Không phát triển thủy điện bằng mọi giá

ThienNhien.Net – Khu vực Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên có tiềm năng lớn về thủy điện. Tuy nhiên, việc phát triển nguồn điện sẽ không được coi là lý do để hy sinh các lợi ích xã hội và môi trường. Theo ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên nhấn mạnh, cần có các giải pháp đồng bộ để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực của các dự án thủy điện trên địa bàn.

– Thưa ông, ông có đánh giá gì về tiềm năng phát triển thủy điện của vùng Tây Nguyên?

Đến nay, khu vực Tây Nguyên và phụ cận đã có 118 dự án thủy điện hoàn thành, phát điện với tổng công suất 5.798 MW và 75 dự án đang thi công với tổng công suất thiết kế 1.945,2 MW, dự kiến hoàn thành phát điện từ nay đến năm 2015.

Đập thủy điện Buôn Tua Srah (Ảnh: ThienNhien.Net)
Đập thủy điện Buôn Tua Srah (Ảnh: ThienNhien.Net)

Nhìn chung, các công trình thủy điện đều góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế – xã hội, tăng thu ngân sách cho các địa phương, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận nhân dân.

Khi đi vào khai thác, thủy điện cũng có tác động mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế ngành, lĩnh vực, thúc đẩy quá trình phân công lao động xã hội, góp phần cải tạo môi trường xung quanh các hồ chứa, góp phần chủ động bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống trong mùa khô ở vùng hạ lưu và khu vực xung quanh hồ chứa. Ngoài ra, một số công trình còn có tác dụng tham gia cắt lũ trong mùa mưa tại một số địa phương.

Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã rà soát và đưa ra khỏi quy hoạch 28 dự án thủy điện nhỏ thuộc thẩm quyền phê duyệt của tỉnh; tỉnh Kon Tum đã loại bỏ 21 dự án thủy điện vì hiệu quả thấp; Gia Lai chấm dứt hoạt động của 8 dự án thủy điện vừa và nhỏ, đồng thời loại 11 dự án thủy điện khác ra khỏi quy hoạch; Đắk Lắk cũng vừa thu hồi chủ trương đầu tư, loại bỏ khỏi quy hoạch 20 dự án thủy điện vừa và nhỏ. Mới đây, Quảng Nam đã quyết định loại bỏ, dừng 20 dự án thủy điện.

Hiện nay, các dự án thủy điện đã vận hành trên địa bàn Tây Nguyên đang đóng góp khoảng 20% tổng công suất cho hệ thống điện quốc gia. Hàng năm, các nhà máy thủy điện đang vận hành tại khu vực sẽ đóng góp cho ngân sách nhà nước và xã hội khoảng 6.500 tỷ đồng thông qua việc nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên nước, phí dịch vụ môi trường rừng.

Riêng tại tỉnh Quảng Nam, năm 2012, các nhà máy thủy điện đang vận hành đã đóng góp cho ngân sách tỉnh 535 tỷ đồng; dự kiến đến cuối năm 2015, các nhà máy thủy điện trên địa bàn sẽ đóng góp nguồn thu cho ngân sách khoảng 800 tỷ đồng, bằng 20% thu nội địa của tỉnh.

Qua áp dụng thí điểm chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tại tỉnh Lâm Đồng, định mức khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân tăng từ mức 2,8 – 3 triệu đồng/năm lên mức 10,5 đến 12 triệu đồng/năm, góp phần thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo cho người dân. Diện tích nhận khoán bảo vệ rừng tăng lên, góp phần bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.

Nếu có sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư trong việc kết hợp xây dựng và thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa với xây dựng và điều hành lịch thời vụ sản xuất nông nghiệp theo lưu vực sông (hoặc hệ thống sông) thì các hồ chứa này sẽ góp phần tích cực vào việc giảm lũ trong mùa mưa và bổ sung nước tưới trong mùa khô cho hạ du. Ví dụ, thủy điện Buôn Tua Srah, Đồng Nai 2 – 4 sau khi đi vào hoạt động đã chấm dứt tình trạng lũ lụt tại các huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông), Cát Tiên, Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng). Năm 2012, chủ đầu tư các dự án thủy điện trên lưu vực sông Vui Gia – Thu Bồn đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc vận hành xả lũ, góp phần tích cực cắt giảm lũ cho hạ du. Mùa khô 2012 -2013, các nhà máy thủy điện đã góp phần cung cấp nước tưới và giảm tình trạng xâm nhập mặn cho hạ du sông Thu Bồn (tỉnh Quảng Nam), sông Công (tỉnh Bình Định), sông Ba (tỉnh Phú Yên), sông Cái (tỉnh Ninh Thuận), sông Srêpốk (tỉnh Đắk Lắk)… Một số hồ chứa đã kết hợp khai thác du lịch, nuôi trồng thủy sản, giao thông. Khu vực dọc theo các hồ chứa đã hình thành tiểu vùng khí hậu với độ ẩm cao, mực nước ngầm gia tăng giúp phát triển sản xuất nông nghiệp và hệ sinh thái.

– Tuy nhiên, theo phản ánh từ các địa phương, việc phát triển thủy điện cũng gây ra những tác động tiêu cực đối với việc phát triển kinh tế- xã hội. Xin ông cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Bên cạnh những lợi ích nêu trên, thủy điện ở Tây Nguyên đã làm ngập nhiều diện tích rừng, đất đai, phá vỡ cân bằng sinh thái, hệ động thực vật, làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng lớn đến đời sống dân cư, thu hẹp không gian sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Khu tái định cư của thủy điện An Khê - Kanak (Ảnh: ThienNhien.Net)
Khu tái định cư của thủy điện An Khê – Kanak (Ảnh: ThienNhien.Net)

25 công trình thủy điện lớn đã và đang thi công tại Tây Nguyên đã chiếm dụng 68.195 ha đất, ảnh hưởng đến 25.712 hộ dân (6.875 hộ phải di dời). Tây Nguyên đã chuyển đổi trên 80.000 ha đất các loại cho thủy điện. Tính trung bình 1 MW thủy điện lớn đã chiếm dụng 14,5 ha đất các loại, làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của 5,5 hộ dân trong đó 1,5 hộ phải di dời; 1 MW thủy điện nhỏ chiếm dụng 8,7 ha đất, ảnh hưởng đến 1,3 hộ dân.

Bên cạnh đó, một số nhà máy thủy điện chưa phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc vận hành hồ chứa phù hợp với lịch thời vụ sản xuất nông nghiệp nên gây ra tình trạng thiếu nước trong mùa khô, gia tăng lũ lụt trong mùa mưa, gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống vùng hạ lưu.

Thủy điện còn làm thay đổi tập quán sản xuất và sinh hoạt của một bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số vốn sinh sống lâu đời, việc di dời dân đến các vùng cao trong khi điều kiện sản xuất và đời sống không bằng nơi ở cũ, phải nhiều năm mới khắc phục được. Thủy điện cũng gián tiếp góp phần gây ra tình trạng phá rừng, việc chậm trễ trong đền bù, tái định cư dẫn đến khiếu kiện kéo dài ở một số địa phương, tạo dư luận xấu trong xã hội.

– Xin ông cho biết rõ hơn về tác động của các dự án thủy điện đối với đời sống người dân trong diện phải thực hiện tái định cư, định canh?

Việc giải tỏa đền bù tái định cư cho người dân đã được quan tâm giải quyết nhưng cũng có nhiều vấn đề phát sinh. Một số nơi người dân bức xúc vì địa phương bố trí đất tái định canh không đủ, hoặc có bố trí đất nhưng lại quá xa nơi tái định cư, đất dốc không thuận lợi cho bà con canh tác… Ví dụ, việc tái định cư dự án thủy điện Đồng Nai 3 đã hoàn thành theo phương án phê duyệt. Song, việc bố trí đất tái định canh cho 432 hộ dân để đảm bảo mỗi hộ có 1,5 ha đất sản xuất chưa đạt theo quy định. Hiện, dự án mới chia được 259 ha đất tái định canh đủ điều kiện để sản xuất cho người dân, còn thiếu khoảng 250 ha.

Tại Kon Tum, dự án thủy điện Plei Krông đã hoàn thành từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn còn 27 hộ dân không nhận đất sản xuất do đất xấu. Thủy điện Thượng Kon Tum dự kiến sẽ phát điện năm 2014 nhưng còn 382,3 ha đất rừng phòng hộ và 68,8 ha đất lúa chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Dự án thủy điện Đắk Đ’rinh nếu không đáp ứng yêu cầu di dời dân trước tháng 9/2013, khi lũ về dù không tích nước vẫn không thể đảm bảo tính mạng và tài sản của 217 hộ dân.

Tại một số khu tái định cư, đời sống của người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn gặp một số khó khăn, sau nhiều năm vẫn chưa ổn định được. Nguyên nhân là do việc phải di chuyển nơi ở, nơi sản xuất khiến tập quán sinh sống của bà con bị đảo lộn. Có nơi, bà con mặc dù được bố trí đất tái định cư, định canh nhưng vẫn canh tác theo lối luân canh…

– Vậy theo ông, cần giải pháp gì để thực hiện được mục tiêu là đời sống người dân tái định cư, định canh tại nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ?

Các tỉnh khu vực Tây Nguyên và giáp Tây Nguyên cần tăng cường phối hợp với chủ đầu tư các dự án trong công tác bồi thường, hỗ trợ di dân, tái định cư và giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai các dự án thủy điện. Hiện nay, đời sống sản xuất và sinh hoạt của bà con ở một số nơi bị ảnh hưởng do lưu lượng dòng chảy ở một số địa phương không đảm bảo. Do đó, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần phối hợp với các nhà máy thủy điện trong việc xây dựng và điều tiết lịch thời vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn và thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa bảo đảm việc phát điện đồng thời giảm tác động xấu cho sản xuất và đời sống ở hạ lưu.

Để giải quyết vấn đề hậu thủy điện, các địa phương cần xây dựng Quỹ hỗ trợ tái định cư thủy điện để hỗ trợ phát triển sản xuất và đời sống cho các hộ dân phải di dời trong thời gian họ chưa ổn định được cuộc sống. Quỹ này sẽ đóng vai trò quan trọng trong giải quyết kịp thời những vướng mắc, phát sinh đối với đời sống người dân. Kể cả sau khi kết thúc việc đền bù, tái định cư của các dự án thủy điện nhưng các vấn đề phát sinh vẫn được giải quyết để đảm bảo cho các hộ dân sẽ ổn định được sản xuất và đời sống tốt hơn nơi ở cũ. Nguồn thu của quỹ hình thành từ việc trích một phần thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên nước và một phần lợi nhuận của các nhà máy thủy điện.

– Theo quy định, các dự án thủy điện phải thực hiện việc trồng rừng thay thế. Xin ông cho biết, việc thực hiện quy định này đối với các dự án thủy điện Tây Nguyên?

Việc đầu tư trồng rừng mới thay thế diện tích rừng đã chuyển sang mục đích làm thủy điện ở Tây Nguyên còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do các địa phương không bố trí được quỹ đất; mặt khác, chủ đầu tư các dự án thủy điện thường không có năng lực trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Theo thống kê chưa đầy đủ, mới chỉ có 757,3 ha rừng được trồng so với khoảng 22.770 ha đất rừng các loại đã chuyển đổi mục đích sử dụng cho các dự án thủy điện, đạt khoảng 3,3%.

Tại tỉnh Đắk Lắk, mặc dù UBND tỉnh đã phê duyệt các dự án thủy điện phải trồng mới 845,69 ha rừng nhưng chỉ thực hiện trồng mới được 63 ha. Trong đó, dự án thủy điện Sêrêpôk 4 (80 MW) mới trồng được 38,6 ha so với 202 ha đất rừng đã chuyển đổi mục đích sử dụng. Tại tỉnh Lâm Đồng, hầu hết các dự án thủy điện chưa bố trí được đất để trồng rừng thay thế. Tình Quảng Nam đã thu hồi, cho thuê và chuyển đổi mục đích sử dụng 7.657 ha đất phục vụ các dự án thủy điện nhưng mới phê duyệt được 7 dự án trồng rừng thay thế với tổng diện tích 520 ha. Do đó, thời gian tới, cần tìm giải pháp để tăng diện tích trồng rừng thay thế.

– Trước những vấn đề đang đặt ra, ông có đề xuất gì về định hướng phát triển thủy điện tại khu vực Tây Nguyên?

Mặc dù thủy điện Tây Nguyên có tiềm năng rất lớn nhưng lợi ích phát triển nguồn cung điện sẽ không được coi là lý do để hy sinh các lợi ích xã hội và môi trường khác. Khu vực Tây nguyên là khu vực có vị trí cực kỳ nhạy cảm cả về địa chiến lược, tài nguyên, nguồn nước, cảnh quan, môi trường, đời sống và bản sắc văn hóa các dân tộc trong vùng. Tôi đồng tình với chủ trương của các tỉnh Tây Nguyên về việc đề nghị Bộ Công Thương cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh về quy hoạch thủy điện và nên loại bỏ những dự án nào quá ảnh hưởng đến môi trường và dân sinh, ảnh hưởng lớn đến đời sống bà con.

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng đã đề nghị Bộ Công Thương cần tạm dừng xây dựng mới thủy điện ở Tây Nguyên trong hai năm 2013 và 2014 để tập trung giải quyết các tồn đọng về môi trường và xã hội đồng thời, rà soát lại quy hoạch, loại bỏ các dự án thủy điện, các vị trí tiềm năng không khả thi và có tác động xấu đến môi trường.

Đối với các dự án thủy điện đã triển khai, Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã đề nghị các bộ ngành, các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc bố trí đất ở, đất sản xuất và các điều kiện cần thiết cho các hộ dân tái định canh, định cư; thực hiện cam kết của nhà đầu tư về bảo vệ môi trường, nhất là cam kết trồng lại rừng; kiểm soát chặt chẽ quy trình vận hành hồ chứa đảm bảo thực hiện chức năng cắt lũ mùa mưa và chức năng điều tiết nước cho vùng hạ du; quản lý chất lượng, an toàn hồ đập…

– Xin cảm ơn ông!