Các đại dương đang “hấp hối”

ThienNhien.Net – Trong một cuốn sách mới phát hành tại Hoa Kỳ, Giáo sư Peter Sale, Giám đốc Viện Nước, Môi trường và Sức khỏe trực thuộc Đại học Liên Hợp quốc (UNU-INWEH), đã bày tỏ mối quan ngại về nguy cơ biến mất của những hệ sinh thái rạn san hô trên thế giới ngay trong thế kỷ này và cho rằng sự “tuyệt chủng” hoàn toàn của một hệ sinh thái chính là nguy cơ mới đầu tiên của loài người.

Trải qua hơn 20 năm nghiên cứu, Giáo sư P. Sale đã trực tiếp chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của môi trường đang hủy diệt các rạn san hô. Sớm thôi, trước khi thế kỷ XXI khép lại, chúng ta sẽ được chứng kiến khắp hành tinh chẳng còn lấy một rạn san hô nào, ông dự đoán.

Không thể phủ nhận nhiều hoạt động của con người đã tác động tiêu cực tới các rạn san hô, chẳng hạn như gây ô nhiễm, đánh bắt cá thiếu bền vững, các hoạt động phát triển ven bờ, song đây chỉ là những ảnh hưởng mang tính khu biệt ở từng vùng miền. Trên thực tế, chính hiện tượng biến đổi khí hậu và tình trạng a-xít hóa đại dương mới là vấn đề lớn, đang dẫn đến những thay đổi trên quy mô chưa từng có.

Qua cuốn sách mang tựa đề “Our Dying Planet” (Tạm dịch: Một hành tinh đang “hấp hối”), tác giả đã đưa ra một số dự báo kinh koàng về tương lai của thế giới: “Loài người từng nói về tình trạng mất mát đa dạng sinh học hiện nay như một sự kiện tuyệt chủng hàng loạt kỷ Holocene, nghĩa là tốc độ mất loài ngang ngửa các cuộc đại tuyệt chủng trong quá khứ. Tôi nghĩ đó chính là điều mà chúng ta đang chứng kiến.”

Trước khi thế kỷ XXI khép lại, chúng ta sẽ được chứng kiến khắp hành tinh chẳng còn lấy một rạn san hô nào (Ảnh minh họa: Thecoralreefss.com)

Chưa hết, “Our Dying Planet” còn đào sâu vấn đề đánh bắt quá mức và đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Sẽ ra sao nếu chúng ta tiếp tục đi trên con đường hiện tại trong khi các hệ sinh thái đại dương đang tiếp tục biến đổi trầm trọng?

Như đã biết, các ngư trường cung cấp khoảng 15% đạm động vật trong chế độ dinh dưỡng của con người. Trong khi ngành nuôi trồng thủy sản có thể được coi là một giải pháp cho nguồn thủy sản tự nhiên đang suy giảm thì ngành công nghiệp này cũng phải chịu trách nhiệm trước những suy thoái môi trường, đặc biệt là ở nhiều nước đang phát triển. Giáo sư P. Sale tin rằng sự mất mát các ngư trường không chỉ là vấn đề địa phương mà nó sẽ gây ảnh hưởng lan truyền đến nhiều khu vực của thế giới khi mà loài người phải chật vật để bù đắp phần thực phẩm vốn được các ngư trường cung cấp.

Và cơ bản, thông điệp của cuốn sách chính là lời tiên tri đáng sợ về một tình trạng toàn cầu, do chính con người tạo ra, đang gây nên những thiệt hại nặng nề và không thể phục hồi đối với các hệ sinh thái trên Trái đất.