Vỡ quy hoạch cao su: Địa phương có trách nhiệm

ThienNhien.Net – Dư luận nói nhiều về tình trạng thuốc kích thích, thuốc bảo vệ thực vật giả giúp trồng rau muống siêu tốc, ngọn su su dài hơn chục cen-ti-mét chỉ trong một đêm.

“Bộ trưởng chỉ làm tổng thể, chính sách chứ không thể đến từng cánh đồng, từng cánh rừng để xem việc trồng như thế có đúng quy hoạch hay không”. Đó là trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát tại phiên chất vấn chiều 19/11 về trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng phá rừng, trồng vượt quy hoạch hơn 100.000 ha cao su.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội (Ảnh: TTXVN)
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội (Ảnh: TTXVN)

Hơn 100.000 ha cao su ngoài luồng

Đề cập đến câu chuyện đua nhau phá rừng trồng cao su dẫn đến vượt quy hoạch hơn 100.000 ha, đại biểu (ĐB) Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị cho biết giải pháp khắc phục và trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trên. Đáp lại, ông Phát cho hay trước đây Chính phủ có chủ trương sử dụng một số diện tích rừng nghèo kiệt, ít giá trị để chuyển sang trồng cao su, tạo điều kiện để người nông dân có công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có sơ hở dẫn đến lạm dụng. “Sau khi Chính phủ có chỉ đạo, chúng tôi đã kiểm tra và chỉ cho phép chuyển đổi rừng sang trồng cao su với những dự án đã được quy hoạch, còn lại là dừng không cho chuyển đổi nữa” – ông Phát nói.

Chưa hài lòng với câu trả lời trên, ông Vở truy tiếp: “Đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ giải pháp xử lý đối với diện tích vượt quy hoạch trên. Thời gian tới có chấm dứt được tình trạng phá rừng trồng cây cao su không? Và trách nhiệm thuộc về ai khi để xảy ra tình trạng này?”.

Đến lúc này ông Phát mới thừa nhận có hơn 100.000 ha cao su trồng vượt quy hoạch nhưng diện tích trồng vượt trên không hẳn do phá rừng mà được trồng trên nhiều diện tích khác nhau, có nơi người dân tự trồng. Riêng về trách nhiệm, ông Phát cho rằng Bộ trưởng chỉ làm tổng thể, chính sách chứ không thể đến từng cánh đồng, từng cánh rừng xem việc trồng các loại cây đó có phù hợp không. Tuy nhiên, về quản lý ngành thì bộ trưởng có trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trên. Ngoài ra, chính quyền các địa phương cũng phải liên đới chịu trách nhiệm. Vì theo quy định, muốn chuyển đổi thì phải được chính quyền cho phép. “Ở đây Bộ và chính quyền các địa phương có trách nhiệm, có thiếu sót trong việc kiểm tra, giám sát” – ông Phát nói.

Rau muống siêu tốc, trách nhiệm Bộ trưởng đến đâu? 

Một nội dung khác cũng được nhiều ĐB nêu câu hỏi chất vấn là tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh), gần đây dư luận nói nhiều về tình trạng thuốc kích thích, thuốc bảo vệ thực vật giả giúp trồng rau muống siêu tốc, ngọn su su dài hơn hàng chục cen-ti-mét chỉ trong một đêm. “Tình trạng này đã diễn ra từ lâu và không những không được khắc phục mà còn nghiêm trọng hơn. Vậy trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu khi để xảy ra tình trạng này?”.

ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) cho rằng nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do Bộ NN&PTNT chậm hoặc chưa ban hành quy chuẩn về sản xuất phân bón dẫn đến nhiều đơn vị sản xuất còn nhiều kẽ hở cho hàng giả, hàng kém chất lượng trôi nổi trên thị trường. “Đề nghị Bộ trưởng khẳng định và hứa với cử tri cả nước khi nào sẽ có bộ quy chuẩn về chất lượng hàng hóa hoàn thiện?” – ông Hoàng đặt vấn đề.

Trả lời câu hỏi trên, ông Phát nhìn nhận qua kiểm tra trên thị trường đang lưu hành số lượng lớn phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi kém, có loại làm giả, hàng lậu ngoài danh mục. Từ nhiều năm nay, Bộ xác định quản lý thức ăn, an toàn thực phẩm là nhiệm vụ hàng đầu. Hàng tháng, Bộ đều họp để kiểm điểm và đôn đốc công tác quản lý trên. Tuy vậy, công tác này dù có chuyển biến nhưng chưa nhiều.

Không hứa khi nào sẽ hoàn thành bộ quy chuẩn về hàng hóa, phân bón… nhưng ông Phát cho hay sẽ phấn đấu thực hiện nhiều nhóm giải pháp trong thời gian tới là: Hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng các tiêu chuẩn, chấn chỉnh bộ máy quản lý chất lượng vật tư, thanh kiểm tra toàn quốc và tăng cường tuyên truyền, phổ biến cũng như xử lý nghiêm với những người làm ăn bất chính…

Đề nghị bộ trưởng thể hiện rõ chính kiến

Trả lời câu hỏi của ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) về quan điểm của mình khi đường trong nước đang tồn kho lớn nhưng Bộ Công Thương lại cho phép Công ty Hoàng Anh Gia Lai nhập 3.000 tấn đường, bịt con đường xuất khẩu trong nước, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết “sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để xem xét kỹ vấn đề này trên tinh thần có lợi cho nông dân”.

Không hài lòng với cách trả lời trên, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đề nghị bộ trưởng thể hiện rõ chính kiến của mình về việc nhập 3.000 tấn đường trên. Tuy nhiên, do thời gian đã hết nên Bộ trưởng Phát chưa trả lời câu hỏi này. Theo chương trình hôm nay (20/11), Bộ trưởng Cao Đức Phát sẽ tiếp tục trả lời chất vấn các ĐB. Tiếp đó, Bộ trưởng Nội vụ sẽ đăng đàn.