Bảo vệ rừng bằng xã hội hóa

ThienNhien.Net – Trung bình mỗi kiểm lâm phụ trách 1,4 xã có rừng. Điều này rõ ràng vừa quá sức, vừa không đáp ứng được yêu cầu giữ rừng. Trong khi đó hình thức vận động người dân quản lý rừng lại chưa thực sự phổ biến.

Về việc chi trả cho công tác bảo vệ rừng hiện nay, ông Phùng Văn Vinh – Chi cục trưởng Chi cục lâm nghiệp tỉnh Phú Thọ không khỏi lo ngại vì nguồn thu quá ít. Tại Phú Thọ chỉ có 2 nguồn thu chính là thu của Công ty nước sạch và của các đơn vị sử dụng một phần diện tích rừng cho thủy điện Hòa Bình.

Nguồn thu ít, việc chi trả cho chủ rừng lại vấp phải khó khăn về vấn đề thủ tục: muốn chỉ trả cho hộ gia đình phải có đề án được phê duyệt… Điều này dường như đang tăng gấp đôi khó khăn cho việc bảo vệ rừng dựa vào lực lượng chủ chốt là nhân dân.

Lực lượng bảo vệ rừng ở Việt Nam còn rất mỏng, chưa đảm bảo công tác bảo vệ rừng bền vững. (Ảnh: ThienNhien.Net)
Lực lượng bảo vệ rừng ở Việt Nam còn rất mỏng, chưa đảm bảo công tác bảo vệ rừng bền vững. (Ảnh: ThienNhien.Net)

Trong lúc đó, ở Lai Châu, nơi đã thành lập được Quỹ Bảo vệ & Phát triển rừng mọi việc dường nhu đơn giản hơn rất nhiều. Ban quản l‎í rừng phòng hộ Tam Đường là một trong mười đơn vị của tỉnh Lai Châu nhận khoán từ Quỹ để bảo vệ khoảng 24.500 ha rừng. Số rừng này được giao cho các hộ ở 105 bản. Đến nay diện tích rừng, nhất là rừng tự nhiên của Lai Châu không chỉ được bảo vệ tốt mà còn tiếp tục phát triển.

Anh Lương Văn Mục, thôn Thèn Thầu, xã Bình Lư (Tam Đường, Lai Châu), một trong những hộ gia đình nhận khoán 7,5ha rừng cho biết: “Công việc hằng ngày của các thành viên trong gia đình là bảo vệ rừng, phòng cháy cho rừng và canh gác thường xuyên tránh để đối tượng phá hoại rừng hoạt động. Trước kia, dù rất chăm chỉ làm ăn nhưng gia đình anh vẫn gặp khó khăn về kinh tế. Nay được nhận tiền trông, chăm sóc rừng từ Ban Quản l‎í rừng phòng hộ Tam Đường, kinh tế gia đình anh khá hẳn lên. Bản thân mỗi người trong gia đình anh cũng có trách nhiệm hơn với công việc bảo vệ rừng”.

Thông tin từ Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNTVN): hiện cả nước có gần 11.800 kiểm lâm viên, trong đó kiểm lâm địa bàn toàn quốc là hơn 4.400 người, phụ trách 5.531 xã. Với số lượng kể trên, dù có căng hết lực lượng thì kiểm lâm cũng không thể bảo vệ được diện tích rừng hiện có. Trong khi đó số người dân nhận khoán bảo vệ rừng cũng không ít. Nếu nguồn kinh phí thu từ những đơn vị sử dụng rừng được đưa đến với những người dân đang ngày đêm sống với rừng thì sẽ phát huy tối đa việc xã hội hóa công tác bảo vệ rừng.

Trong giai đoạn thực hiện thí điểm chính sách (2008-2010), tổng số thu tại hai tỉnh thí điểm là Lâm Đồng và Sơn La thu qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (quỹ trung ương) đạt tới 493 tỉ đồng, mức chi trả bình quân tiền DVMTR giai đoạn này đạt trên 200.000 đồng/ha. Tại Sơn La, tổng số thu tiền DVMTR là 113 tỉ đồng, số tiền đã chi trả đến 50.967 chủ rừng khoảng 99,4 tỉ đồng với diện tích được chi trả 421.909ha, bình quân trong 2 năm mỗi hécta được chi trả hơn 235.000 đồng.

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng được thành lập theo Nghị định 05/2008/NĐ-CP của Chính phủ, với mục tiêu chính là huy động các nguồn lực của xã hội để bảo vệ, phát triển rừng. Một trong những hoạt động trọng tâm của quỹ hiện nay là thực hiện Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) thông qua việc ký kết hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với các đối tượng sử dụng DVMTR và thực hiện triển khai chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhận nhận khoán bảo vệ rừng.