Lâm tặc lộng hành ở hồ thủy điện Bình Điền

ThienNhien.Net – Dưới danh nghĩa khai thác thủy sản và tận thu lâm sản trên lòng hồ thủy điện, từ nhiều năm nay người dân đang sinh sống tại ở các thôn Bình Thành, Bình Điền lén lút dùng ghe, đò hoạt động tấp nập cả ngày và đêm để vận chuyển lương thực, xăng dầu, dụng cụ cho các đối tượng khai thác rừng trái phép. Người dân thiếu đất sản xuất, trở lại với rừng để kiếm sống làm cho công tác kiểm tra, ngăn chặn khai thác lâm sản trái phép của ngành chức năng trở nên khó khăn hơn.

Bất chấp pháp luật

Theo thống kê, có khoảng hơn 100 ghe thuyền của một bộ phận người dân xã Bình Thành, Bình Điền và các vùng lân cận thường xuyên hoạt động khai thác gỗ trái phép với nhiều hình thức khá tinh vi như giấu thuyền bằng cách nhấn chìm dưới lòng hồ, khe suối (chủ yếu là khe Mù Nú) nhằm qua mặt các cơ quan chức năng; hay đánh chìm gỗ rồi dùng ghe thuyền có gắn động cơ kéo gỗ về xuôi.

Ông Nguyễn Đức T (một hộ dân ở thôn Bình Tân, xã Bình Thành) cho biết: “Trước đây bà con vốn là cư dân làm nghề đánh cá trên sông. Khi thủy điện Bình Điền đi vào hoạt động, đất tái định cư quá ít, người dân thiếu đất sản xuất nên trở lại rừng kiếm sống. Người dân chúng tôi chỉ khai thác lâm sản phụ thôi, duy chỉ có một bộ phận chuyên dùng thuyền đi sâu vào vùng thượng nguồn để khai thác gỗ trái phép, tập kết, đánh chìm ở các khe suối rồi vận chuyển về xuôi tiêu thụ”.

Một thực trạng cho thấy, đường khai thác, vận chuyển đã được rút ngắn, thuận tiện hơn nhiều từ khi thủy điện Bình Điền đi vào hoạt động. Trước đây, để đi ngược lên thượng nguồn sông Hương đến bản Sông Hương (xã Hương Nguyên, huyện A Lưới) phải mất vài ngày cuốc bộ đường rừng. Bây giờ thủy điện tích nước, các nhánh sông bị ngập, chỉ cần 2 giờ đồng hồ là có thể đến nơi, vì thế công tác kiểm tra, ngăn chặn lâm tặc càng khó khăn hơn. Tại thủy điện Hương Điền, nhiều cánh rừng cũng cùng chung số phận khi tình trạng lâm tặc hoạt động trên lòng hồ cũng khá tấp nập.

Trong lòng hồ thủy điện Bình Điền
Trong lòng hồ thủy điện Bình Điền

Sẵn sàng chống trả người thi hành công vụ

Ông Nguyễn Đại Hóa – Chủ tịch UBND xã Bình Điền khẳng định: “Khi thủy điện đi vào hoạt động, tình trạng khai thác gỗ trái phép trên địa bàn trở nên phức tạp hơn. Nguyên nhân là do người dân thiếu đất sản xuất nên trở lại rừng kiếm sống. Địa phương đang xúc tiến cấp đất sản xuất cho người dân, nhưng gặp khó khăn ở chỗ quỹ đất đang còn hạn hẹp, cần có sự phối hợp, cân đối giữa các lâm trường”.

Theo ông Hóa, tại địa phương Bình Điền mới có 11 phương tiện đăng ký, có chứng chỉ của ngành chức năng về cấp phép hoạt động ghe thuyền trên lòng hồ, trong khi đó, số lượng ghe thuyền hoạt động không giấy phép, lợi dụng địa hình xa, phức tạp khai thác gỗ trái phép lại khá nhiều.

Nói về trình trạng mất rừng trong lòng hồ thủy điện, ông Nguyễn Văn Quế – Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho hay: “Khi thủy điện Bình Điền mở ra, hàng trăm ha rừng bị mất trong lòng hồ, giờ rừng tiếp tục bị mất do người dân khai thác trái phép. Bởi vì, có lòng hồ người ta dễ dàng đi thuyền sâu vào phía thượng nguồn để khai thác”.

Hiện công tác tuần tra, kiểm soát ngăn chặn ghe thuyền hoạt đông trái phép trong lòng hồ thủy đện Bình Điền được Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Trà triển khai ráo riết. Tuy nhiên các đối tượng rất hung dữ chống lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Mới đây đoàn kiểm tra của Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Trà phát hiện 2 chiếc ghe hoạt động trái phép trong lòng hồ thủy điện Bình Điền, đưa về Trạm Kiểm lâm ở khu vực lòng hồ để lập biên bản tạm giữ. Đến chiều cùng ngày, một nhóm 7 người do Lê Văn Mong (trú xã Bình Thành) cầm đầu, xông vào dùng dao đe dọa và khống chế lực lượng kiểm lâm. Sau đó, các đối tượng đã cướp một chiếc ghe tẩu thoát.

Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Trà, trong năm 2012, hạt đã tiến hành bắt giữ 76 ghe thuyền hoạt động trái phép, xử phạt hành chính 35 triệu đồng. Đối với hoạt động khai thác gỗ trái phép đã xử lý 148 vụ, tịch thu 136m3 gỗ lậu và 227kg động vật hoang dã.

Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác gỗ trái phép của lâm tặc, Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Trà cũng đã thành lập trạm kiểm lâm ở lòng hồ với 6 kiểm lâm viên. Tuy nhiên, theo ông Kiệm, việc quản lý, ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ trái phép hiện nay rất khó khăn bởi số lượng ghe, thuyền khá đông, diện tích lòng hồ thủy điện lớn, có nhiều khu rừng liên quan trong khi Hạt kiểm lâm Hương Trà chỉ kiểm soát 1/5 diện tích rừng liên quan đến lòng hồ thủy điện. Số diện tích còn lại thuộc địa bàn các huyện Nam Đông, A Lưới.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có chỉ thị, yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng trên địa bàn, nhằm ngăn chặn nguy cơ tái diễn nạn phá rừng, bảo vệ tài nguyên rừng, nghiêm cấm hành vi đưa người, công cụ, phương tiện thủ công, cơ giới vào rừng để săn bắt, khai thác chế biến lâm sản, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ xâm hại cao như đầu nguồn sông Hương.