Chính sách mới tạo kẽ hở cho buôn lậu quặng qua biên giới

ThienNhien.Net – Với mục đích “gìn giữ cho muôn đời sau”, hạn chế việc chảy máu quặng thô giá rẻ sang bên kia biên giới, đầu năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị cấm xuất khẩu quặng thô, không cấp phép thăm dò, khai thác mới với một số loại quặng khác. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các doanh nghiệp vẫn bằng nhiều cách lách luật, làm giả hồ sơ để xuất lậu.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 127 Trung ương, trong năm 2012, đã có đến hơn 94 nghìn tấn quặng xuất lậu bị các lực lượng chức năng bắt giữ, chủ yếu qua tuyến biển.

“Khoáng sản xuất lậu chủ yếu ở địa bàn Quảng Ninh. Riêng địa bàn này năm 2012, lực lượng chức năng đã bắt giữ gần 48 nghìn tấn” – ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công thương, Phó ban Thường trực BCĐ 127 Trung ương tổng kết. Ngoài biên giới Quảng Ninh, vùng biển Bình Định, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng là những nơi xuất lậu quặng Ti tan, quặng sắt khá “tấp nập”.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển thì năm 2012, lực lượng này đã xử lý 41 vụ, thu giữ gần 3,8 nghìn tấn quặng Titan, 7,8 nghìn tấn quặng sắt, 14,5 tấn than.

Than cũng là một trong những loại khoáng sản bị xuất lậu nhiều qua biên giới (Ảnh: vef.vn)
Than cũng là một trong những loại khoáng sản bị xuất lậu nhiều qua biên giới (Ảnh: vef.vn)

Qua đấu tranh với các hành vi vi phạm này, Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm cho biết: Thủ đoạn phổ biến nhất hiện nay trên các tuyến đường biển là sử dụng hình thức thuê vận chuyển nội địa để qua mặt cơ quan chức năng, xuất lậu quặng thô đi Trung Quốc. Các đối tượng thường có sự tiếp tay của các doanh nghiệp xuất hóa đơn mua bán quặng nội địa và doanh nghiệp chủ phương tiện vận tải biển tổ chức vận chuyển thuê, cho thuyền viên xuất cảnh trái phép. Ngoài ra, các đối tượng còn có thủ đoạn lợi dụng xuất khẩu chính ngạch, đưa ra bộ hồ sơ xuất quặng hợp lệ hoàn toàn với việc đưa mẫu quặng đến các Trung tâm kiểm định VILAS là mẫu đủ điều kiện xuất khẩu, nhưng thực tế lại vận chuyển hàng không đủ điều kiện.

Việc chống buôn lậu vốn đã cực kỳ khó khăn, thì mới đây Bộ Công Thương lại ra một văn bản mới là Thông tư 41 thay thế cho Thông tư 08 (2008), khiến khó khăn còn tăng thêm gấp bội, tạo kẽ hở cho doanh nghiệp lợi dụng. Cả lực lượng Công an, Cảnh sát biển, Hải quan mới đây đều đã lên tiếng về bất cập này. Tại khoản 5 của Thông tư 41 có quy định: “Khi làm thủ tục thông quan, nếu Hải quan cửa khẩu có cơ sở nghi vấn lô hàng khoáng sản xuất khẩu không đạt tiêu chuẩn chất lượng thì vẫn cho thông quan”.nếu Hải quan cửa khẩu có cơ sở nghi vấn lô hàng

Bộ Công an cho rằng đây có thể là kẽ hở để các doanh nghiệp lợi dụng để xuất khẩu khoáng sản thô, khoáng sản không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cũng cho rằng “chỉ cần 2 dòng này thôi đã vô hiệu hóa 60% lực lượng chống buôn lậu khi tiến hành trinh sát theo dõi”. Đã phát hiện nghi vấn mà vẫn cho xuất, tang vật đi mất rồi thì sau đó dựa vào đâu để truy thu, để xác định vi phạm?