Luật Đất đai cần ưu tiên tính minh bạch và công bằng

ThienNhien.Net – “Việc hình thành tính minh bạch và công bằng trong thu hồi đất và bồi thường là ưu tiên quan trọng cho sửa đổi Luật Đất đai” là một trong những nội dung quan trọng nằm trong “Khuyến nghị chính sách “Sửa đổi Luật Đất đai để thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam” vừa được Ngân hàng Thế giới và Chương trình Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam đưa ra ngày 05/11 trước thềm các phiên thảo luận của Quốc hội về thay đổi Luật Đất đai.

(Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)

Nghiên cứu của hai tổ chức tập trung vào các cải cách cần thiết để giải quyết các kẽ hở và thiếu sót hiện thời, cung cấp những ý tưởng về cải cách thể chế quan trọng để cải thiện hệ thống quản lý đất đai của Việt Nam, giảm bớt bất ổn liên quan đến tranh chấp đất đai, và kiểm soát tham nhũng tốt hơn.

Nghiên cứu đưa ra các cải cách liên quan đến bốn chủ đề chính: sử dụng đất nông nghiệp, minh bạch và công bằng trong thu hồi đất và bồi thường, quyền sử dụng đất của các nhóm dễ bị tổn thương, và quản lý quy hoạch đất đai. Theo đó, một cơ chế hiệu quả và minh bạch để xác định giá đền bù đất khi đất bị Nhà nước thu hồi là một ưu tiên hàng đầu.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, Nhà nước chỉ nên cưỡng chế thu hồi đất trong những trường hợp vì lợi ích công cộng, đồng thời lưu ý rằng cải thiện cơ chế giải quyết khiếu nại sẽ làm giảm khiếu nại, đẩy nhanh tốc độ thực hiện dự án và thúc đẩy ổn định xã hội.

Thay đổi liên quan đến sử dụng đất nông nghiệp sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng đất cũng như đảm bảo quyền lợi của người nông dân trong sử dụng đất. Kéo dài thời gian sử dụng đất nông nghiệp sẽ là động lực lớn hơn cho người sử dụng đất để đầu tư và chăm sóc đất đai.

Hiệu quả đất nông nghiệp sẽ được cải thiện nếu luật pháp cho phép tích lũy ruộng đất lớn hơn và linh hoạt hơn trong sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt khi các mục tiêu an ninh lương thực của Việt Nam về cơ bản đã được đáp ứng.

Sửa đổi Luật Đất đai mang lại cơ hội để tái khẳng định và củng cố quyền sử dụng đất của các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, người nghèo và các cộng đồng dân tộc thiểu số.

Nghiên cứu kết luận, việc phát triển một hệ thống quản lý đất đai linh hoạt, hiệu quả hơn, hướng tới cải thiện tính minh bạch và giảm tham nhũng là điều cần thiết để hệ thống quản lý đất đai của Việt Nam phù hợp với một quốc gia có thu nhập trung bình.