Tổ chim lạ tại Quảng Ngãi là cú lợn trắng

ThienNhien.Net – Giáo sư Võ Quý, một trong những chuyên gia sinh học hàng đầu Việt Nam đã bác bỏ mọi bán tín bán nghi về giống chim lạ được phát hiện tại một hộ dân ở Quảng Ngãi vào sáng 23/12 khi khẳng định loài chim này chính là loài cú lợn lưng xám hay còn gọi là cú lợn trắng, có tên khoa học là Tyto Alba, thuộc nhóm hạn chế khai thác.

4/6 cá thể chim non được phát hiện tại nhà ông Nguyễn Văn Phô ở thôn Hà Đông, xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, Quảng Nam được xác định là loài cú lợn trắng (Ảnh: VnExpress)

Theo Giáo sư Võ Quý, loài cú lợn trắng thường xuất hiện ở các đô thị tại Việt Nam, chúng làm tổ trên nóc nhà bỏ hoang hoặc trên tường cao trong nhà. Chim cú lợn là loài thiên địch với chuột, cá thể trưởng thành có kích thước cánh 275-323 mm, đuôi 119-127 mm, giò 68-77 mm, mỏ quắp dài 30-32 mm, mặt hình trái tim, mắt tinh ranh.

Tại Việt Nam, các nhà khoa học mới phát hiện ra 3 loài cú lợn, bao gồm cú lợn lưng xám (Tyto alba), cú lợn rừng phương Đông (Phodilus badius), và cú lợn lưng nâu (Tyto capensis).

Theo Nghị định 32/CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng cấp quý hiếm, cú lợn rừng và cú lợn lưng xám được xếp vào nhóm hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Riêng cú lợn rừng được đưa vào Sách đỏ Việt Nam (mức độ nguy cấp bậc T – bị đe dọa), có giá trị thẩm mỹ và khoa học, là nguồn gen quý, có vùng phân bố rộng nhưng số lượng cá thể ít, hiếm gặp.