Sao không trả nợ rừng?

ThienNhien.Net – Lấy mất hàng ngàn hecta rừng nhưng các thủy điện lại không chịu trả phí dịch vụ môi trường và trồng trả lại rừng theo quy định

Theo ông Mai Tấn Lên, Giám đốc Quỹ Bảo vệ – Phát triển rừng Phú Yên, hiện 2 nhà máy thủy điện Sông Hinh và Krông H’năng vẫn chưa chịu trả phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trong suốt 3 năm qua. Phí DVMTR đã được Chính phủ quy định và có hiệu lực từ ngày 01/01/2011.

Dây dưa hàng chục tỉ đồng

Theo quy định, phí DVMTR được thu để chi trả cho chủ rừng nằm trong lưu vực mà chủ đầu tư dự án thủy điện đang được thụ hưởng. Theo UBND tỉnh Phú Yên, phí này hiện được tạm tính 20 đồng/KWh. Ông Huỳnh Xuân Sơn, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên, cho biết tỉnh đã có văn bản yêu cầu phải nộp đủ phí DVMTR nhưng 2 nhà máy thủy điện Sông Hinh và Krông H’năng vẫn chây ì.

Hồ thủy điện Sông Ba Hạ ngập xác cây rừng (Ảnh: Hồng Ánh/www.nld.com.vn)
Hồ thủy điện Sông Ba Hạ ngập xác cây rừng (Ảnh: Hồng Ánh/www.nld.com.vn)

Ba năm qua, dựa trên sản lượng điện sản xuất hằng năm, 3 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động ở Phú Yên là Sông Ba Hạ, Sông Hinh và Krông H’Năng phải nộp phí DVMTR lên đến trên 70 tỉ đồng. Thế nhưng, hiện chỉ có Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ đã nộp đủ – gần 36 tỉ đồng. “Hai nhà máy thủy điện còn lại chưa nộp đồng nào. Họ phải biết nguồn nước để chạy ra điện lấy từ đâu và phải có trách nhiệm với chủ rừng chứ?” – ông Lên băn khoăn.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Sông Ba (chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Krông H’năng), than vãn: “Năm nay khô hạn quá, không đủ nước chạy điện, chúng tôi còn phải vay thêm tiền để hoạt động nên chưa thể trả phí được”. Ông Phong hứa trong tuần này sẽ sắp xếp trả dần khoảng 400 triệu đồng phí DVMTR, 9,6 tỉ đồng còn lại phải khất đến năm 2014.

Trong khi đó, ông Võ Thành Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Sông Hinh), cho rằng công ty chưa trả phí là do chưa hợp đồng được giá bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam. “Chúng tôi đang sống dở, chết dở vì từ năm 2010 đến nay chưa ký được hợp đồng bán điện, chỉ mới tạm tính giá điện để nộp thuế thôi” – ông nói.

Theo ông Trung, cả Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn ở Bình Định do công ty của ông làm chủ đầu tư cũng chưa nộp đồng phí DVMTR nào suốt 3 năm nay.

Phá 2.400 ha, trồng lại… 22 ha!

Để xây dựng 3 nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh và Krông H’năng, các chủ đầu tư đã phá trắng trên 2.400 ha rừng, chủ yếu là rừng đặc dụng và phòng hộ. Trong đó, riêng thủy điện Sông Hinh đã “nuốt” gần 1.900 ha rừng phòng hộ. Theo quy định, các chủ đầu tư phải trồng lại đúng số rừng đã mất. Thế nhưng, 4 năm qua, chỉ có… 22 ha rừng được trồng mới.

Giải thích về điều này, ông Phạm Phong đổ lỗi cho chính quyền địa phương không bố trí đất để trồng lại rừng. “Chẳng ai cấp đất, chúng tôi phải mày mò, tự trồng rừng dần dần” – ông phân bua. Hiện Nhà máy Thủy điện Krông H’năng mới trồng được 7 ha rừng, dự kiến sẽ trồng thêm khoảng 15 ha trong năm nay.

Ông Đặng Văn Tuần, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ, cũng cho rằng công ty đang vướng ở khâu tìm đất. “Vì không có đất nên chúng tôi đã đề xuất quy đổi việc trồng rừng ra tiền để nộp nhưng chưa được tỉnh chấp thuận” – ông nói. Theo ông Đỗ Duy Vinh, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Phú Yên, tỉnh chưa đồng ý quy đổi ra tiền vì muốn nhà đầu tư phải có trách nhiệm với rừng trồng lại.

“Đâu phải trồng lại là xong, rồi bỏ đó, rừng sống chết không quan tâm? Chúng tôi muốn nhà đầu tư bảo đảm rừng lên xanh rồi tỉnh mới nghiệm thu” – ông Vinh giải thích. Theo ông, UBND tỉnh Phú Yên đang giao các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục tìm đất để chủ đầu tư các thủy điện trồng lại rừng.

Trong khi đó, ông Hoa Minh Châu, Trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Sông Hinh, địa phương đặt cả 3 dự án thủy điện nêu trên, cho biết huyện chẳng còn quỹ đất để bố trí trồng lại rừng. “Thủy điện lấy hết đất rồi!” – ông khẳng định.

Gửi ngân hàng, không muốn nộp?

Theo ông Mai Tấn Lên, với tình hình hoạt động lâu nay, các nhà máy thủy điện ở Phú Yên không khó khăn đến mức phải nợ phí DVMTR. “Họ nợ là vì không muốn nộp. Cơ chế xử phạt những chủ đầu tư chậm nộp phí không rõ ràng nên họ cứ đem tiền ấy gửi ngân hàng lấy lãi rồi để dây dưa. Để cấp nước cho họ chạy máy phát điện, chủ mỗi hecta rừng chỉ nhận được 20 đồng/KWh, vậy mà họ cũng không nộp” – ông Lên bức xúc.