Tết cổ truyền của người La Hủ

ThienNhien.Net – Người La Hủ từ xưa tới nay không tổ chức ăn Tết theo bản, xã hay theo một cộng đồng người sống trên một vùng lãnh thổ mà tổ chức ăn Tết theo dòng họ.

Bí thư Đảng ủy xã Bum Tở Giàng Mò Xá

Hiện nay, thời điểm ăn Tết truyền thống của người La Hủ đã thay đổi theo lịch ăn Tết Nguyên đán của người Việt, song những nét độc đáo trong phong tục đón năm mới của cộng đồng nơi đây vẫn được duy trì mỗi dịp Tết đến xuân về.

Ăn Tết theo dòng họ

Anh Giàng Mò Xá (56 tuổi, Bí thư Đảng ủy xã Bum Tở, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) là một trong số ít những người La Hủ am hiểu tường tận những nét văn hóa truyền thống độc đáo của người La Hủ trong dịp Tết cổ truyền.

Rót chén trà ấm mời khách, Bí thư Xá vui mừng kể: “Cứ đến mùa hoa chó đẻ nở trắng rừng, tầm vào cuối tháng 12 dương lịch, tức khoảng tháng 11 âm lịch, người La Hủ lại bận rộn chuẩn bị đón năm mới. Vì thế, người La Hủ gọi hoa chó đẻ là “Ị pư ra mọ” tức loài hoa gọi Tết đến. Khi ấy, mọi nhà đều khẩn trương thu hoạch lúa, giã bánh dày rồi chọn ngày ăn Tết”.

Trong Tết cổ truyền của người La Hủ, bánh dày và thịt lợn là hai thực phẩm không thể thiếu trong bữa cơm. Đây cũng là hai thực phẩm quan trọng nhất trong mâm cơm cúng đầu và hết Tết. Vì vậy, dù nhà giàu hay bần cũng cố gắng lo cho được những tấm bánh dày và ít thịt lợn để làm mâm cơm cúng tiên tổ.

Khi một gia đình vì hoàn cảnh đến mức không thể tự lo được thì phải đến những nhà khác để xin bánh, thịt lợn về làm cơm cúng, nhất thiết không được để bàn thời trống, lạnh.

Bánh dày cúng là loại bánh to có tên gọi “O tê má”, đường kính khoảng 30cm, ban đầu làm tròn sau đó cắt đi một góc nhỏ hình trăng khuyết. Bánh này chỉ dành cho những người trong gia đình, cùng dòng họ và gần gũi nhau, không dành cho người ngoài.

Ngoài bánh “O tê má”, mỗi gia đình còn làm thêm loại bánh nhỏ dùng để làm quà biếu hàng xóm, láng giềng thể hiện tình cảm thân thiện giữa các gia đình, thôn bản.

Uống rượu và nhảy múa

Người La Hủ ăn Tết trong 5 ngày. Trong 5 ngày này, người La Hủ chỉ cúng tổ tiên hai lần. Lần đầu vào ngày đón Tết và lần cuối là ngày kết thúc Tết. Cả hai lần cúng này đều diễn ra vào lúc 4 – 5 giờ sáng. “Họ nào cũng phải tổ chức cúng tổ tiên vào lúc 4 – 5 giờ sáng để mời tổ tiên cùng về đón Tết cùng gia đình, dòng họ. Khi cúng hết Tết, cũng phải cúng vào lúc 4 – 5h sáng để tổ tiên ăn rồi về trời cho kịp trước khi trời tối” – Bí thứ Xá cho biết.

230113_BV_lahu2
Người La Hủ đánh trống để múa Xòe đón Tết

Ngày đẹp nhất để người La Hủ bắt đầu ăn Tết là ngày Hợi, Ngọ, Tỵ, nếu như không bị trùng giỗ và tránh ngày Dần. Trong 5 ngày Tết, người La Hủ kiêng sát sinh chó, dê (mặc dù vẫn được ăn) vì họ quan niệm đây là những con vật gần gũi, thân thiết và có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của gia đình, nếu giết chúng trong ngày Tết thì năm ấy sẽ mang lại những điều xui cho gia đình, dòng họ.

Ngoài điều này, trong những ngày Tết, khi quét nhà, người La Hủ cũng không vứt rác ra ngoài mà ủ vào một góc. Hết Tết, họ mới bỏ rác đi.

Theo Bí thư Xá, dòng họ ăn Tết dù to đến mấy nhưng nếu không có rượu, không có nhảy múa thì Tết của dòng họ ấy cũng không vui. Vì vậy, trong những ngày Tết, người La Hủ thường tập trung uống rượu, chơi trò chơi, hát và nhảy múa.

Trò chơi phổ biến nhất là đánh cù. Khi chơi cù, người La Hủ lập thành từng hội, người không tham dự trò chơi chỉ được đứng ngoài xem chứ không được bước qua vạch phát cù. Đây cũng là trò chơi phổ biến của rất nhiều dân tộc ít người ở khu vực Tây Bắc như người Thái, người Mông, nhưng quy tắc chơi có phần khác nhau.

Người La Hủ cũng sở hữu riêng những điệu múa xòe truyền thống. Kiểu múa xòe của người La Hủ có nhiều nét khát biệt với điệu múa xòe của người Hà Nhì hay người Thái.

Nếu như trong múa xòe của người Thái, mọi người nắm tay nhau thành một vòng tròn, di chuyển và đung đưa theo những nhịp bước thì đối với người La Hủ, trong múa xòe, họ thường tạo thành những cặp đôi (phần đông là nữ) trong một tập thể đội múa…

Khép lại những câu chuyện thú vị về tập tục đón Tết truyền thống của người La Hủ, vị Bí thư vui mừng chia sẻ, anh thấy rất vui vì người La Hủ vẫn giữ được gần như nguyên vẹn những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình mỗi dịp Tết đến xuân về.