Quy định chặt chẽ về thu hồi đất để tránh lạm dụng

ThienNhien.Net – Tuần này, Quốc hội sẽ thảo luận ở Hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật Đất đai sửa đổi. Một trong những nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 còn khiến nhiều đại biểu băn khoăn khi thảo luận ở tổ là hiến định thu hồi đất.

Trao đổi với phóng viên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, ĐB Quốc hội TP Hà Nội Đinh Xuân Thảo bày tỏ, quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân nên Hiến pháp cần phải quy định chặt chẽ những trường hợp thu hồi.

Thưa ông, tuần này, Quốc hội sẽ thảo luận về Luật Đất đai sửa đổi, và có thể sẽ thông qua kỳ họp lần này. Theo ông, chúng ta kỳ vọng gì ở Luật Đất đai sửa đổi lần này? 

Ông Đinh Xuân Thảo: Luật Đất đai chỉnh sửa trên cơ sở đóng góp của người dân và các ĐBQH từ Kỳ họp thứ 5, đặc biệt là phải liên thông thống nhất với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Lần này, trong Dự thảo sửa đổi cũng quy định đất là sở hữu toàn dân do Nhà nước chủ sở hữu quản lý. Nhưng đất đai được Nhà nước giao, cho thuê hoặc tổ chức, cá nhân thuê lại, mua lại, thì quyền sử dụng đất (QSDĐ) là tài sản của tổ chức, cá nhân và được pháp luật bảo hộ. Một cái mới nữa là bổ sung cho phù hợp với Luật Đất đai là trưng dụng đất. Theo luật trước đây, không có trưng dụng đất, vì quan niệm đất là của Nhà nước, Nhà nước đại diện chủ sở hữu không phải trưng mua trưng dụng cái của mình, giờ đây xác định tính chất QSDĐ như là sử dụng một tài sản đặc biệt nên Nhà nước cần sử dụng thì vẫn phải trưng dụng và bồi thường.

Trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bổ sung lần này cũng nói rất rõ điều kiện để thu hồi đất của tổ chức hay cá nhân đang sử dụng chỉ trong “trường hợp thật cần thiết” thôi. “Trường hợp cần thiết” ở đây được hiểu là vì lý do quốc phòng – an ninh, lý do lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng, các dự án phát triển kinh tế xã hội. Điều này có nghĩa là trước khi thu hồi đất cần phải có tính toán, xét duyệt kỹ càng, không tiến hành ào ào được.

Ảnh minh họa: ThienNhien.Net
Ảnh minh họa: ThienNhien.Net

Một trong những vấn đề quan tâm nhất của người dân đối với lần sửa đổi Hiến pháp kỳ này là vấn đề thu hồi đất. Đối với việc thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế – xã hội, còn nhiều ý kiến băn khoăn và chưa thật sự đồng tình? Vậy, Quốc hội sẽ xem xét thế nào?

Ông Đinh Xuân Thảo: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 khẳng định, các dự án phát triển kinh tế – xã hội muốn thu hồi đất phải đáp ứng 3 yêu cầu. Thứ nhất, đó là dự án ở tầm quốc gia, được Quốc hội phê duyệt chủ trương; Thứ hai, các dự án do Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư. Thứ ba, các dự án kinh tế – xã hội phải được Hội đồng Nhân dân tỉnh phê duyệt .

Thu hồi thì giá thế nào? Áp giá thế nào? Những trường hợp thu hồi đất theo biện pháp hành chính là áp giá theo khung giá Nhà nước quy định, còn lại thì đều phải theo giá thị trường, không được thấp hơn bảng giá của địa phương quy định.

Định giá thế nào, phải có tổ chức định giá độc lập, đây là cái mới. Thứ hai là hỗ trợ, ngoài giá hỗ trợ có thể ví dụ hỗ trợ dạy nghề, việc làm và đặc biệt là tái định cư lần này phải minh bạch công khai giá. Trước khi dự án chuẩn bị được triển khai thu hồi là phải có dự án tái định cư cho người ta biết rõ thời gian hoàn thành, địa điểm ở đâu, giá thế nào… trong trường hợp nếu tái định cư giá cao hơn số tiền người ta được đền bù thì trong trường hợp đó Nhà nước phải bù vào một khoản tiền cho người dân, đó là những cái mới rất tiến bộ được đưa vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 liên quan đến đất đai.

Nhưng thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, cần thêm thời gian để tổng kết vấn đề thu hồi đất của Luật Đất đai rồi mới đưa nội dung này vào Hiến pháp?

Ông Đinh Xuân Thảo: Lần này có một thuận lợi lớn là Quốc hội sẽ đồng thời thông qua Hiến pháp sửa đổi và Luật Đất đai sửa đổi (chỉ cách nhau 1 ngày), vì thế khi thảo luận về 2 văn bản quan trọng này để bấm nút thông qua, ĐBQH sẽ xem xét kỹ càng sự tương thích giữa quy định chung trong Hiến pháp và quy định cụ thể trong Luật Đất đai sửa đổi. Tôi nhận thấy giữa quy định của Điều 53, Điều 54 Hiến pháp sửa đổi so với Điều 61, Điều 62 của Luật Đất đai sửa đổi đã có sự gắn kết chặt chẽ. Ví dụ, bên Hiến pháp sửa đổi quy định thu hồi đất vì mục đích an ninh – quốc phòng thì trong Luật Đất đai sửa đổi phải kể rõ các trường hợp thu hồi này. Tương tự, Hiến pháp sửa đổi nói thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế – xã hội thì bên Luật Đất đai sửa đổi cũng phải đưa ra các trường hợp cụ thể chứ không phải là sau này mới tùy tiện quy định. Luật Đất đai sửa đổi sẽ quy định rất cụ thể các trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế.

Xin cảm ơn ông!