Báo động tình trạng ô nhiễm các khu công nghiệp

ThienNhien.Net – Báo cáo mới nhất của Bộ Tài nguyên & Môi trường cho thấy, trung bình mỗi ngày có tới 240.000m³ nước thải từ các khu công nghiệp (KCN) được xả thẳng ra môi trường, chưa qua xử lí, gây ra tình trạng ô nhiễm trầm trọng tại nhiều nơi. Khiếu nại, tố cáo về môi trường tăng lên từng ngày, đứng thứ hai chỉ sau đất đai.

Kênh nước thải ở KCN Tân Phú Trung, TP.HCM (Ảnh: ThienNhien.Net)
Kênh nước thải ở KCN Tân Phú Trung, TP.HCM (Ảnh: ThienNhien.Net)

60% khu công nghiệp ở Việt Nam đã có hệ thống xử lí nước thải tập trung (HTXLNTTT), tuy nhiên do vận hành hệ thống này khá tốn kém nên không ít KCN “ngại” vận hành, vẫn xả thải trực tiếp ra môi trường. Đến tháng 12/2012, trong số 179 KCN đang hoạt động, chỉ có 143 KCN đã vận hành hoặc đang xây dựng HTXLNTTT, trong đó chỉ có 84 KCN đã hoàn thành việc đấu nối nước thải từ tất cả các cơ sở sản xuất.

Tổng lượng nước thải theo công suất thiết kế từ HTXLNTTT của 143 KCN này là 592.000m³/ngày đêm, trong khi thực tế lượng nước thải đang được xử lí chỉ là 362.450m³/ngày đêm, tức là các HTXLNTTT chỉ hoạt động trên 61% công suất.

Rất nhiều KCN đã lấp đầy 70-100% nhưng vẫn chưa đầu tư xây dựng HTXLNTTT, gây ra tình trạng ô nhiễm trầm trọng cho vùng xung quanh: KCN Trà Nóc, Thốt Nốt (Cần Thơ), KCN Trần Quốc Toản (Đồng Tháp), KCN Vũng Áng (Hà Tĩnh), KCN Nam Cấm (Nghệ An)…

Ước tính tổng lượng nước thải phát sinh từ 179 KCN đang hoạt động là 622.773m³/ngày đêm. Trong đó, các HTXLNTTT chỉ xử lí được khoảng 362.450m³/ngày đêm, đạt khoảng 58%, số còn lại không được xử lí và xả thẳng ra nguồn nước.

Kết quả quan trắc phân tích nước thải các KCN tại một số tỉnh, thành phố cho thấy: Đối với các KCN chưa có HTXLNTTT thì tất cả 18 thông số ô nhiễm đều vượt mức cho phép trên 2 lần; đối với các KCN có HTXLNTTT thì cũng có nhiều thông số ô nhiễm vượt qui chuẩn cho phép.

Năm 2012, Bộ Tài nguyên – Môi trường tổ chức 4 đoàn thanh tra đối với 50 cơ sở và 25 KCN trên địa bàn 10 tỉnh gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long. Kết quả cho thấy, tất cả các KCN và cơ sở trong KCN vẫn mắc lỗi chưa thực hiện đúng cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), 9/25 KCN không thực hiện đúng qui định về chất thải nguy hại, 2/25 KCN chưa lập báo cáo ĐTM mặc dù đã tiến hành xây dựng (KCN Lễ Môn, Bỉm Sơn – Thanh Hóa); 12/25 KCN xả nước thải vượt quá qui chuẩn cho phép (KCN An Nghiệp – Sóc Trăng, KCN Long Đức – Trà Vinh)…

Tình trạng ô nhiễm ở các KCN là hệ lụy của thời kì phát triển quá nóng các KCN. Hơn 20 năm qua, số lượng các KCN được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã phát triển từ chỗ cả nước chỉ có 1 KCN năm 1991 (KCN Tân Thuận – TP Hồ Chí Minh), đến cuối năm 2012 đã có 289 KCN, trong đó 179 KCN đã đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, các cụm công nghiệp (CCN) cũng mọc lên rất nhanh. Cho đến cuối 2012, cả nước có 878 CCN, trong đó có 614 CCN đang hoạt động. Hạ tầng kĩ thuật cho bảo vệ môi trường của các CCN rất kém, chỉ có 40 CCN có HTXLNTTT, chiếm 6,5%.

TS Hoàng Dương Tùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên – Môi trường) cho biết, việc vận hành HTXLNTTT khá tốn kém, vì thế nhiều KCN né tránh vận hành. Tại nhiều KCN mặc dù có HTXLNTTT song một số cơ sở không tiến hành đấu nối vào hệ thống mà vận hành hệ thống xử lí nước thải riêng dẫn đến khó kiểm soát.

Để giám sát chặt chẽ hoạt động xả thải ra môi trường của các KCN, TS Tùng cho rằng, cần phải lắp đặt các trạm quan trắc tự động tại các KCN để kịp thời phát hiện sai phạm. Hệ thống quan trắc sẽ giúp Ban quản lí KCN nắm được thông số về mức độ ô nhiễm từ nước thải, chất lượng nước, tình hình thu gom, xử lí chất thải rắn…

Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có khoảng 10% các HTXLNTTT của các KCN có lắp đặt hệ thống quan trắc tự động. Phần lớn các cơ sở sản xuất trong KCN đều thực hiện định kì quan trắc chất lượng không khí và tiếng ồn, riêng quan trắc khí khải thì còn rất hạn chế do chi phí cao và khó khăn về kĩ thuật.

Theo Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Việt Nam phải cần khoảng 1.107.657 tỷ đồng để bảo vệ môi trường. Trong đó, việc xử lý nước thải công nghiệp cần tới 276.814 tỷ đồng. Mục tiêu là đến năm 2020, Việt Nam sẽ cơ bản kiểm soát được trên 90% nguồn thải ô nhiễm phát sinh từ các KCN và trên 30% nguồn thải ô nhiễm phát sinh từ các CCN.