Khu BTTN Kim Hỷ đẩy mạnh truy quét khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép

ThienNhien.Net – Sau hai tháng thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 02/7/2012 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn về ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép gây hủy hoại môi trường trên địa bàn tỉnh, công tác bảo vệ rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Tình hình khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép trong Khu bảo tồn trong những tháng mùa khô năm nay có những diễn biến phức tạp. Chỉ tính riêng trong tháng 10, Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn đã tiến hành lập biên bản 05 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, nâng tổng số vụ vi phạm từ đầu năm đến nay lên 90 vụ (trong đó, 15 vụ khai thác, 73 vụ vận chuyển, mua bán, cất giữ, 01 vụ cháy rừng và 01 vụ sử dụng súng săn trái phép).

Các tổ chốt liên ngành phối hợp với lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn tiến hành kiểm tra, truy quét các đối tượng khai thác lâm, khoáng sản trái phép trong khu vực quản lý

Để thực hiện tốt công tác quản lý lâm, khoáng sản tại Khu bảo tồn, Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn đã chủ động tham mưu cho UBND huyện Na Rì ra Quyết định thành lập thêm 03 tổ chốt liên ngành gồm kiểm lâm, công an, quân sự, quản lý thị trường và cán bộ cấp xã, các tổ chốt được bố trí tại các thôn Kim Vân, Nà Mò thuộc xã Kim Hỷ và tổ chốt Vằng Khít, xã Lương Thượng- những điểm nóng về khai thác gỗ, vàng trái phép. Các tổ chốt liên ngành này có chức năng nhiệm vụ kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các trường hợp khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép hoặc đưa các chất gây cháy, dụng cụ phục vụ khai thác vàng trái phép vào Khu bảo tồn.

Từ khi đi vào hoạt động, 03 tổ chốt liên ngành đã phát huy tối đa hiệu quả, các tổ chốt thường xuyên trực 24/24 giờ, tiến hành kiểm tra, ngăn chặn các tuyến đường chính, một số đường mòn lên rừng… Không cho các đối tượng vận chuyển xăng dầu, máy móc vào phục vụ khai thác vàng trái phép tại các khu vực Vằng Khít, Nà Mò, Kim Vân, thuộc hai xã Lương Thượng và Kim Hỷ. Đồng thời, tổ công tác còn phối hợp với chính quyền địa phương, tổ liên ngành của huyện và các trạm kiểm lâm Khu bảo tồn tuần tra, kiểm tra, truy quét trên rừng, các lũng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân khai thác, vận chuyển lâm sản, khai thác vàng trái phép trong Khu bảo tồn.

Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ cho biết: Song song với việc chốt chặn không cho vận chuyển máy móc, nhiên liệu vào khu bảo tồn, Hạt Kiểm lâm đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện, tỉnh tiến hành kiểm tra, truy quét tại 14 điểm khai thác vàng trái phép, phá bỏ 61 lán trại, tiêu hủy 57 máy móc các loại, 4 xe rùa, 150 lít dầu, cắt đứt 6.250 mét vòi dẫn nước, trục xuất ra khỏi khu vực khai thác trên 300 người và tạm giữ 1 máy khoan, 1 cưa xăng, 2 xe máy, 80 lít dầu…

Tiêu hủy lán trại, máy móc phục vụ khai thác vàng trái phép trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ

Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở, nhân lực thiếu nên việc kiểm tra, truy quét tại các lũng trên rừng chưa được toàn diện, hiện nay còn khoảng 20 địa điểm chưa tổ chức kiểm tra, truy quét được. Tại các địa điểm ở khu vực Tốc Lù, Lũng Quang vẫn còn một số đối tượng nghiện hút cố tình bám trụ khai thác thủ công, trốn trong hang, trên núi mỗi khi có đoàn kiểm tra đến truy quét, làm cho tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội cũng như bảo vệ môi trường trong Khu bảo tồn vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Do đó, việc duy trì các tổ chốt liên ngành đặt tại các điểm lên núi trong Khu bảo tồn sẽ hạn chế tối đa việc vận chuyển xăng dầu, máy móc, phương tiện vào khai thác lâm, khoáng sản trái phép.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, do lợi nhuận từ việc khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép quá lớn, nhiều đối tượng khai thác vàng ở trong Khu bảo tồn đã coi đây là một nghề để kiếm sống nên cố tình bám trụ. Đối tượng vi phạm rất nhiều, chủ yếu là người địa phương kết hợp với người ở các tỉnh khác, hình thức hoạt động tinh vi như: Cử người theo dõi mọi hoạt động của Tổ chốt khi đi kiểm tra, truy quét ở các tuyến đường lên rừng, sử dụng điện thoại di động, dùng các tín hiệu riêng để thông tin báo hiệu cho nhau, đặt bẫy đinh ở các vũng nước…

Do đó, trong thời gian tới Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ rất cần có sự quan tâm thường xuyên của lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong việc cấp bổ sung kinh phí để duy trì hoạt động lâu dài các tổ chốt liên ngành. Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn cụ thể trong việc xử lý vận chuyển máy móc, xăng dầu, phương tiện vào hai xã Kim Hỷ và Lương Thượng, vì đây là đầu mối duy nhất của các đối tượng trong việc khai thác trái phép lâm, khoáng sản ở Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ.