Nâng cao tính bền vững hệ thống canh tác lúa-tôm vùng ĐBSCL

ThienNhien.Net  – Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung danh mục dự án “Nâng cao tính bền vững của hệ thống canh tác lúa – tôm ở đồng bằng sông Cửu Long” (ĐBSCL) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sử dụng viện trợ không hoàn lại của Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện văn kiện dự án, thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện dự án theo quy định hiện hành về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

Mô hình tôm lúa ở ĐBSCL (Ảnh: thuysanvietnam.com.vn)
Mô hình tôm lúa ở ĐBSCL (Ảnh: thuysanvietnam.com.vn)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong khoảng 5 năm gần đây, hệ thống canh tác lúa – tôm đã phát triển mạnh ở nhiều tỉnh ven biển ĐBSCL, từ vài chục ngàn ha năm 2005 đã tăng lên khoảng 160.000 ha năm 2011, có thể đạt 180.000 ha vào năm 2015 và 200.000 ha năm 2020.

Tổng kết thực tế sản xuất ở nhiều địa phương cho thấy mô hình canh tác lúa – tôm có hiệu quả và tính bền vững cao.

Hệ thống canh tác lúa – tôm có tính thân thiện môi trường cao hơn các hệ thống chuyên canh vì dễ dàng áp dụng giải pháp “quản lý tổng hợp”, giảm nhu cầu sử dụng các loại hóa chất trong sản xuất lúa, ít gây hại đến môi trường tự nhiên, phù hợp với các yêu cầu thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP).

Mô hình này sản xuất ra nhiều sản phẩm – ngoài sản phẩm chính là lúa và tôm còn có thể tận dụng nguồn lực để xen canh các loại cây trồng, thủy sản khác. Vì vậy, nó bền vững hơn về mặt kinh tế và hiệu quả đầu tư, ổn định và tăng thu nhập cho người sản xuất trước những ảnh hưởng tiêu cực khi có biến động giá cả, thị trường.

Về mức độ tái sử dụng tài nguyên sinh học, sau một vụ tôm, các chất thải được cây lúa chuyển hóa và hấp thụ, góp phần hạn chế lượng phân bón, thuốc trừ sâu trong giai đoạn đầu. Ngược lại, sau một vụ lúa, các loại rơm rạ bị phân hủy tạo môi trường sống và nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm trong vụ nuôi tiếp theo. Nhờ đó, mô hình này góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và lợi nhuận.