Thực hiện định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng

Chỉ xuất khẩu sản phẩm chế biến từ khoáng sản có giá trị kinh tế cao đối với một số loại khoáng sản có quy mô lớn - Ảnh minh họa: ThienNhien.Net

ThienNhien.Net – Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Mục tiêu của Chương trình là xác định những nhiệm vụ chủ yếu của các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược  khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm thúc đẩy phát triển bền vững công nghiệp khai khoáng của đất nước.

Chương trình đề ra 4 nhiệm vụ gồm: 1- Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản; 2- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; 3- Đổi mới cơ chế, chính sách trong lĩnh vực khoáng sản; 4- Phát triển công nghiệp khai khoáng.

Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản

Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan trong quý I/2012 phải hoàn thành: Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật  Khoáng sản; Nghị định quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản phải được hoàn thành trong quý II/2012.

Cùng với đó là nhiệm vụ rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch khoáng sản đã được phê duyệt. Sửa đổi, bổ sung, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Quy hoạch khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan kiện toàn tổ chức các cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản từ Trung ương đến địa phương; tăng cường nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về khoáng sản ở các cấp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản; xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm.

Thường xuyên theo dõi, giám sát đánh giá việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản và ảnh hưởng tích cực, tiêu cực đến kinh tế, xã hội, đề xuất chỉnh sửa, bổ sung. Nhiệm vụ này Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ Tư pháp, Công Thương, Xây dựng và các Bộ ngành liên quan thực hiện.

Chỉ xuất khẩu sản phẩm chế biến từ khoáng sản có giá trị kinh tế cao đối với một số loại khoáng sản

Về chính sách dự trữ và xuất khẩu khoáng sản, trong năm 2012, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành việc khoanh định các khu vực cấm, khu vực tạm cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn từng tỉnh, thành phố. Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, khu vực dự trữ khoáng sản Quốc gia.

Bên cạnh đó, dự báo nhu cầu, đánh giá năng lực, khả năng khai thác, chế biến khoáng sản trong nước theo kỳ kế hoạch để có quy hoạch, kế hoạch khai thác hợp lý, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu sử dụng trong nước theo từng thời kỳ.

Đặc biệt, chỉ xuất khẩu sản phẩm chế biến từ khoáng sản có giá trị kinh tế cao đối với một số loại khoáng sản có quy mô lớn; rà soát đề xuất điều chỉnh sản lượng khai thác một số loại khoáng sản theo hướng ưu tiên cho nhu cầu sử dụng trong nước.

Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, hoàn thành trong năm 2012; đánh giá tổng thể, đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động khoáng sản, chế biến khoáng sản đến môi trường, môi sinh.

Quy hoạch, xây dựng các khu khai thác, chế biến tập trung tạo các sản phẩm có giá trị kinh tế cao đối với các khoáng sản có quy mô lớn như titan – zircon, bauxit, đất hiếm, cromit, apatit, chì kẽm đá vôi trắng, cát thủy tinh. Đối với các khoáng sản khai thác khác quy hoạch, xây dựng nhà máy chế biến phù hợp với tiềm năng của từng loại khoáng sản.