thể tự làm và “một mình chịu tội” như Vedan, Hào Dương có hệ thống xả thải ngầm, xả thải ban đêm, hệ thống xả thải song song, xả thải vào đường thoát của nước mưa… trong thời gian dài. Hay thủ đoạn tinh vi, có tổ chức của Nicotex Thanh Thái chôn hóa chất độc hại kèm muối, vôi bột nhằm làm cho các vỏ thùng chứa hóa chất nhanh hoen gỉ để che giấu hành vi.

Khai quật hố chôn thuốc trừ sâu của Công ty Nicotex Thanh Thái. Đây là vụ vi phạm pháp luật môi trường nghiêm trọng (Ảnh: Tuấn Minh/www.nld.com.vn)
Khai quật hố chôn thuốc trừ sâu của Công ty Nicotex Thanh Thái. Đây là vụ vi phạm pháp luật môi trường nghiêm trọng (Ảnh: Tuấn Minh/www.nld.com.vn)

Vậy, vụ Nicotex Thanh Thái, Hào Dương có thể khởi tố hình sự được?

– Hành vi vi phạm pháp luật của Nicotex Thanh Thái đủ yếu tố khởi tố vụ án. Còn Hào Dương tôi chưa nghiên cứu kỹ nhưng tối thiểu thì có thể đình chỉ hoạt động. Vụ Hào Dương, nhiều chuyên gia hình sự đã chỉ ra những căn cứ để khởi tố.

Vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội (QH) đề nghị phải điều tra, thậm chí truy tố hình sự các thủy điện xả lũ sai?

– Trước hết, phải đi vào cụ thể từng thủy điện để xác định có xả sai hay không. Cụ thể như thủy điện An Khê – Ka Nak vỡ thì phải kiểm tra làm rõ, từ những vi phạm (nếu có) để xác định trách nhiệm.

Theo bà, đâu là nguyên nhân dẫn đến nhiều doanh nghiệp “đứng ngoài vòng pháp luật” trong thời gian dài?

– Tôi nói thẳng ở đây có sự thiếu trách nhiệm, dung túng, bao che. Những vụ vi phạm nghiêm trọng bị phanh phui vừa qua không thể nói là không dính dáng đến các chức danh quản lý ở địa phương, kể cả trung ương và của cán bộ môi trường, cán bộ thanh tra, kiểm tra đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí có cả dấu hiệu vụ lợi, bảo kê hoặc làm ngơ, tiếp tay cho vi phạm.

Việc không giải quyết thỏa đáng khiếu nại, tố cáo của người dân, trong đó có vụ đã tố cáo hàng chục năm, làm cho người dân phản ứng, nghi ngờ về tính công minh của pháp luật, thậm chí nghi ngờ cả việc cơ quan chức năng bao che, biện minh cho vi phạm, cho tẩu tán tang vật. Nicotex Thanh Thái, Hào Dương là 2 vụ gần đây nhất đang được công luận nghi vấn nhiều, Chính phủ cần sớm trả lời.

Có thể nói thực trạng buông lỏng quản lý, dung túng, bao che nêu trên là một nguyên nhân dẫn đến những vụ hàng trăm người dân phản ứng tự phát, tụ tập, bao vây các cơ sở gây ô nhiễm, tự thu thập chứng cứ, bảo vệ hiện trường hoặc có những hành động vượt quy định cho phép.

Bà kiến nghị giải pháp nào cho việc lập lại trật tự pháp luật bảo vệ môi trường?

– Trước hết, tôi đề nghị Chính phủ thay vì quy lỗi cho thể chế, cho luật thì hãy thực hiện nghiêm các quy định hiện hành, nhất là Luật Bảo vệ Môi trường. Đồng thời, quy rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm cả về hành chính và hình sự không chỉ đối với người trực tiếp vi phạm mà cả những tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý nhà nước. Trước mắt, cần làm ngay đối với các vụ đại biểu QH và cử tri đang bức xúc hiện nay.

Bên cạnh đó, từ thực tế người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc tự bảo vệ, tự thu thập chứng cứ để theo đuổi các vụ kiện, đề nghị QH giao cho Chính phủ chủ trì phối hợp với MTTQ, Hội Nông dân, các tổ chức luật sư, luật gia xây dựng một cơ chế hữu hiệu hỗ trợ người dân cả về pháp lý lẫn khắc phục hậu quả ổn định đời sống, nhất thiết không để người dân rơi vào tình trạng không được bảo vệ và hành động tự phát. Đặc biệt, cần tăng thẩm quyền và kiện toàn tổ chức, phương tiện làm việc cho cảnh sát môi trường.

Bên cạnh đó, VKSND Tối cao, Bộ Công an cần tổ chức nghiên cứu bài bản về xu hướng, dự báo quy luật của vi phạm, tội phạm về môi trường, đề ra giải pháp phòng, chống và báo cáo QH để tránh trường hợp chạy theo xử lý vụ việc như vừa qua.

Tuần này, biểu quyết thông qua Hiến pháp

Tuần này, QH dự kiến dành toàn bộ thời gian cho công tác lập pháp với việc biểu quyết thông qua hàng loạt luật: Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Luật Tiếp công dân, Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Đặc biệt, ngày 28-11, biểu quyết thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trước đó, QH sẽ nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu QH về những vấn đề còn ý kiến khác nhau trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Sau đó, QH biểu quyết dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).

Dự kiến, Luật Đất đai (sửa đổi) được biểu quyết thông qua ngày 29-11.

Ngoài ra, QH cũng dành thời gian thảo luận về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi), Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Đầu tư công, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật Phá sản (sửa đổi). QH cũng sẽ biểu quyết thông qua một số nghị quyết quan trọng khác.