Phát triển thủy điện: Cần góc nhìn đa diện

ThienNhien.Net – Phát triển thủy điện là việc làm cần thiết phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế, tạo động lực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thủy điện cũng đã và đang ẩn chứa nhiều nguy cơ về thảm họa môi trường và kinh tế, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp và vấn đề an toàn của vùng hạ lưu thủy điện. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận vấn đề phát triển thủy điện bằng một cách đa diện hơn.

Những hệ lụy

Trong khoảng 5 năm vừa qua, những tác động bất lợi của việc xả lũ từ hệ thống các nhà máy thủy điện ở miền Trung (Các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn: thủy điện A Vương, Sông Tranh, Sông Bung…, trên sông Ba: thủy điện sông Ba Hạ, Đại Ninh) đã ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế – xã hội ở vùng hạ lưu.

Hiện nay, miền Trung là khu vực có số lượng nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ lớn, nhiều lưu vực sông có tới hàng chục nhà máy (lưu vực Thu Bồn – Vu Gia có gần 50 dự án) đã và đang được xây dựng. Khu vực này lại có khí hậu đặc trưng mưa mùa và mưa cục bộ theo bức chắn địa hình nên lượng mưa và lượng nước tập trung trên một lưu vực sông là rất lớn. Thêm vào đó, hệ thống các nhà máy thủy điện theo dạng bậc thang nên sau một thời gian tích nước quá ngưỡng an toàn thì các nhà máy lại thường tiến hành xả lũ đồng loạt, hơn nữa, thời điểm xả lũ lại thường là vào mùa mưa, khi lượng mưa đạt cực đại cộng với lượng mưa lớn.

Nước xả từ các hồ, từ mưa, từ các phụ lưu, từ các lưu vực dồn về dòng chính đã tạo ra sự cộng hưởng của nước với lưu lượng nước cực đại (trong đó nước từ các hồ thủy điện có lưu lượng và tốc độ dòng chảy lớn nhất) sẽ tạo ra những trận lũ với mực nước dữ dội và hậu quả khôn lường. Vào lúc này, hệ thống các nhà máy thủy điện không những không còn khả năng ngăn lũ mà còn làm gia tăng cường độ lũ. Số lượng nhà máy thủy điện trên một hệ thống sông càng nhiều, khoảng cách bậc thang càng ngắn thì cường độ xả lũ, sự cộng hưởng của lũ sẽ ngày càng tăng lên, mức độ ảnh hưởng là rất nghiêm trọng.

Hầu hết các đề án xây dựng thủy điện đưa ra nhiều mục tiêu đa dạng như phát điện, điều hòa lũ, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp…Tuy nhiên, trên thực tế các dự án này chủ yếu phục vụ cho việc phát điện, các mục tiêu khác – nhất là điều tiết lũ lụt – hầu như chưa đạt tới. Việc ồ ạt xây dựng các nhà máy thủy điện trên cùng một hệ thống sông có thể dẫn tới kịch bản khoảng chục năm sau là các hồ thủy điện đồng loạt mất khả năng điều tiết lũ vào cùng một thời điểm và hậu quả tất hiếu là những trận lũ quy mô lớn, khó có thể lường trước thiệt hại.

Dự báo không lạc quan

Sau khoảng 100 năm kể từ khi nhà máy thủy điện đi vào vận hành, các lòng hồ thủy điện sẽ không còn khả năng tích nước cho vùng hạ du, dẫn đến mất vai trò cung cấp, điều tiết, dự trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vào mùa khô, hạn hán. Trong khi, hầu hết các vùng sản xuất nông nghiệp hiện nay nước ta, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng, sông Vu Gia –Thu Bồn đang phụ thuộc rất nhiều từ sự điều tiết nước của các hồ thủy điện (Hòa Bình, Thác Bà, Trị An, A Vương, Đắk Mi…) – khoảng trên 80% diện tích sản xuất nông nghiệp nước ta đang phụ thuộc vào nước của hệ thống các hồ thủy điện – thủy lợi. Nước từ hệ thống hồ thủy điện có thể quyết định đến diện tích, năng suất, thời gian gieo trồng, thậm chí cả phương thức canh tác….từ đó ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.

Khoảng 100 năm sau liệu con người có thể tìm ra nguồn năng lượng mới thay thế thủy điện không? Câu trả lời là chưa chắc. Với tốc độ phát triển nhà máy thủy điện như hiện nay, đến những năm 2050, tất cả các con sông ở Việt Nam sẽ được khai thác hết và cũng sau một khoảng lùi thời gian tương tự (khoảng 100 năm kể từ khi đi vào hoạt động) các lòng hồ chuyển thành các đầm lầy, hồ thủy điện sẽ không còn khả năng tích nước, mất khả năng phát điện, các nhà máy thủy điện chỉ là các công trình “lưu niệm”. Như vậy, nguồn năng lượng từ thủy điện cơ bản không còn. Có nghĩa là các thế hệ tương lai mất đi quyền bình đẳng trong việc hưởng quyền sử dụng nguồn năng lượng do thiên nhiên ban tặng.

Ngoài ra, khi xây dựng các hồ thủy điện, một hệ sinh thái rộng lớn bao gồm cả rừng và đất sản xuất sẽ chuyển thành hệ sinh thái ngập nước. Điều này sẽ dẫn tới những biến đổi nghiêm trọng về môi trường sống của các loài sinh vật, cũng như sự thay đổi vi khí hậu của khu vực. Sau khi không còn khả năng sử dụng, hệ sinh thái ngập nước lòng hồ chứa sẽ chuyển thành hệ sinh thái đầm lầy. Cùng với thay đổi trạng thái, hàng loạt các yếu tố khác cũng thay đổi theo như môi trường khí hậu, đa dạng sinh học… Bên cạnh đó, việc phát triển các nhà máy thủy điện cũng phá hủy một vùng rừng lớn ở khu vực xây dựng các nhà máy.

Những tác động của thủy điện đối với môi trường diễn ra trên phạm vi rất rộng và lâu dài. Đã đến lúc cần nhìn nhận lại, thủy năng không phải là nguồn năng lượng vô tận, nguồn “năng lượng sạch hoàn toàn”. Cần phải có một cách tiếp cận mới về nguồn năng lượng này để có kế hoạch, chiến lược sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm, tránh những thảm họa môi trường – kinh tế – xã hội đã nhìn thấy trước hoặc chí ít cũng là tạo ra sự bình đẳng với thế hệ mai sau về quyền sử dụng nguồn tài nguyên do thiên nhiên ban tặng.