Nhiều sai phạm trong quản lý, khai thác khoáng sản tại Bình Định

ThienNhien.Net – Ngày 16/4, Thanh tra Chính phủ tổ chức họp báo thông báo kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng quý I năm 2013 và kế hoạch công tác quý II năm 2013. Tại buổi họp báo, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Định từ năm 2004 đến năm 2011.

Tạo cơ chế xin – cho khi cấp phép khai thác khoảng sản 

Kết luận thanh tra cho thấy, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch khoáng sản còn nhiều hạn chế. UBND tỉnh Bình Định không lập quy hoạch khoáng sản (titan) thuộc thẩm quyền cấp phép của địa phương và chưa thực hiện việc khoạch định vùng cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

Thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản rườm rà, phức tạp, tạo ra cơ chế xin – cho, dễ phát sinh tiêu cực. Khi cấp giấy phép khai thác khoáng sản thì không đúng quy hoạch, không có quy hoạch, không thẩm định thiết kế cơ sở hoặc không được cơ quan chuyên môn tham vấn về thiết kế cơ sở vi phạm Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường.

Tỉnh Bình Định còn để cho tình trạng khai thác, chế biến quặng titan vào hàng ngàn ha rừng phòng hộ ven biển; cấp phép khai thác titan chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng.

Công tác quản lý hoạt động khoáng sản sau cấp phép bị buông lỏng, để nhiều doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước nhưng vẫn tiến hành khai thác.

Nhiều doanh nghiệp khai thác không đúng thiết kế không đúng quy trình, quy phạm, khai thác kém hiệu quả, lãng phí tài nguyên khoáng sản; không tiến hành phục hồi môi trường khi giấy phép hết hạn hoặc thu hồi do vi phạm.

Một điểm khai thác cao lanh (Ảnh: ThienNhien.Net)
Một điểm khai thác cao lanh (Ảnh: ThienNhien.Net)

Nhiều dự án vi phạm Luật Khoáng sản, Luật Đất đai 

Việc giao đất, cho thuê đất ở nhiều dự án vi phạm Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

Công tác tổ chức xác định giá thu tiền sử dụng đất với một số dự án đầu tư thiếu thực tiễn dẫn đến tình trạng thay đổi phương án nhiều lần, gây tâm lý không tốt cho nhà đầu tư dự án, thậm chí gây thất thu ngân sách Nhà nước.

Trong công tác quản lý tài chính, UBND tỉnh Bình Định và các cấp, các ngành còn chưa tuân thủ các quy định của pháp luật. Qua thanh tra, phát hiện sai phạm hơn 50,7 tỷ đồng, trong đó hơn 50,2 tỷ đồng phải thu về ngân sách Nhà nước và hơn 443,9 triệu đồng phải thoái trả cho các doanh nghiệp…

Sau thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh tiếp tục rà soát, phân loại diện tích rừng, trước mắt chỉ khai thác titan tại những diện tích quy hoạch phòng hộ nhưng chưa có rừng, diện tích có cây rừng nhưng hiện trạng thực bì ít và đã được khai thác tận thu titan nhiều lần, diện tích rừng trồng sau năm 2000.

Kiên quyết bảo vệ rừng, không cho khai thác tại diện tích rừng phòng hộ có mật độ cao, cây đã lớn, xác định là đất rừng phòng hộ ven biển, chắn sóng.

Bên cạnh đó, không gia hạn hoặc cấp đổi mới với các đơn vị có giấy phép khai thác khoáng sản nhưng không trực tiếp khai thác, vi phạm quy định pháp luật về khoáng sản, đất đai, môi trường, không khai thác theo quy trình…

Đồng ý với kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bình Định chấn chỉnh, khắc phục ngay hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật; kiểm điểm nghiêm túc các đơn vị, cá nhân sai phạm, đôn đốc thu nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong quý II.

Kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 682 tỷ đồng 

Quý I/2013, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện vi phạm về kinh tế 816,3 tỷ đồng, trong đó, kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 682 tỷ đồng, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý số tiền 134,2 tỷ đồng; kiến nghị tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có vi phạm; chuyển cơ quan điều tra 3 vụ.

Thanh tra các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 1.475 cuộc thanh tra, đã kết luận 713 cuộc thanh tra, phát hiện vi phạm về kinh tế số tiền 464,7 tỷ đồng; 3,9ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 348,3 tỷ đồng; 3,9 ha đất (đã thu hồi 129,4 tỷ đồng và 0,38ha đất); kiến nghị xử lý hành chính 56 tập thể, 87 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 5 vụ, 21 người.

Theo Thanh tra Chính phủ, tình hình khiếu nại của công dân trong quý I tăng so với cùng kỳ năm 2012 cả về số lượng, số đoàn đông người và số vụ việc. Các cơ quan Nhà nước đã tiếp 112.178 lượt công dân, 789 đoàn đông người, 58.332 vụ việc. Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu vẫn liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Các bộ, ngành, đại phương đã giải quyết 10.538/20.454 vụ khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước hơn 7,4 tỷ đồng; trả lại cho công dân hơn 1,5 tỷ đồng và 30.113m2 đất các loại; trả lại quyền lợi, minh oan 123 người; kiến nghị xử lý hành chính 62 người; chuyển cơ quan điều 1 vụ, 1 người.

Việc thực hiện Kế hoạch 1130 trong thời gian qua đã có tác động tích cực đến tình hình và kết quả của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các vụ việc khiếu kiện tồn đọng, phức tạp, kéo dài đã được giải quyết đúng đắn, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng như sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, nhất là những người khiếu nại, tố cáo.

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, cơ quan thanh tra đã phát hiện 14 vụ, 37 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng và có hành vi tham nhũng với số tiền 99 tỷ đồng (đã thu hồi được 48,1 tỷ đồng); kiến nghị xử lý hành chính đối với 6 cá nhân; xử lý hình sự với 5 vụ, 32 cá nhân. Ngoài ra, còn phát hiện việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn lập hồ sơ giải quyết chế độ bệnh binh không đúng đối tượng với 20 người thuộc xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà, và 9 người thuộc xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.