Liệu có thể kỳ vọng ở KAZA?

ThienNhien.Net – Một khu bảo tồn liên biên giới giữa 5 quốc gia vùng Nam Phi nhằm mở rộng đáng kể lãnh thổ cho loài voi sẽ sớm hình thành và gắn tên Kavango Zambezi (gọi tắt là KAZA). Tác giả Caroline Fraser nhận xét đây là một “thử nghiệm đầy tham vọng nhằm bảo tồn các loài động vật hoang dã (ĐVHD) bị đe dọa ở châu Phi”. Tuy nhiên, trong một bài viết đăng trên chuyên trang môi trường và bảo tồn E360 của Đại học Yale (Mỹ), bà cho biết cũng còn nhiều ý kiến nghi ngại về triển vọng thực sự của KAZA.

Thắp hy vọng từ KAZA

Khu bảo tồn Xuyên biên giới KAZA trải trên diện tích 440.000km2 của 5 nước Angola, Botswana, Namibia, Zambia và Zimbabwe (Ảnh: E360.yale.edu)

Khu bảo tồn Xuyên biên giới KAZA hoàn toàn có thể kiêu hãnh không chỉ bởi đây là dự án sinh thái lớn nhất thế giới trải rộng trên 440.000km2 (tương đương diện tích đất nước Thụy Điển), mà còn bởi đây là nơi quy tụ được quần thể voi lớn nhất hành tinh, lên tới 250.000 con, với 40 khu vực được bảo vệ, trong đó có các công viên quốc gia, khu dự trữ rừng – khu vực dành cho săn bắn và các khu bảo tồn cộng đồng.

Trở lại thời kỳ nội chiến kéo dài tại Angola, đã có khoảng 100.000 cá thể voi bị tàn sát lấy ngà đổi vũ khí. Tính đến thời điểm năm 2001, một năm trước khi nội chiến kết thúc, trong Khu bảo tồn Quốc gia Luiana chỉ còn sót lại chưa đầy 40 cá thể. So với thực tế ấy thì có vẻ như Khu bảo tồn KAZA thực sự là miền đất hứa cho các loài voi cư trú trên khắp lãnh thổ châu Phi.

Và có lẽ hình ảnh những chú voi nối nhau di chuyển ra khỏi Botswana, chở trên lưng niềm hy vọng về tương lai tươi sáng hơn tại KAZA ít nhiều cũng giúp trấn an những chuyên gia bảo tồn vốn chưa thực sự tin tưởng vào khả năng thành công của khu bảo tồn này.

Ý tưởng xây dựng KAZA xuất phát từ mô hình các khu bảo tồn ở Namibia, nơi đã có một thời nở rộ nạn săn voi trái phép. Song, nhờ áp dụng và nhanh chóng phổ biến các hoạt động du lịch sinh thái, săn bắn có kiểm soát và thu hoạch bền vững các loài thực vật hoang dã, từng bước biến hệ thống khu bảo tồn thành một hành lang xuyên suốt toàn lãnh thổ nên đến nay, Namibia đã bảo vệ được gần 40% diện tích đất đai và trở thành một địa danh nổi tiếng để quan sát các loài ĐVHD quý hiếm như tê giác, báo, sư tử sa mạc… KAZA sẽ theo mô hình này, sử dụng các khu bảo tồn để tái thiết các hành lang ĐVHD giữa các công viên và khu bảo tồn hiện có.

Hiệp ước KAZA được ký kết hồi tháng 8 năm ngoái giữa 5 quốc gia khu vực Nam Phi gồm Angola, Botswana, Namibia, Zambia và Zimbabwe. Hơn nửa năm sau, KAZA đã được khởi động với khoản hỗ trợ cam kết trị giá 26 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Đức. Để thành công, dự án KAZA cần phải được 5 quốc gia nói trên cho phép thông quan qua các khu vực biên giới lâu nay vốn là vùng nhạy cảm, gạt bỏ mối bất đồng, mâu thuẫn và lợi ích riêng của từng nước sang một bên.

Nếu thành công, KAZA sẽ giúp người dân nơi đây thoát nghèo đồng thời với việc bảo tồn loài voi và bảo vệ vùng đồng bằng Okavango – một trong những hệ sinh thái chức năng quy mô lớn cuối cùng của “lục địa đen” và cũng là ngôi nhà của nhiều loài ĐVHD bị đe dọa nhiều nhất trong khu vực, bao gồm tê giác đen, chó hoang châu Phi cùng hàng trăm loài chim quý.

Còn đó nhiều thách thức

Hy vọng cũng nhiều, song những thách thức mà dự án khu bảo tồn mới đang phải đối mặt cũng không phải ít do nguồn kinh phí triển khai còn hạn hẹp, mâu thuẫn giữa người dân và các loài ĐVHD đang gia tăng, mối lo ngại bùng phát các dịch bệnh cho đàn gia súc của người dân chưa lúc nào vơi bớt và thêm một thực tế nữa là số lượng ĐVHD của châu Phi đang không ngừng suy giảm. Thậm chí còn xuất hiện quan ngại rằng khi hoàn thành, dự án này sẽ chỉ làm giàu cho các công ty du lịch nước ngoài thay vì cải thiện đời sống của các cộng đồng địa phương.

Thông thường, các nước phương Tây vẫn quan niệm những vườn quốc gia ở châu Phi còn nguyên thủy, hoang sơ nhưng quan niệm ấy giờ đây hầu như không còn đúng với lục địa đen. Ngoài một số nơi được quy hoạch tốt như Vườn Quốc gia Chobe (Botswana) hay một số vườn còn duy trì mô hình truyền thống có hàng rào bảo vệ và nhóm tuần rừng, số còn lại đều đang mặc sức chịu sự tác động của con người.

Không như một khu bảo tồn đơn thuần, KAZA là một vùng bảo tồn xuyên biên giới với số lượng dân cư khá lớn (khoảng 2,5 triệu người), quá nửa diện tích đất đai được quản lý theo phương thức tập thể và sử dụng để canh tác hoặc chăn thả phục vụ sinh kế. Điều này liệu có ảnh hưởng gì đến mục tiêu bảo tồn voi và các loài ĐVHD bị đe dọa khác ở châu Phi không?

Nơi đây được xây dựng nhằm mục đích bảo tồn voi và các loài bị đe dọa khác ở châu Phi (Ảnh: Toptenzpictures.com)

“Hiển nhiên là có” – theo kinh nghiệm nghiên cứu các khu bảo tồn của Chris Weaver, Giám đốc Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) ở Namibia. Ông nhấn mạnh việc xây dựng thành công Khu bảo tồn KAZA tương lai nếu không được quảm lý tốt rất có thể phản tác dụng, khi mà xung đột giữa con người và loài voi đang ngày một gay gắt hơn.

Năm 2010, voi hoang dã đã hoành hành trên khắp các khu định cư phía Nam Angola, giày xéo nhà cửa, ruộng đồng của người dân, buộc họ phải di tản tới Namibia. Nếu voi và người cứ phải dè chừng và đối kháng nhau thì hẳn là những nỗ lực bảo tồn cũng sẽ không tránh khỏi bị ảnh hưởng.

Đáp lại mối băn khoăn chung – có thể vừa thực hiện các giải pháp bảo tồn, vừa đảm bảo các mục tiêu phát triển trong một khu bảo tồn như KAZA hay không? – David Cumming, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề xuyên biên giới tại Harare (Zimbabwe), cho rằng sẽ vô cùng khó khăn, thậm chí là không thể.

Những chú voi không thể mãi bị “giam” sau những hàng rào thép gai và người dân địa phương cũng vậy, họ không thể mãi chờ đợi mà còn cần phải ổn định sinh kế để chăm lo cho cuộc sống gia đình trước khi toàn tâm toàn ý nỗ lực vì công tác bảo tồn các loài ĐVHD trên đất nước họ.