Độ che phủ rừng toàn cầu thấp hơn mức ước tính trước đây

ThienNhien.Net – Đánh giá mới dựa trên hình ảnh từ vệ tinh của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) đã cho thấy độ che phủ rừng toàn cầu, cũng như diện tích rừng bị mất trên thực tế đều thấp hơn so với ước tính trước đó của FAO.

Những thay đổi giữa FRA 2010 – Đánh giá Nguồn tài nguyên Rừng Toàn cầu của FAO năm 2010 dựa trên những dữ liệu điều tra về rừng và FAO 2011 – bản đánh giá mới dựa vào vệ tinh (Ảnh: FAO)

Theo bản đánh giá thì năm 2005, độ che phủ rừng trên thế giới vào khoảng 3,69 tỷ héc-ta, tương đương xấp xỉ 30% diện tích đất toàn cầu. Trong khi đó, Đánh giá Nguồn tài nguyên Rừng Toàn cầu năm 2010 (FRA 2010) lại ước tính độ che phủ rừng đạt khoảng 4,06 tỷ héc-ta.

Cũng theo FAO, gần một nửa (44%) độ che phủ rừng còn lại trên thế giới nằm ở khu vực nhiệt đới, còn 1/3 độ che phủ nằm ở vùng Bắc cực. Rừng ôn đới chiếm 13% độ che phủ rừng toàn cầu, trong khi rừng cận nhiệt chỉ chiếm 9%.

Bên cạnh đó, đánh giá mới còn cho biết giai đoạn 1990 – 2005, diện tích rừng toàn cầu đã giảm 72,9 triệu héc-ta, thấp hơn ước tính trước đây (107,4 triệu héc-ta) gần 1/3. Đa phần những sự chênh lệch này là do tiến bộ trong việc phân tích dữ liệu về rừng châu Phi.

Ngoài ra, theo đánh giá 2011, tình trạng chặt phá rừng giai đoạn 2000 – 2005 so với những năm 1990 đã tăng vọt, đẩy tỷ lệ mất rừng trên thực tế tăng 56%, từ trung bình 4,1 triệu héc-ta mỗi năm trong thập kỷ 1990 tăng lên 6,4 triệu héc-ta mỗi năm trong giai đoạn 2000 – 2005. Thế nhưng ngược lại, FRA 2010 lại cho rằng nạn chặt phá rừng giữa hai giai đoạn này đã có chiều hướng giảm.

Phần lớn diện tích rừng bị mất nằm ở khu vực nhiệt đới. Còn tại các vùng Bắc cực, ôn đới, cận nhiệt đới…, độ che phủ rừng đã gia tăng nhờ các hoạt động tái trồng rừng, phục hồi rừng tự nhiên và lập đồn điền, vườm ươm.