“Lổ hổng” ở các khu công nghiệp – Kỳ 3

Kỳ 3: Một số nhà máy ở Hải Phòng đe dọa xóa sổ khu ao đầm thủy sản

ThienNhien.Net – Thành phố cảng Hải Phòng là một trong số ít các tỉnh, thành phố ven biển có kinh tế phát triển năng động, có tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ cao tuyệt đối trong cơ cấu kinh tế. Từ nhiều năm trở lại đây, Hải Phòng còn được nhiều người biết đến, là một trung tâm của các KCN, Khu kinh tế, thương mại, dịch vụ, du lịch, có tiềm năng lớn của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ… Đây cũng là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước tiến hành quy hoạch phát triển, chọn nuôi trồng thủy sản là mũi nhọn của thành phố. Nhưng ít ai biết được, bên cạnh phát triển các KKT-KCN mạnh mẽ ấy đã và đang “đe dọa” xóa sổ các vùng ao đầm ven biển nơi đây.

Những ao đầm… “hấp hối”

Theo tìm hiểu hiện nay, các vùng ao, đầm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Hải Phòng đều phải đối mặt với tình trạng sản xuất “đón kín cửa đầm” do nguồn nước bị ô nhiễm từ các nhà máy các KCN gây ra. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều hộ nuôi thủy sản không mặn mà đầu tư mở rộng sản xuất.

Một góc  “núi” chất thải của nhà máy DAP
Một góc “núi” chất thải của nhà máy DAP

Nhận được phản ánh của người dân vùng nuôi trồng thủy sản ở Tràng Cát, Đình Vũ (Hải An, Hải Phòng), PV Báo LĐXH đã trực tiếp “mục sở thị” khu ao đầm thủy sản nổi tiếng một thời. Trong túp lều canh giữa đồng tôm, ông Đoàn Văn Vương (phường Tràng Cát, Hải An) với hơn 30 năm làm nghề đánh bắt tôm cá ở KCN Đình Vũ cho biết: “Từ năm 2000 đến 2005 tôi bắt đầu đấu thầu 12ha để nuôi trồng thủy sản. Khi đó chưa có nhà máy nên nuôi rất thuận lợi, cuộc sống của người dân khấm khá hẳn”. Sau phát trầm lắng, nhìn lên ống khói Nhà máy ven biển ở KCN Đình Vũ, ông Vương Thở dài: “Tôi chưa cần trả lời, nhà báo cứ nhìn những ống khói đang nhả khói nghi ngút và cạnh đó là “núi” phế thải thì biết có ô nhiễm hay không”.

Như lời ông Vương và chúng tôi tìm hiểu, “vây” quanh khu ao đầm thủy sản có rất nhiều nhà máy đã đi vào hoạt động được vài năm nay, trong đó nhà máy sản xuất phân đạm DAP Đình Vũ là “điển hình” gây ô nhiễm khiến người dân vô cùng lo lắng. Dẫn chúng tôi đi quan các ao đầm gần nhà máy DAP Đình Vũ ông Nguyễn Viết Hiếu, phường Tràng Cát (Hải An, Hải Phòng) bảo: Các đầm gần bãi thải nhận thấy nước trong các đầm đều có màu đục và xanh nhạt khác hẳn so với màu nước của nước biển mà người dân đưa vào đầm trước đó hoặc những đầm xa hơn.

Thắc mắc về sự lạ của màu nước trong các ao, đầm, chúng tôi được một người tên Minh, gần 20 năm liền là nhân viên công ty nuôi trồng thủy sản Thuận Thiện Phát cho biết: “Saukhi có nhà máy DAP đi vào hoạt động không hiểu sao, cá, tôm chết liên tục, đặc biệt sau mỗi trận mưa, nước từ hồ chứa chất thải của nhà máy DAP tràn qua đầm cá, tôm chết trắng”.

Ông Nguyễn Viết Hiếu cho biết thêm: “Khi chưa có các nhà máy DAP thì nước xung quanh đây không ô nhiễm, giờ thì ô nhiễm lắm, điển hình là con hà, nó già rồi sinh sôi nhiều vô kể, giờ thì con hà chết hết, không con nào sống nổi, nếu tình hình này sớm muộn chúng tôi cũng phải bỏ nghề”.

Được biết, khu ao đầm nuôi tôm, cá của người dân Tràng Cát chỉ cách bãi thải trong bán kính khoảng 2 cây số, rộng khoảng hàng nghìn hecta, với khoảng 40 hộ và một công ty đấu thầu nuôi trồng thủy sản, hộ đơn lẻ nhiều nhất là 100ha, ít nhất là khoảng 10ha. Nhiều chủ đầm kể rằng, ngày trước thả nuôi 1 tạ cua thì sau vài tháng thu được 3 – 4 tạ, giờ nuôi 6 tháng cua không lớn mà cứ còi cọc, chất lượng giảm, sản lượng ngoài tự nhiên không còn nữa.

Tương tự như vậy, người dân ở khu nuôi trồng thủy sản ở KCN Đồ Sơn (Hải Phòng) phản ánh, do môi trường ở các nhà máy trong KCN Đồ Sơn nên việc nuôi trồng thủy sản bị thất bát liên tục, không ít hộ đã bỏ đầm thủy sản, xoay đủ nghề kiếm sống”

Anh Trịnh Hữu Đằng, công nhân Xí nghiệp dịch vụ nuôi trồng thủy sản Đồ Sơn tâm sự, tôi đầu tư nuôi trồng thủy sản từ những ngày đầu thành lập xí nghiệp. Nhưng từ năm 2005, tôi phải bàn giao 3 ha đầm nuôi thủy sản cho dự án sân gôn Đồ Sơn. Được ít tiền đền bù, năm 2006, tôi tiếp tục đầu tư 1,5 ha đầm tại khu vực sát kênh T600. Nhưng từ năm 2007 đến nay, vụ nuôi nào tôi cũng bị thất bát, tôm cua chết hàng loạt vì đầm nuôi đều nằm kẹt giữa các dự án là KCN Đồ Sơn, sân gôn Đồ Sơn và dự án khác.

Một số người dân nuôi tôm kể về sự ô nhiễm mà nhà máy DAP gây ra
Một số người dân nuôi tôm kể về sự ô nhiễm mà nhà máy DAP gây ra

Được biết, khu vực nuôi thủy sản của người dân Đồ Sơn có diện tích nước lợ gần 700 ha, đến nay, diện tích còn lại khoảng 300 ha. Phường Tân Thành còn 175 ha, Hải Thành còn khoảng 48 ha…Đến thời điểm này, các chủ đầm có người chuyển nghề có người tâm huyết vẫn bám trụ, họ vi vọng một ngày nào đó môi trường sẽ được cải thiện!?

Thống kê của các cơ quan nghiên cứu môi trường, năm 2011 mỗi ngày các KCN nước ta thải ra khoảng 8.000 tấn chất thải rắn (CTR), tương đương khoảng ba triệu tấn một năm. Sự gia tăng phát thải trên đơn vị diện tích đã phản ánh sự thay đổi trong cơ cấu sản xuất công nghiệp, xuất hiện các ngành có mức phát thải cao và quy mô ngày càng lớn tại các KCN và dự báo tổng phát thải CTR từ các KCN năm 2015 sẽ vào khoảng 6 đến 7,5 triệu tấn/năm và đến năm 2020 đạt từ 9 đến 13,5 triệu tấn/năm.

Cơ quan chức năng ở đâu?

Theo phản ánh của người dân, chúng tôi đã tìm gặp một trong số công ty gây ô nhiễm mà chủ ao đầm “điểm mặt” trong đó có Công ty, TNHH MTV DAP- Đình Vũ (Vinachem), chuyên sản xuất, kinh doanh phân bón. Ông Nguyễn Văn Phiên, Phó tổng giám đốc công ty TNHH MTV DAP đã trao đổi với chúng tôi về sự ô nhiễm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại của bãi thải chất thải rắn do công ty thải ra.

Ông Phiên cho biết: “Bãi thải Gyps được công ty thực hiện đúng theo bản đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được Bộ TN&MT phê duyệt, Sở TN&MT Hải Phòng thông qua trước khi xây dựng. Kể cả trong quá trình sản xuất công ty cũng thực hiện đúng theo quy định, chất thải rắn sau khi sản xuất xong được thải ra bãi thải rộng đã được quy hoạch 40 hecta”.

Ông Đoàn Văn Vương, chỉ tay chỉ về phía các nhà máy gây ô nhiễm
Ông Đoàn Văn Vương, chỉ tay chỉ về phía các nhà máy gây ô nhiễm

Theo ông Phiên lí giải, bãi thải đã được công ty chia làm hai bãi, bãi 1 là bãi thải tạm thời (10 hecta) sẽ chứa chất thải tạm thời từ 3 – 5 năm, bãi 2 là bãi chứa lâu dài nằm bên ngoài bãi một, và gần biển. Theo thiết kế bãi thải được chất cao 40 mét, khi mưa xuống giảm nồng độ a xít thì chúng tôi múc đổ ra hồ chứa bên cạnh (cận kề khu ao đầm thủy sản), nếu lượng nước đó bị thải ra ngoài mà độ PH thấp sẽ ảnh hưởng đến môi trường bên ngoài rất lớn. Cơ quan chuyên môn kiểm duyệt từ hồ chứa, xử lý, chống thấm, đổ cát, bạt phủ, một lớp đất…còn việc thẩm thấu ra ngoài hay không thì chúng tôi khó nói trước.

Chủ đầm tôm Đoàn Văn Vương phản ánh, cơn bão số 2 (24/6) vừa qua đổ bộ vào Hải Phòng khiến “núi” chất thải của cong ty DAP tràn qua các ao đầm khiến chủ đầm thiệt hại nề và người dân đã phản ánh lên cơ quan chức năng và cơ quan chuyên trách họ có xử lí hay không thì chúng tôi không biết. Sau sự việc trên công ty DAP đã thỏa thuận với bà con “chấp nhận hỗ trợ đền bù thiệt hại”.

Điều khiến dư luận thắc mắc, công ty DAP hoạt động đến nay đã được gần 5 năm hoạt động, ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con và thậm chí là để rò rỉ lượng lớn nước thải chứa a xít ra môi trường biển mà đã có cơ quan chức năng xử lý hay chưa?

Ông Vương bày tỏ bức xúc với PV là lo lắng khu ao đầm có nguy cơ xóa xổ.
Ông Vương bày tỏ bức xúc với PV là lo lắng khu ao đầm có nguy cơ xóa xổ.

Để tìm hiểu rõ thông tin, ngày 1.7, chúng tôi đã liên hệ với Sở TN&MT TP Hải Phòng đặt lịch làm việc về sự việc trên. Chúng tôi liên hệ với ông Bùi Quang Sản, Giám đốc Sở, ông nói đã phân công ông Phạm Quốc Ka, Phó giám đốc Sở tiếp báo chí, tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ với ông Ka, ông cho biết: “Tôi chưa nhận được phân công, giờ tôi bận họp”. Với nhiều lý do “bận…, đùn trách nhiệm cho các bên liên quan…chưa tiếp nhà báo. Không hiểu giữa các cán bộ của Sở có những khuất tất gì mà người bảo có phân công, người nói không nhận được!?

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, Việt Nam có thể phải chịu tổn thất do ô nhiễm môi trường lên tới 5,5% GDP hàng năm. Mỗi năm Việt Nam cũng thiệt hại 780 triệu USD trong các lĩnh vực sức khỏe cộng đồng vì ô nhiễm môi trường.

Để bảo vệ sức khỏe người dân, cứu cánh những ao, đầm nuôi thủy sản, thiết nghĩ các cơ quan chức năng Tp Hải Phòng cần nhanh chóng vào cuộc để làm rõ nguyên nhân. Mặt khác, cần đánh giá tổng thể việc quy hoạch, cấp phép đầu tư, đánh giá tác động môi trường để ngăn ngừa, xử lý những công ty vi phạm.

Còn nữa…