15 năm ăn Tết cùng… bò

ThienNhien.Net – 15 năm nay, năm nào gia đình ông Giàng A Chềnh (xã Thanh Tương, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) cũng ăn Tết cùng đàn bò của mình trên các triền đồi ven hồ thủy điện.

Người chăn bò giữa lòng hồ thủy điện

Sinh sống ven lòng hồ thủy điện Tuyên Quang từ nhiều năm nay nên đối với gia đình ông Chềnh, chiếc thuyền nhỏ chính là phương tiện đi lại và cũng là ngôi nhà thứ hai. Ngôi nhà thờ tổ tiên và ruộng nương của ông đều nằm ở xã Thanh Chương, nhưng ông bỏ nhà trống, rồi cho thuê ruộng để gắn bó với nghiệp chăn nuôi trâu, bò. Thế mới nói, ở giữa vùng mênh mông sông nước này, những tưởng người ta chỉ biết đến con tôm, con cá do hồ mang lại, nhưng gia đình ông Chềnh lại mưu sinh chủ yếu bằng nghề chăn nuôi và buôn bán trâu, bò.

Có lẽ giữa nơi heo hút chẳng mấy khi có khách lạ đến thăm nên bỗng dưng có người cầm máy ảnh vừa bơi thuyền vừa chụp hình mình lia lịa, ông Chềnh tỏ ra lóng ngóng, ông vừa lấy tay che mặt vừa liếc mắt nhìn hai vị khách lạ. Chỉ đến khi được chúng tôi hỏi chuyện về đàn trâu, bò, ông Chềnh mới bình tĩnh đáp: “Hóa ra mấy anh đi tìm mua bò”. Nói đến bò, mắt ông sáng ngời, phong thái toát vẻ tự tin, hiểu biết.

Ông kể: “Đã 15 năm nay, cả gia đình tôi sinh sống ở vùng này bằng nghề chăn nuôi và buôn bán bò, ngoài những con bò tôi nuôi từ nhỏ thì có ai bán bò to, nhỏ, gầy, yếu, tôi đều mua về chăm sóc, vỗ béo rồi bán cho người có nhu cầu. Ngay khi lập gia đình, vợ chồng tôi đã xin ra ở riêng, rồi từ hai bàn tay trắng đi lên. Cày thuê cuốc mướn được vài năm, có được ít vốn, vợ chồng tôi bắt đầu chuyển sang nghề chăn nuôi bò. Khi có trong tay những chú bò đầu tiên cũng là lúc thằng con tôi sinh ra, mới đây mà nó đã học lớp 10 rồi đấy”.

Đang kể chuyện, dường như ông chợt nhận ra mình đã quá xa đà vào chuyện đời tư nên liền hỏi lại: “Các chú muốn mua bò như thế nào, nhiều hay ít?. “Chúng tôi muốn đến đây học hỏi kinh nghiệm nuôi bò cách nào mà không bệnh tật lại lớn nhanh, béo tốt” – vị khách lạ đáp.

Ông Chềnh vỗ đùi đôm đốp: “Cứ tưởng có người đến mua bò, gần Tết có mấy con đực béo lắm đang muốn bán. Bò của tôi rất ít khi bị bệnh, nếu có bệnh, tôi chỉ cần ngồi dưới thuyền ngửi mùi là biết ngay, nếu phát hiện sớm thì mình dùng lá cây chữa trị là hết bệnh. Muốn bò béo thì cứ hai năm phải di chuyển đàn đi nơi khác, nếu không chúng ăn phải cỏ mọc từ phân của nó sẽ dễ mắc bệnh và gầy yếu”.

Theo ông Chềnh, sở dĩ đàn bò của ông sinh nở và khỏe mạnh như vậy là nhờ chủ yếu vào những kinh nghiệm mà ông tự đúc kết. “Hiện tôi đang nuôi khoảng hơn 50 con bò, 25 con trâu, hầu như tháng nào tôi cũng bán một con trâu hoặc bò, đã 15 năm nay, năm nào “lương” của tôi cũng vào khoảng 15 – 20 triệu đồng, và 15 năm nay tôi ăn Tết cùng đàn bò ở đây, tôi mà về rất dễ bị kẻ xấu thịt mất bò”.

Mang Tết đến cho dân bản

Khi câu chuyện của chúng tôi dần về hồi kết thì từ xa có một chiếc thuyền lớn lao thẳng về phía “căn nhà nhỏ” của ông Chềnh. “Họ đến lấy bò về ăn Tết, tháng trước họ mang gửi tôi con bò gầy, giờ nó béo nên hôm qua tôi gọi họ đến bán lấy tiền tiêu tết” – ông Chềnh nói.

Ngoài chăn nuôi trâu, bò, khu chăn nuôi của ông Chềnh còn là nơi gửi trâu, bò bị bệnh, gầy yếu. Nhiều người cho rằng, không biết có phải do ông mát tay không mà trâu, bò bệnh vào tay ông là khỏi, gầy yếu chỉ tháng sau là béo mũm mĩm. Vậy là từ lâu ông đã là địa chỉ “vàng” cho người dân trong bản, xã tìm đến khi trâu, bò của họ không may bỏ ăn, gầy yếu.

Đang trò chuyện thì ông Chềnh đứng dậy, tay cầm túi muối bước ra khỏi thuyền, một con bò nhìn thấy ông rống lên vài tiếng vang vọng vào các thung lũng ven hồ. Khoảng 5 phút sau, cả đàn bò từ đâu ầm ầm kéo về, ông Chềnh tủm tỉm cười và nói với người gửi bò vừa đi thuyền vào ban nãy – “Đó, ông chọn bò của ông đi”. Người gửi bò quan sát hồi lâu rồi lắc đầu, cả đàn bò béo tốt như nhau nên chẳng biết đâu là bò của mình nữa. Cho đến khi ông Chềnh chỉ tay vào chú bò đã được đánh dấu thì chủ của nó mới nhận ra đó chính là con bò của mình.

Khi bò được đưa lên thuyền chở đi bán, câu chuyện của chúng tôi với ông Chềnh mới được kết nối trở lại. Ông Chềnh bảo: “Năm nay, thời tiết không lạnh nên ít người gửi bò, ở đây thời tiết lạnh mà không biết chăm sóc bò là dễ chết lắm, năm 2010 nhiều nơi bò chết khiến nhiều gia đình mất tết, thấy tôi chăn bò béo tốt cả khi mùa đông đến bà con đến học hỏi kinh nghiệm, năm nay trời không lạnh hay bà con biết cách chăm sóc nên không nghe bò chết nữa, bà con ở đây ăn tết to rồi”.

Ông Chềnh cũng cho hay: “Xã này có nhiều gia đình không có tiền mua bò, mình cho bà con mượn đi chăn, nếu đẻ được nhiều thì chia cho họ làm giống, thế mà mấy năm qua gần 20 gia đình mới ra ở riêng nhận bò về nuôi và đều thành công đó. Tiếc là ở đây xa trung tâm huyện, lại chỉ có đường thủy nên chở bò đi bán rất mất thời gian, nhiều khi bị người mua ép giá, họ xin bớt chút ít vì đường vận chuyển xa và khó khăn…”.

Với những thành công do chính bàn tay mình làm nên, ông Chềnh đã vươn lên trở thành hộ khá giả của xã, huyện, con cái đều được học hành đầy đủ, đồng thời ông còn là một “bác sỹ thú y” không chuyên chăm sóc bò…

Chia tay ông khi đàn bò đang kéo nhau lên núi gặm cỏ, còn vợ chồng ông lại tất bật chuẩn bị bữa cơm trưa đợi con đi học về, con thuyền cũng là căn nhà nhỏ của ông Chềnh cứ chòng chành trên mặt sóng lăn tăn như cuộc sống thăng trầm mà gia đình ông đã trải qua.

Và chắc chắn một điều, năm nay, gia đình ông lại đón thêm một cái Tết cùng đàn trâu, bò của mình.

090213_bo1
Vợ chồng ông Chềnh đã 15 năm qua ăn tết cùng đàn bò ở vùng long hồ thủy điện Tuyên Quang
090213_bo2
Đàn bò của ông Chềnh con nào cũng béo tốt
Chiếc thuyền và cũng là ngôi nhà thứ hai của gia đình ông Chềnh
Chiếc thuyền và cũng là ngôi nhà thứ hai của gia đình ông Chềnh