“Sẽ có khó khăn sau chương trình 661”

Ông Phan Hồng Thái, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình).

ThienNhien.Net – Trong thời gian qua, một số tờ báo đưa tin 129 kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nhất loạt nộp đơn xin nghỉ việc vì lương thấp. Khi chúng tôi liên hệ ông Phan Hồng Thái, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phong Nha – Kẻ Bàng để xác nhận thông tin, ông Thái đã phủ nhận, cho rằng báo chí phản ánh thiếu chính xác. Tuy nhiên, ông cũng cho biết Vườn đang gặp nhiều khó khăn khi dự án 661 khép lại.

PV: Thưa ông, như ông nói “thông tin báo chí viết như vậy là không đúng”, rất mong ông diễn giải “sự không đúng” này?

Ông Phan Hồng Thái: VQG Phong Nha – Kẻ Bàng có lực lượng kiểm lâm thường trực là 127 người, bên cạnh đó là lực lượng ký kết hợp đồng theo dự án 661 (dự án 5 triệu ha rừng). Khi triển khai dự án chúng tôi đã hợp đồng với trên 100 người, nay chỉ còn hợp đồng với trên 60 người vì kinh phí thu hẹp.

Lực lượng thuộc Dự án 661 có hai dạng hợp đồng, trong đó một dạng là hợp đồng với dân bản, người dân thành lập các tổ bảo vệ rừng trên địa bàn đã được giao rừng, với diện tích được giao đến nay là 250.000ha. Các hợp đồng này chấm dứt khi hết thời hạn, có người hợp đồng ngắn thì 2 năm, cũng có người ký lâu hơn đến nay vẫn chưa nghỉ.

Vừa rồi Quốc hội họp đã thông qua việc kết thúc dự án 5 triệu ha rừng, đến 30/12/ 2011 tới Vườn sẽ họp tổng kết Dự án. Đóng dự án nghĩa là không còn kinh phí để cấp cho lực lượng ấy nữa. Vì thế, các hợp đồng thuộc dự án 661 hết năm nay bị cắt, chứ không phải 129 kiểm lâm đồng loạt xin nghỉ việc.

PV: Theo các hợp đồng này, người dân sẽ được hỗ trợ ra sao?

Ông Phan Hồng Thái: Với dự án này, kinh phí ở trên rót xuống. Trước đây cũng có hợp đồng trả người dân tháng 2 triệu, nhưng vì kinh phí ngày càng thu hẹp nên  rút lại xuống còn hơn 1 triệu/tháng. Mặc dù khoản thu nhập thấp nhưng người dân rất thiết tha bảo vệ rừng.

PV: Dự án 661 kết thúc, lực lượng lao động hợp đồng sẽ được bố trí việc làm ra sao? Dường như không ít trong số họ là người bản địa, vốn sinh sống trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn?

Ông Phan Hồng Thái: Họ lại quay về như trước thôi. Quả thực đây cũng là vấn đề nan giải đấy.

PV: Ông đánh giá như thế nào về kết quả của dự án được triển khai tại Vườn trong thời gian qua?

Ông Phan Hồng Thái: Tôi cho rằng rất thành công, không riêng gì ở Vườn mà cả tỉnh cũng rất thành công. Dự án phân bổ kinh phí cho Phong Nha – Kẻ Bàng thì Vườn phải chia ra để tạo công ăn việc làm cho người dân, đặc biệt là dân của bản Arem thuộc xã Tân Trạch nằm trong địa phận của Vườn và một số thôn bản, xã khác, giúp họ chuyển đổi từ thói quen luôn dựa vào rừng trở thành người bảo vệ rừng. Thực tế cho thấy người dân  tham gia rất hiệu quả. Trong số lao động hợp đồng, có những người từng tham gia nghĩa vụ quân sự trở về, cũng có người học trung cấp lâm nghiệp ra, họ mong muốn là sau này được đứng vào hàng ngũ lực lượng kiểm lâm bảo vệ rừng.

PV: Thưa ông, vậy còn lực lượng kiểm lâm chính thức của Vườn thì sao?

Ông Phan Hồng Thái: Theo các quy định của Chính phủ trước đây và quy định tại Nghị định 117 về quản lý rừng đặc dụng thì 1.000ha rừng được bố trí 2 kiểm lâm viên. Đến thời điểm này, Hạt Kiểm lâm chúng tôi thiếu rất nhiều nhân lực. Vườn mới có một nửa lực lượng, tức là 127 người để bảo vệ 126.000ha rừng. Chúng tôi đã đề xuất chỉ tiêu lên cấp trên, nhưng vấn đề khó khăn nằm ở kinh phí của địa phương.

PV: Kiểm lâm vườn thiếu một nửa so với tiêu chuẩn, vậy công tác quản lý và bảo vệ rừng trong thời gian qua đã gặp khó khăn như thế nào?

Ông Phan Hồng Thái: Quản lý ở đây rất phức tạp và nhiều áp lực, nhưng cũng may là xung quanh Vườn hiện có 5 lâm trường vẫn còn rừng nguyên sinh họ khai thác hàng năm. Nếu không, áp lực sẽ còn lớn hơn nhiều, đặc biệt từ 13 xã vùng đệm với hơn 55.000 dân sinh sống xung quanh, đa số hộ nghèo, 1/3 là đồng bào dân tộc, ½ là đồng bào công giáo. Bên cạnh đó, tại vùng lõi có xã Sơn Trạch và Phúc Trạch có gần 2.000 người tham gia làm dịch vụ du lịch rất tốt, trong đó khoảng hơn 600 người lái thuyền, gần 400 người chụp ảnh và rất nhiều người làm việc cho hệ thống mấy chục nhà nghỉ, khách sạn tại địa phương nên cũng giảm nhiều tác động tới rừng. Các xã khác cũng nhận được sự quan tâm từ các tổ chức trong và ngoài nước.

PV: Việc công nhận danh hiệu di sản thế giới thực tế đã tạo thuận lợi hay gây áp lực cho Vườn?

Ông Phan Hồng Thái: Vườn được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới về giá trị địa chất, địa mạo năm 2003, nay cũng đang có hồ sơ đề nghị được công nhân giá trị đa dạng sinh học và bên UNESCO đã cử người sang điều tra, dự kiến năm 2012 sẽ trao bằng công nhận. Tuy nhiên, điều này cũng là áp lực đối với chúng tôi vì danh hiệu càng nhiều thì trách nhiệm càng lớn, rất cần sợ hỗ trợ của toàn dân, của các cấp ngành. Đến thời điểm này, Vườn mới đầu tư phát triển được du lịch ở 2 trong số 13 xã vùng đệm.

PV: Ông có đề xuất gì tham mưu cho cấp trên?

Ông Phan Hồng Thái: Bên cạnh hai xã phát triển du lịch, một số xã vùng đệm cũng đang được hưởng lợi từ Dự án GIZ, được cấp vốn và hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cây. Dự án đã được triển khai được 3 năm và có kết quả tốt. Song, tôi cho rằng vẫn chưa đủ, cần có thêm nhiều dự án thiết thực tạo công ăn việc làm cho dân, ví dụ như thanh niên lớn lên thì đào tạo việc cho họ, tạo điều kiện cho họ đi xuất khẩu lao động nước ngoài chẳng hạn.

Vườn rất thiết tha có những dự án đầu tư hỗ trợ, tăng cường thêm lực lượng bảo vệ hoặc phải có hướng tạo việc làm cho người dân địa phương để nhằm hạn chế tác động của người dân tác động vào rừng.

Xin cảm ơn ông!

Báo điện tử Sài Gòn Giải phóng ngày 21/11/2011 và Báo Công An Nhân Dân ngày 23/11/2011 đăng tin: Vào các ngày 21 và 22/11/2011 tin từ Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) cho biết hàng loạt kiểm lâm viên làm việc theo chương trình dự án bảo vệ rừng 661 đã làm đơn xin nghỉ việc. Nguyên nhân được xác định là dù công việc hết sức vất vả, nguy hiểm lại luôn bị lâm tặc tìm cách hành hung, chống cự nhưng mức lương mỗi kiểm lâm viên chỉ 700.000 đồng/tháng. Hiện còn 51 người bám trụ với mức lương 700.000 đồng/tháng.Được biết dự án 661 của Vườn sẽ kết thúc vào cuối năm nay.