Phá rừng, xâm canh vì cái đói

ThienNhien.Net – Không thể để cái đói mãi đeo đuổi khi vào mùa giáp hạt, hơn 60 hộ dân làng Dip, xã Ia K’rêng, huyện Chư Păh, Gia Lai đã xâm lấn hàng chục ha rừng phòng hộ tại các tiểu khu thuộc lâm phần quản lý của xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy, Kon Tum để làm nương rẫy.

Làng Díp thuộc xã Ia Krêng, huyện Chư Păh có gần 170 hộ dân và khoảng 800 khẩu từ bao đời nay sống dọc theo các suối Ia Blok, Ia Djrao, huyện Chư Păh xuôi dòng sông Sê San lấy việc đánh cá, trồng lúa rẫy, chăn nuôi để mưu sinh.

Hơn 10 năm trước, khi khởi công Thuỷ điện Sê San 3A, hàng trăm hộ đồng bào Jrai làng Díp phải từ bỏ làng đến khu tái định cư do Ban quản lý (BQL) DA Thuỷ điện Sê San 3A và chính quyền địa phương bố trí trong điều kiện “không còn quỹ đất để khai hoang”…

Mặc dù BQL DA Thuỷ điện Sê San 3A đã tái định canh, định cư, nhưng đồng bào vẫn gặp trở ngại khi huyện Chư Păh không còn quỹ đất để khai hoang, bố trí thêm. Vì vậy, mặc dù đã về nơi ở mới, nhưng các hộ đồng bào Jrai làng Díp chỉ được sản xuất trên một phần nương rẫy còn lại và tiếp nhận những chương trình hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi…

(Ảnh: thanhtra.com.vn)
Phá rừng, xâm canh vì cái đóiRẫy của dân làng Díp ngày càng xâm lấn rừng phòng hộ ở Sa Thầy – Kon Tum 2 (Ảnh: thanhtra.com.vn)

Cũng do đất bị thu hẹp, nương rẫy gặp phải địa hình đồi dốc, núi đá ngay tại khu ở mới nên sản xuất của dân gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình này, UBND huyện Chư Păh tiến hành khảo sát quỹ đất rừng thuộc BQL rừng phòng hộ Ia Ly nhằm tìm thêm đất sản xuất cho dân, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được quỹ đất phù hợp.

Làng Díp tái định cư như một khu phố với hơn 50 căn nhà xây dựng san sát nhau tạo một khu đô thị mới với tuyến đường rải nhựa chạy sát làng. Nhưng đối với người dân làng Díp bây giờ: Về những ngôi nhà mới là vui, nhưng nương rẫy đã bị lòng hồ thuỷ điện thu hẹp lại, họ lâm vào cảnh khó khăn, đói khát nhất là vào mùa giáp hạt.

Già làng Díp Rơchâm Jơk nói như thầm trách: Làng Dip đồng ý nhường đất xây công trình thuỷ điện nhưng rẫy không còn, người dân không biết làm gì cả. Nếu Yàng thương được mùa thì đủ ăn. Không thương thì cả làng cùng đói.

Trước cái đói thường xuyên đe dọa, hàng chục hộ dân làng Díp đã chọn giải pháp chẳng đặng đừng là xâm canh rừng phòng hộ tại các tiểu khu 642, 709 và 715… thuộc xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy, Kon Tum.

Việc phá rừng làm rẫy của dân làng Díp rộ lên hơn 3 năm trước. Để ổn định tình hình, UBND huyện Chư Pah đang thực hiện phương án cấp đất sản xuất cho dân làng Díp bằng cách chuyển đổi 175 ha đất lâm nghiệp của BQL rừng phòng hộ Ya Ly cấp cho dân. Trong khi việc chưa được giải quyết rốt ráo thì hàng chục hộ dân làng Dip không thể tiếp tục sống trong cái đói triền miên nên vẫn lén lút xâm canh.

Trong khi đó, từ 2010, sau khi hoàn thành Thủy điện Se San 4, dãy nhà cấp 4 phục vụ công trình được giao lại cho UBND xã Ia O, huyện Ia Grai quản lý. Khi chính quyền chưa biết sử dụng ra sao thì dãy nhà này đã trở thành nơi trú ẩn của nhiều người. Họ là những di dân tự do đến từ Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai để khai thác thủy sản, thậm chí, còn tham gia vận chuyển, tiêu thụ gỗ lậu từ Sa Thầy, Kon Tum sang huyện Ia Grai.

Theo Phó trưởng Công an xã Ia, O Rah Mah Bưh, sau khi được vận động, một số hộ bỏ về quê, thời gian sau tiếp tục quay lại. Do là xã biên giới, UBND xã Ia O và lực lượng biên phòng xác định nạn di dân tự do ồ ạt là vấn đề nghiêm trọng gây mất an ninh trật tự vùng biên nên có nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng chưa thuyên giảm.