Phát hiện loài thực vật mới thuộc chi Tỏi rừng

Hình thái ngoài của Tỏi rừng Hòn Bà (Ảnh: Viện Hàn lân KH&CN Việt Nam)
Hình thái ngoài của Tỏi rừng Hòn Bà (Ảnh: Viện Hàn lân KH&CN Việt Nam)

ThienNhien.Net – Mới đây, mẫu một loài cây thân thảo được phát hiện tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà (Khánh Hòa) hồi năm 2011 đã chính thức được Viện Hàn lâm khoa học Nga xác nhận là loài thực vật mới.

Mẫu thực vật do TS Lưu Hồng Trường, Phó Viện trưởng Viện Sinh Thái học Miền Nam cùng TS Jacinto Regalado (Vườn thực vật Missouri, Mỹ), và ông Trần Giỏi (Chi cục Lâm nghiệp Khánh Hòa) phát hiện trong khi đi khảo sát tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà hồi tháng 5/2011, được đặt tên Việt Nam là Tỏi rừng Hòn Bà, còn tên khoa học là Aspidistra truongii, theo tên của TS Lưu Hồng Trường, người có công phát hiện và mô tả đầu tiên.

Đây là nhóm loài sinh trưởng dưới tán rừng chịu bóng và hoàn toàn “phụ thuộc vào môi trường sống nguyên vẹn”, nên rất dễ bị tuyệt chủng do khai thác hay thiên tai. Hiện nay, Tỏi rừng Hòn Bà đang được trồng thử nghiệm tại Viện Sinh thái học Miền Nam và nhóm nghiên cứu từ Vườn Thực vật Praha (Cộng hòa Czech) cũng đã lấy mẫu loài này về trồng tại châu Âu.

Việt Nam được xem là một trung tâm của các loài thuộc chi Tỏi rừng (Aspidistra) với khoảng 30 loài, hầu hết có kiểu lá đẹp, có tiềm năng làm cây cảnh. Trong danh lục cây thuốc Việt Nam, các loài trong chi Aspidistra được mô tả có vị cay, đắng, có tính ấm, tác dụng trừ ho, thanh nhiệt giải độc,… thân rễ của cây được dùng trong dân gian chữa trị lỵ, sốt rét, phong thấp tê đau, thận hư lưng gối đau, đòn ngã tổn thương, gãy xương, rắn độc cắn.