Bảo tồn bò tót vùng rừng giáp ranh Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai

ThienNhien.Net – Theo Sách đỏ Việt Nam, bò tót là loài thú cỡ lớn, có thân dài từ 2,5 – 3m, cao vai 1,3 – 1,8m, trọng lượng 900 – 1.000kg, sừng to khỏe uốn hình cong bán nguyệt, bộ lông ở lưng màu đen xám hơi phớt xanh, bụng màu nhạt. Đây là loài thú móng guốc lớn được Sách đỏ thế giới xếp vào mức nguy cấp (EN). Nghị định 32 của Chính phủ cũng xếp bò tót vào nhóm IB với cấp độ động vật nguy cấp. Hiện loài bò tót được phân bố ở một số cánh rừng thuộc vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Đông Nam bộ.

Xung đột giữa bò tót và người 

Trên các cánh rừng vùng giáp ranh Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai hiện đang có khoảng 130 cá thể bò tót sinh sống. Theo một điều tra gần đây của Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai cho thấy, sự xung đột giữa loài bò tót ở khu vực này với con người và súc vật nuôi ngày càng gay gắt.

Nguyên nhân dẫn đến sự xung đột trên là do sinh cảnh sống của loài bò tót bị thu hẹp, nguồn thức ăn khan hiếm và tình trạng săn bắn đã khiến loài thú được xếp vào Sách đỏ thế giới này đang đứng trước nguy cơ bị đe doạ giảm đàn.

Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai cho biết, hiện nay khu vực rừng của khu dự trữ sinh quyển và các cánh rừng giáp ranh đang có nhiều đàn bò tót sinh sống. Trong đó, qua điều tra cho thấy các đàn bò đều có cả những cá thể đực, cái và cả con non. Điều đó cũng đồng nghĩa đàn bò tót sống trong những cánh rừng này đang sinh trưởng tốt.

Tuy nhiên, điều mà các nhà làm công tác bảo tồn đang lo ngại hiện nay là sự xung đột ngày càng tăng giữa bò tót với người dân và đây là mối nguy cơ tiềm ẩn về sự sụt giảm số lượng cá thể và tình trạng lây chéo bệnh giữa bò nhà và bò tót.

Qua khảo sát quần thể bò tót tại khu vực rừng Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đã phát hiện có 37 cá thể bò tót sinh sống, trong đó có 5 con non; khu vực xã Hiếu Liêm có 13 cá thể, trong đó có 3 con non; khu vực rừng thuộc xã Vĩnh An có 57 cá thể bò tót sinh sống, trong đó có 5 con non.

Tại khu vực rừng thuộc huyện Đồng Phú tỉnh Bình Phước, giáp ranh với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai cũng đã phát hiện 2 đàn bò tót khoảng 16 – 17 cá thể đang sinh sống, trong đó có cả con đực, con cái và con non. Tuy nhiên điều đáng lo ngại là tại khu vực trên diện tích rừng tự nhiên bị cắt giảm liên tục và được chuyển đổi sang rừng nguyên liệu, vườn cây ăn trái.

Theo số liệu thống kê, năm 2005 khu vực rừng giáp ranh thuộc địa phận huyện Đồng Phú có diện tích rừng tự nhiên gần 5.000ha nhưng đến năm 2012 diện tích rừng tự nhiên đã giảm xuống còn gần 3.000ha, được chia thành nhiều khoảnh khác nhau và xen lẫn là các cánh rừng cao su, rẫy hoa màu. Tại những rẫy cây ăn trái và hoa màu của người dân, thời gian gần đây liên tục bị các đàn bò tót và bò rừng kéo về phá, nhất là vào ban đêm. Cũng tại khu vực này, năm 2010 một cá thể bò tót bị bắn chết và liên tục từ 2011 đến 2012 có thêm 2 cá thể bò tót bị đánh bẫy chết.

Con bò tót hung dữ tiếp cận bò nhà (Ảnh: Lưu Quỳnh)
Bò tót tiếp cận bò nhà (Ảnh: Lưu Quỳnh)

Ngoài ra, qua khảo sát của Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai cũng ghi nhận, tại cánh rừng trên đang có một đàn bò nhà khoảng 100 con của người dân thường xuyên chăn thả ở khu vực này. Việc chăn thả gia súc bừa bãi trong khu vực phân bố của đàn bò tót đang làm tăng nguy cơ lây bệnh từ đàn bò nhà sang bò hoang dã.

Ông Mùi cho biết, thời gian gần đây trong khu vực vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển cũng đã xảy ra một số trường hợp bò tót húc người. Tại các xã Mã Đà, Phú Lý nằm trong khu vực Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, người dân vẫn thường xuyên bắt gặp bò tót kéo vào rẫy và các trạm kiểm lâm để uống nước và ăn cây trái của người dân. Tại nhiều khu vực bò xuất hiện thường xuyên, Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển đã đặt các biển cảnh báo với nội dung “khu vực bò tót thường xuất hiện, người không có trách nhiệm không được vào rừng”.

Ông Mùi nói thêm, hiện Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai cũng đã thành lập các tổ phản ứng nhanh để đối phó với sự xung đột bò tót với người dân. Khi bò xuất hiện tại rẫy của dân, tổ này sẽ đến giải thích và hướng dẫn người dân di chuyển để tránh làm hại đàn bò và có hình thức xua đuổi bò nhằm bớt gây thiệt hại hoa màu, cây trái.

Cấp bách bảo vệ đàn bò tót 

Ông Trần Văn Mùi, cho biết, trước nguy cơ giảm đàn và tránh sự xung đột giữa bò tót và người dân, chúng tôi đã đề xuất nhiều biện pháp để bảo tồn đàn bò quý hiếm này trên các cánh rừng, kể cả vùng rừng giáp ranh với huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Hiện Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai đã đề nghị tỉnh Bình Phước quy hoạch một số diện tích rừng giáp ranh, nhằm tạo thành một dải rừng liên tục để tạo sinh cảnh sống cho bò tót; thành lập tổ giám sát và phản ứng nhanh nhằm theo dõi sát sao quá trình sống, sinh trưởng và sự xung đột giữa đàn bò tót với ngừơi dân khu vực trên.

Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai cũng đã đề nghị các cơ quan chức năng thực hiện phương án di dời đàn bò tót trên vào vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển. Vì khu vực rừng giáp ranh với huyện Đồng Phú là một nhánh của sông Đồng Nai, do đó đàn bò không thể di chuyển qua sông để mở rộng sinh cảnh sống. Do đó, phương án di dời đàn bò qua Khu dự trữ sinh quyển nhằm mở rộng sinh cảnh và có phương án bảo tồn tốt hơn.

Hiện nay, Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai cũng đang triển khai xây dựng hàng rào điện tử để cách ly và tránh xung đột giữa các loài thú lớn với người dân. Hàng rào trên được xây dựng với tổng chiều dài 30km, gồm 20km hàng rào cố định và 10km hàng rào di động tại các vùng rừng thuộc xã Phú Lý và Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu).

Ông Mùi cho biết, ngoài phương án lập hàng rào điện tử, hiện Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai cũng đã thành lập các chốt giám sát bò tót. Những chốt này được dựng ở những độ cao nhất định, tại khu vực bò thường xuất hiện, nhằm mục đích theo dõi và bảo vệ đàn bò.

Đối với vấn đề dịch bệnh, cũng theo ông Mùi, hiện các đơn vị của Khu dự trữ sinh quyển đã đến các vùng dân cư trong khu vực tuyên truyền cho bà con biết những nguy cơ khi chăn thả bò nhà trong những vùng bò tót thường xuất hiện để tránh lây lan bệnh giữa hai loài này. Đối với ý kiến đề xuất cho lai tạo giống giữa bò tót và bò nhà, ông Mùi cho rằng việc làm này sẽ rất nguy hiểm và nếu diễn ra sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác bảo tồn nguồn gen của loài bò tót hoang dã.