Quốc gia gây ô nhiễm phải bồi thường vì gây biến đổi khí hậu?

ThienNhien.Net – Sau hơn hai thập kỷ tồn tại, ngoại giao khí hậu đã tỏ rõ sự yếu kém và thiếu hiệu quả khi mà các mục tiêu đặt ra – giảm thải và thích ứng với biến đổi khí hậu – đều lần lượt thất bại. Cho đến Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu (COP 18) tổ chức tại Doha (Qatar) cuối năm 2012, các nước buộc phải tính đến một thỏa thuận quốc tế về cách thức đền bù cho các quốc gia đang phát triển về những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Điều này có thể mở đường cho các vụ kiện chống lại các quốc gia và công ty gây ô nhiễm trong tương lai.

Thất bại từ các tiến trình

Tháng 12 năm ngoái, các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp quốc đã khép lại tại Qatar với kết quả không như mong đợi, khi mà nước chủ nhà lại chính là nước có lượng khí thải các-bon trên đầu người cao nhất thế giới. Nói đúng hơn là vòng đàm phán chẳng đạt được gì nhiều ngoại trừ việc các quốc gia lần đầu tiên thừa nhận “các nước đang phát triển đặc biệt dễ bị tổn thương bởi tác động của biến đổi khí hậu” có quyền đòi bồi thường từ các nước gây ô nhiễm chính đối với bất kỳ hành động gây tổn thất nào.

Tại Hội nghị này, đoàn đại biểu Hoa Kỳ đã cố gắng để không xảy ra trường hợp đòi bồi thường hay kiện tụng nào. Tuy nhiên, nếu các nước chấp hành nghĩa vụ ngăn chặn biến đổi khí hậu theo luật pháp quốc tế thì ngày họ có thể đòi bồi thường thiệt hại do biến đổi khí hậu từ các tác nhân gây ô nhiễm sẽ không còn xa nữa. Và rất có thể, viễn cảnh người dân đòi được quyền lợi từ các nhà gây ô nhiễm ngay tại tòa án sẽ ngày càng gần hơn.

Trên thực tế, các nhà đàm phán còn đang tìm cách khắc phục những mất mát, thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu. Điều này cho thấy sau hơn hai thập kỷ tồn tại – kể từ thời điểm các nước tham gia ký Công ước Khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 1992, ngoại giao khí hậu vẫn chưa đạt được thành quả.

Bằng chứng là các quốc gia ký Công ước cam kết đảm bảo ổn định nồng độ khí nhà kính trong bầu khí quyển ở ngưỡng an toàn cho hệ thống khí hậu; thế nhưng sau năm 1992, nồng độ khí nhà kính vẫn tiếp tục gia tăng, theo đó cam kết giảm phát thải đã không thành hiện thực. Cho đến Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu (COP 15) tại Copenhagen (Đan Mạch) năm 2009, các nhà đàm phán buộc phải thừa nhận rằng quá trình giảm thải đang thất bại và ngoài mục tiêu giảm thải, chính phủ các nước đã cam kết đầu tư tài chính lập quỹ thích ứng để giúp các nước nghèo khắc phục những hậu quả không thể tránh khỏi của biến đổi khí hậu.

Hơn 3 năm trôi qua, triển vọng về một hiệp ước toàn cầu mới nhằm giảm thiểu lượng khí thải càng trở nên xa vời hơn bao giờ hết và bản thân quỹ thích ứng hầu như vẫn trống rỗng. Trước tình trạng ấy, trong vòng đàm phán diễn ra ở Qatar năm 2012, các đại biểu đã bổ sung thêm yếu tố thứ ba bên cạnh mục tiêu giảm thải và thích ứng, đó là: tìm cách ứng phó với những nguy cơ, tổn thất đang tăng dần. Khoan chưa nói đến kết quả, việc thêm vào yếu tố thứ ba này chỉ càng khẳng định cho thế giới biết rằng cả hai yếu tố đầu sẽ không thể đạt được.

Dùng pháp lý để quy trách nhiệm

Trong hoàn cảnh hiện tại, các vấn đề được đưa ra ở vòng đàm phán Doha có thể chỉ là lời nói, song nếu hạn hán dữ dội, lũ lụt lan rộng, sóng nhiệt tăng cường, mực nước biển dâng cao, những hòn đảo nối nhau biến mất sẽ là câu chuyện khác. Lúc bấy giờ, nếu các nước lớn không hoàn thành nghĩa vụ pháp lý trong việc ngăn chặn biến đổi khí hậu thì không lâu nữa, họ sẽ bị các nước nhỏ đưa lên Tòa án Công lý Quốc tế của Liên Hợp quốc.

Ở mức độ thấp hơn, đã có những vụ kiện cá nhân chống lại các công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch và các tác nhân gây ô nhiễm khác, trong đó hầu hết xảy ra ở Mỹ, nhưng đều không thành công. Tòa án đã viện lý do biến đổi khí hậu là một vấn đề chính trị hơn là pháp lý để bác đơn của họ.

Vụ việc pháp lý đầu tiên diễn ra vào năm 2005, khi các nạn nhân của cơn bão Katrina đệ đơn cáo buộc nhóm các công ty dầu mỏ xả khí góp phần làm Vịnh Mexico ấm lên, khiến bão Katrina tăng cường trước khi đổ bộ vào đất liền. Sau 2 năm, vụ kiện đã bị bác bỏ một phần vì không kiểm chứng được thiệt hại do từng bị cáo gây ra.

Thiệt hại kinh tế mà siêu bão Katrina gây ra cho nước Mỹ có thể lên đến 100 tỷ USD (Ảnh: Forbes)

Đến năm 2008, một cộng đồng người Inupiat Eskimo thuộc ngôi làng Kivalina sống nhờ rạn san hô ngoài khơi bờ tây Alaska đã kiện Exxon Mobil và 23 công ty dầu, than đá, điện lớn khác gây ô nhiễm, làm cho mực nước biển dâng, dẫn tới hiện tượng xâm thực, xói lở bờ biển. Cộng đồng này đòi các bị cáo phải bồi thường 400 triệu USD để di dời làng vào sâu trong nội địa.

Luật sư Matt Pawa thuộc Tập đoàn Luật Pawa ở Boston, nơi thụ lý vụ việc, cho rằng các công ty năng lượng phải chịu trách nhiệm không chỉ bởi họ thải ra hàng triệu tấn khí nhà kính mà còn bởi một số công ty đã thông đồng cung cấp thông tin sai lệch cho công chúng về mức độ nguy hiểm của khí thải. Riêng cáo buộc thứ hai đã mở đường cho một loạt cáo buộc khác của các tầng lớp dân cư đối với các công ty thuốc lá và a-mi-ăng, phần vì các công ty này lên tiếng phủ nhận những bằng chứng khoa học về nguy cơ đến từ sản phẩm của họ.

Tuy có cơ sở nhưng tới tháng 9/2008, cộng đồng làng Kivalina vẫn bị thua kiện bởi các thẩm phán tòa án phúc thẩm liên bang phán quyết rằng vụ việc thuộc thẩm quyền của các chính trị gia chứ không phải tòa án. Không đồng tình với phán quyết của tòa phúc thẩm, nhiều khả năng, các nguyên cáo sẽ tiếp tục gửi đơn kháng cáo lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ.

Còn ở mức độ quốc tế, một nhóm đảo quốc nhỏ có nguy cơ biến mất khi mực nước biển dâng, đứng đầu là Palau ở tây Thái Bình Dương, đã yêu cầu Đại Hội đồng Liên Hợp quốc lấy ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý Quốc tế về trách nhiệm pháp lý của những nước có công ty gây tổn hại quốc tế thông qua việc “tiếp tay” cho biến đổi khí hậu.

Theo Giáo sư Douglas Kysar của Đại học Luật Yale, người đang theo đuổi vụ kiện, thì điều mà các quốc đảo trên mong muốn là chỉ cho thế giới thấy đây là vấn đề thuộc về pháp luật và công lý chứ không đơn thuần là vấn đề chính trị. Mặc dù không được đưa vào Công ước Khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu, song động thái ấy đã mở ra cánh cửa cho triển vọng của nó trong tương lai.

Ông Kysar cho biết Palau và các quốc đảo đồng minh dự định sẽ tiếp tục gửi yêu cầu này tới Đại Hội đồng nhằm đạt được những thỏa thuận pháp lý trong vấn đề khí hậu. Ông cũng tin rằng sẽ có ngày tòa án không còn né tránh hay e ngại các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu nữa.

Tuy nhiên, một khi có sự vào cuộc của pháp luật thì phải có bằng chứng rõ ràng chứng minh mối quan hệ giữa tác nhân gây ô nhiễm với hiện tượng thời tiết cực đoan. Điều đó đòi hỏi sự tham gia hiệu quả của khoa học. Trong nhiều trường hợp, nếu chỉ khăng khăng khẳng định những nhóm/công ty gây ô nhiễm chính là thủ phạm gây ra biến đổi khí hậu sẽ không đủ cơ sở đưa vụ kiện đi tới thành công mà các nhà khoa học sẽ phải chứng minh từng hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu có liên quan đến con người như thế nào.

Nhà khoa học hoạt động tích cực nhất trong lĩnh vực này là nhà xây dựng mô hình khí hậu người Anh Myles Allen. Ông và các đồng nghiệp ở trường Đại học Oxford đã chỉ ra rằng những trận lũ lụt tàn phá nước Anh năm 2000 và đợt sóng nhiệt tại châu Âu năm 2003 – hiện tượng thời tiết ước tính cướp đi sinh mạng của 35.000 người – nhiều khả năng đã tăng mức độ lên ít nhất hai lần do biến đổi khí hậu. Allen cũng có những bằng chứng thuyết phục cho thấy sự ấm lên toàn cầu đã biến đợt sóng nhiệt ở phía tây nước Nga năm 2010 thành một hiện tượng cực đoan, châm ngòi cho các đám cháy rừng và cháy than bùn trên diện rộng, khiến thủ đô Mát-xcơ-va bị bao phủ trong những đám khói khổng lồ…

Trước những đóng góp ngày càng hiệu quả của khoa học, ông Richard Lord, Luật sư của Brick Court Chambers (Anh), đồng thời là biên tập viên báo Climate Change Liability (Trách nhiệm pháp lý đối với biến đổi khí hậu), tin rằng việc làm của những nhà khoa học như Myles Allen và các đồng nghiệp tương lai sẽ làm tăng khả năng thành công cho các vụ kiện chống lại những nhóm/tổ chức gây ô nhiễm, nhất là trong bối cảnh các cuộc đàm phán chính trị tiếp tục chững lại và tác động của biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên nặng nề hơn.