Khổ vì ô nhiễm công nghiệp

ThienNhien.Net – Các khu công nghiệp (KCN) đóng vai trò không nhỏ trong việc đưa kinh tế Long An phát triển với tốc độ nhanh trong những năm qua. Nhưng cùng với đó là ô nhiễm môi trường mà đối tượng hứng chịu hậu quả đầu tiên không ai khác là người dân sống quanh KCN.

Xả thải tràn lan

Chúng tôi đến KCN Xuyên Á (xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa) vào một ngày cuối đông. Ở góc đường số 5-7, khu vực có nhiều nhà máy dệt nhuộm, ống khói từ nhà máy dệt kim Phương Đông (thuộc tập đoàn dệt may Vinatex) bốc khói ngùn ngụt, cứ 10 – 15 phút một lần, họng khói của nhà máy lại nhuộm đen một góc trời, cách xa cả cây số vẫn ngửi được mùi khét. Người dân sống gần KCN cho biết tình trạng này kéo dài từ nhiều năm nay. Quả thật trong 3 ngày liên tiếp sau đó, chúng tôi trở lại KCN Xuyên Á thì tình trạng trên không giảm chút nào.

Xả thải khói ở KCN Xuyên Á, Long An
Xả thải khói ở KCN Xuyên Á, Long An

Được biết KCN Xuyên Á do Công ty cổ phần Ngọc Phong làm chủ đầu tư, phần lớn các doanh nghiệp đang hoạt động ở đây phát sinh chất thải gây ô nhiễm nặng, đặc biệt là gần 10 đơn vị dệt nhuộm, xeo giấy, xi mạ, pha trộn thuốc trừ sâu… nhưng công tác quản lý hạ tầng không chặt chẽ nên dù đã xây dựng hoàn tất hệ thống xử lý nước thải công suất 10.000 m3/ngày/đêm mà KCN liên tục gây ô nhiễm môi trường, nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt.

Cách đó chừng vài cây số, KCN Đức Hòa 1 (ấp 5, xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa) cũng ô nhiễm không kém. Các kênh nội bộ trong KCN đều bị phủ kín bởi rác thải, lại thiết kế hở nên bốc mùi hôi thối nồng nặc. Chị Trần Thị Thảo, bán nước giải khát, cho biết vì KCN có nhiều nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu, chế biến thủy sản và chế biến nhựa nên lúc nào không khí cũng gây khó thở, đặc biệt vào những ngày mưa, mùi thuốc trừ sâu luôn nồng nặc.

Với KCN Hoàng Gia (ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa) thì nhà máy xử lý nước thải tập trung từ lâu đã không hoạt động. Mang tiếng là nhà máy nhưng chỉ là mấy bể lắng đang xuống cấp, nằm sâu trong bãi cỏ hoang um tùm, xung quanh là bùn thải khô cứng chất đống. Bảo vệ một nhà máy sơn tĩnh điện gần đó cho biết, bùn từ nhà máy đổ về nhà máy, không được xử lý mà lắng lại là được đổ thẳng ra bãi đất, nước thải được đổ về nhánh của kênh Ranh – vốn là nguồn nước tưới của người dân…

Người dân xã Mỹ Hạnh Nam phải dùng nước ô nhiễm để tưới lúa
Người dân xã Mỹ Hạnh Nam phải dùng nước ô nhiễm để tưới lúa

Cách đó không xa là những cánh đồng lúa xơ xác. Vừa cầm họng máy bơm hướng dòng nước đen ngòm lên ruộng, ông Bùi Văn Long (người dân ở ấp Mới 2) cho mấy năm nay dù biết nước ô nhiễm những vẫn phải lấy vì thiếu nước tưới. “Nước thế này cũng phải lấy về ruộng để cứu lúa, nhưng chỉ tưới được 2 lần thôi, thêm lần thứ ba là lúa thối rễ hết! 6-7 năm nay mất mùa hoài”, ông Long than thở. Người dân đã nhiều lần phản ánh bức xúc với chính quyền địa phương nhưng chưa nhận được phản hồi.

Từ năm 2008 đến 2012, các ngành chức năng đã thanh, kiểm tra và xử phạt đối Hoàng Gia hàng chục lần. Tuy nhiên, đến nay hệ thống xử lý nước thải tập trung ở đây vẫn chưa được xây dựng và vận hành đúng quy cách do chủ đầu tư đang gặp khó khăn về vốn.

Nếu đi dọc sông sông Vàm Cỏ Đông ở các huyện Bến Lức, Đức Hòa, Đức Huệ, sẽ thấy hàng loạt các khu, cụm công nghiệp nối tiếp nhau phủ kín bờ sông, nước sông ngày càng đen hơn và bốc mùi hôi. Nghề nuôi cá bè, đánh bắt trên sông đã thành ký ức.

Bùn thải công nghiệp không được xử lý đúng quy trình mà được đổ ngay cạnh chỗ xử lý nước thải của KCN Hoàng Gia
Bùn thải công nghiệp không được xử lý đúng quy trình mà được đổ ngay cạnh chỗ xử lý nước thải của KCN Hoàng Gia

Chuyền “bóng” cho nhau!

Ông Phan Thành Phi, Trưởng Ban quản lý các khu kinh tế tỉnh, cho biết trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Long An năm 2013, ngoài các chỉ tiêu về kinh tế thì chỉ tiêu về môi trường cũng được quan tâm đưa vào, bắt buộc 100% các KCN, CCN đang hoạt động phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong 16 KCN đã đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh có 11 KCN đã duy trì vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung, 85% có xây dựng hệ thống xử lý nước thải bước 1, tuy nhiên lãnh đạo Ban cũng không không chắc chắn các hệ thống này có được vận hanh thường xuyên hay không.

Ông Phi cho rằng nguồn nước thải của các doanh nghiệp thứ cấp có nồng độ nhiễm cao, gây khó khăn cho nhà máy xử lý nước thải vì phải liên tục nâng công suất. Ngoài ra ý thức bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp chưa cao, thường lén lút xả thải qua đường thoát nước mưa. Một số doanh nghiệp trong quá trình vận hành các thiết bị xử lý khói bụi, khí thải đã không tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nên xả thải vượt quy chuẩn cho phép.

Đơn cử như Công ty LIDA PIPE (KCN Thuận Đạo, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) mỗi tháng tiêu thụ 4.000 tấn thép nhưng không có biện pháp bảo vệ môi trường, xả khí thải vào khu dân cư, bị phạt nhiều lần nhưng vẫn tái phạm. Tháng 12/2012, Công ty TNHH Tongye China trong KCN Xuyên Á bị UBND tỉnh phạt 145 triệu đồng do xả khí thải, bụi vượt quy chuẩn 5 lần, không thực hiện đúng và đầy đủ ĐTM.

Ông Phi nhấn mạnh Ban quản lý các khu kinh tế tỉnh chỉ quản lý nguồn nước thải từ các doanh nghiệp sản xuất đổ về nhà máy xử lý nước thải tập trung, còn nước từ nhà máy xả ra môi trường là phần việc của Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Long An. Hơn nữa, hiện nay Thanh tra của Ban không có quyền xử phạt mà chỉ được lập biên bản và báo cáo cơ quan chức năng. Nhưng khi đó, lãnh đạo Sở Tài nguyên – Môi trường lại khẳng định việc quản lý môi trường trong các KCN không phải trách nhiệm của Sở mà thuộc trách nhiệm Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh?