Làm rõ trách nhiệm ở 2 dự án thủy điện ở Đồng Nai

ThienNhien.Net – Hai dự án này đã được loại khỏi quy hoạch mặc dù trước đó đã nhiều lần đưa vào quy hoạch.

Trước Quốc hội sáng 30/10, trình bày Báo cáo thẩm tra quy hoạch tổng thể về thủy điện, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết: Trong thời gian qua, dự án TĐ Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A đã nhận được sự quan tâm của nhiều vị ĐBQH và dư luận xã hội. Hai dự án này đã được loại khỏi quy hoạch mặc dù trước đó đã nhiều lần đưa vào quy hoạch. Vì thế, Báo cáo cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc để hạn chế thất thoát và lãng phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.

  Thượng nguồn sông Đồng Nai , đoạn dự tính xây thủy điện (Ảnh: www.nld.com.vn)

Thượng nguồn sông Đồng Nai , đoạn dự tính xây thủy điện (Ảnh: www.nld.com.vn)

“Qua các văn bản, báo cáo có liên quan đến hai dự án này, Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy cần thiết phải nghiên cứu, xem xét, sửa đổi quy định về quy trình lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho phù hợp” – ông Dũng nhấn mạnh.

Buông lỏng quản lý chất lượng xây dựng hồ đập

Theo Nghị quyết số 40/2012/QH13 ngày 23/11/2012, Quốc hội yêu cầu: “Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát quy hoạch tổng thể về thủy điện để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-11/2013), trong đó xác định rõ các dự án phải dừng, các dự án phải điều chỉnh, các dự án được tiếp tục triển khai; có biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối các công trình thủy điện, trồng rừng thay thế.

Dựa trên các tiêu chí xem xét, đánh giá, kết quả rà soát quy hoạch trong Báo cáo của Chính phủ cho thấy đã: Loại bỏ 424 dự án; Không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng; Tạm dừng có thời hạn 136 dự án; Tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án.

Như vậy, cả nước hiện còn lại 815 dự án, công trình TĐ (Nlm =24.334 MW); đang vận hành 268 dự án (14.240MW), đang thi công xây dựng và dự kiến khai thác từ nay đến năm 2017 là 205 dự án (6.198MW).

Từ kết quả rà soát quy hoạch, nhiều ý kiến cho rằng: Trước sức ép thu hút đầu tư đáp ứng yêu cầu về năng lượng cho phát triển tương đối nóng trong thời gian vừa qua, chất lượng quy hoạch TĐ, đặc biệt là TĐ nhỏ còn hạn chế; không ít dự án bị loại bỏ, thiếu khả thi, phải điều chỉnh sơ đồ khai thác và quy mô trong quá trình đầu tư; số lượng dự án TĐ nhỏ là khá lớn nhưng đóng góp không nhiều về công suất phát điện. Khoảng 34% tổng số dự án TĐ vừa và nhỏ phải loại bỏ khỏi quy hoạch. Nếu tính thêm số các dự án tạm dừng, tiếp tục đánh giá thêm tác động môi trường, KT-XH và hiệu quả đầu tư thì quy hoạch TĐ nhỏ sẽ bị điều chỉnh khá nhiều. Có trường hợp trên cùng lưu vực sông, nhiều dự án TĐ lớn và nhỏ đều bị loại bỏ hoặc phải tiếp tục rà soát. Gần 90% số các dự án trong quy hoạch là TĐ nhỏ nhưng đóng góp về tổng công suất của các dự án này chỉ chiếm khoảng 26% và tỷ trọng này sẽ thấp hơn nữa nếu một số dự án tiếp tục bị loại bỏ khỏi quy hoạch. Các dự án, vị trí TĐ tiềm năng bị đưa ra khỏi quy hoạch vì một số lý do như: (1) Mức độ khả thi thấp; (2) Không bảo đảm hiệu quả đầu tư, ít nhà đầu tư quan tâm; (3) Có tác động xấu đến môi trường và KT-XH.

Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, có giai đoạn việc quản lý chất lượng công trình xây dựng hầu như được giao hoàn toàn cho chủ đầu tư thực hiện và tự chịu trách nhiệm, thiếu sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Tại một số dự án, công trình TĐ, chất lượng khâu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát có nhiều hạn chế, gây không ít hệ lụy tiêu cực. Trong khi đó, trách nhiệm, xử lý sai phạm của chủ đầu tư, các chủ thể khác có liên quan khi công trình có chất lượng kém hoặc để xảy ra sự cố chưa được quy định cụ thể. Công tác quản lý an toàn tại các công trình TĐ nhỏ chưa thực sự tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.

Đối với các công trình TĐ nhỏ, gần 30% số đập chưa được kiểm định; khoảng 6% số chủ đầu tư hoàn thành cắm mốc chỉ giới; khoảng 66% đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt; gần 55% số chủ đập chưa có phương án PCLB. Hiệu quả làm việc của hệ thống quan trắc tại một số công trình TĐ là rất thấp. Việc xây dựng phương án PCLB cho vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp, vỡ đập… gặp nhiều khó khăn, ít được quan tâm.

Nguyên nhân của những bất cập nêu trên là không ít chủ đầu tư dự án TĐ nhỏ có năng lực chuyên môn và tài chính hạn chế; quy định về chế tài xử phạt vi phạm về an toàn đập, kiểm định đập; vai trò, trách nhiệm, sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước và chủ đầu tư chưa được ban hành kịp thời, rõ ràng và chưa được thực thi đầy đủ. Ngoài ra, thông tin, số liệu về điều kiện tự nhiên thường không đầy đủ và thiếu cập nhật do hạn chế nguồn lực đầu tư cho giai đoạn điều tra, khảo sát khu vực dự án.

Trong thời gian qua, một số sự cố dự án, công trình TĐ vừa và nhỏ khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã xảy ra, gây thiệt hại về người và tài sản. Sự cố, hiện tượng bất thường tại công trình TĐ Sông Tranh 2 (tỉnh Quảng Nam) như thấm nước qua thân đập, động đất kích thích… đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của cộng đồng dân cư và hiệu quả hoạt động của công trình.

Chính phủ đã rất tích cực chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương có liên quan khẩn trương xử lý sự cố thấm nước, tiếp tục quan trắc, giám sát chặt chẽ mức độ an toàn của đập, hồ chứa; theo dõi hiện tượng động đất kích thích trong khu vực. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ chưa có quyết định chính thức về việc tiếp tục tích nước hồ chứa công trình TĐ này.

Đa số hộ tái định cư thuộc diện nghèo

Báo cáo quy hoạch tổng thể về thủy điện trước Quốc hội, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Mặc dù các chủ đầu tư (CĐT) dự án và chính quyền các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện nhưng công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư tại một số dự án thủy điện (DATĐ) vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần quan tâm giải quyết và rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn cho các dự án khác.

Bất cập đầu tiên nổi lên là công tác lập, thẩm định, phê duyệt phương án và thực hiện bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư tại một số dự án chưa thực hiện đầy đủ theo đúng quy định hoặc chưa thực sự hợp lý. Vì vậy, một số hộ dân không chịu nhận đất sản xuất (đất quá dốc, chất lượng thấp, diện tích chưa phù hợp với tập quán luân canh), không nhận nhà ở hoặc chuyển đi nơi khác (đất vườn quá nhỏ không đủ để trồng cây, chăn nuôi gia súc; bố trí hướng nhà, vị trí bếp nấu, kết cấu khu vệ sinh…chưa phù hợp với điều kiện khí hậu, tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số).

Tại DATĐ Bản Vẽ, việc tái định cư người dân vùng núi cao xuống vùng thấp chưa thực sự phù hợp về mặt tập quán sản xuất; bố trí một số bản quá xa Trung tâm xã nên phải thành lập thêm 2 xã mới. Một số khu tái định cư bị thiếu nước sinh hoạt do nguồn cấp nước không đủ hoặc do người dân chưa có ý thức sử dụng nước tiết kiệm, theo định mức (80 lít/người/ngày).

Thứ nữa, công tác quản lý và sử dụng đất đai tại các tỉnh miền núi còn một số hạn chế, bất cập liên quan đến số lượng và năng lực cán bộ (chủ yếu ở cấp huyện, xã), nguồn gốc đất (đất lâm nghiệp nhưng người dân đã sản xuất nông nghiệp từ lâu) và quyền sử dụng đất (người dân không chứng minh được quyền sử dụng đất), gây khó khăn, phức tạp cho công tác bồi thường, hỗ trợ.

Công tác thu hồi, quản lý đất tại một số dự án chưa được CĐT và địa phương phối hợp chặt chẽ, quan tâm thực hiện nên đã bị người dân sở tại xâm canh, làm ảnh hưởng đến việc bố trí đất sản xuất cho các hộ tái định cư (tại các DATĐ An Khê – Ka Nắk và Đồng Nai 3).

Việc tiếp nhận, quản lý, bảo vệ và vận hành khai thác kết cấu hạ tầng khu tái định cư ở một số địa bàn chưa được chính quyền địa phương và người dân thực sự quan tâm, có tâm lý trông chờ trách nhiệm của CĐT dự án, mặc dù các hạng mục này đã được nghiệm thu, bảo hành và bàn giao theo quy định. Vì vậy, không ít hạng mục đã nhanh chóng bị xuống cấp, hư hỏng.

Một thực trạng nữa được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề cập trước Quốc hội là: “Trên cùng một tỉnh có nhiều dự án cùng triển khai nhưng áp dụng các cơ chế bồi thường, hỗ trợ khác nhau đã gây khó khăn cho việc giải phóng mặt bằng, làm tăng chi phí, chậm tiến độ, giảm hiệu quả, phát sinh thắc mắc, khiếu nại của người dân”.

Một số dự án chi trả tiền để người dân tự xây dựng nhà ở, bố trí đất sản xuất…theo nguyện vọng cũng gặp nhiều bất cập, phải đầu tư bổ sung hạ tầng cho người dân tại nơi ở mới (tại các DATĐ Đắk Mi 4 tỉnh Quảng Nam và Hà Nang tỉnh Quảng Ngãi).

Việc lồng ghép công tác di dân, tái định cư với các dự án khác theo chương trình phát triển KT-XH của địa phương cũng chưa được quan tâm đồng bộ, gặp khó khăn, vướng mắc do nguồn vốn ngân sách chưa kịp thời bố trí theo tiến độ yêu cầu.

Việc đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ dân tái định cư cũng còn bất cập về sự phù hợp với trình độ, độ tuổi, điều kiện thực tế và tập quán của người dân (tại DATĐ Bản Vẽ tỉnh Nghệ An, tuy con em diện tái định cư được ưu tiên nhận vào làm việc tại các cơ sở công nghiệp trên địa bàn nhưng do trình độ và tuổi không phù hợp nên chỉ giải quyết được cho khoảng 10-15% số lao động).

Bộ trưởng Công thương thừa nhận: “Nhìn chung, đời sống của nhân dân tái định cư tại các DATĐ còn nhiều khó khăn, số hộ nghèo còn nhiều, thu nhập và mức sống của nhân dân thấp so với bình quân chung của toàn tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người của các hộ dân tái định cư thuộc các DATĐ Hòa Bình, Sơn La, Nậm Chiến, Huội Quảng, Bản Chát, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Khe Bố, Quảng Trị, A Vương và Sông Tranh 2 đạt 6,6 triệu đồng/người/hộ/năm. Theo báo cáo của UBND các tỉnh có dự án nêu trên, số hộ tái định cư thuộc diện nghèo vẫn còn chiếm tỷ lệ tương đối cao.